Theo nghiên cứu của Levis và các đồng nghiệp, liệu pháp estrogen có hoặc không có progesterone giúp ngăn ngừa những thay đổi liên quan đến mãn kinh, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ, nóng bừng, và khô âm đạo. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ hiện nay đang hạn chế bớt việc sử dụng liệu pháp thay thế estrogen sau khi có các phát hiện từ Women’s Health Initiative.
Protein trong đậu nành có chứa phytoestrogens, ảnh hưởng của chúng trên các bệnh lý liên quan đến thiếu estrogen đã được nghiên cứu. Đã từng có ghi nhận rằng dường như những người phụ nữ châu Á có các triệu chứng mãn kinh ít nghiêm trọng hơn là nhờ tiêu thụ các sản phẩm đậu nành mỗi ngày. Tuy nhiên, 3 phân tích gộp về lợi ích của sản phẩm đậu nành đã báo cáo các kết quả trái ngược nhau.
Theo kết quả của một thử nghiệm tại một trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược được báo cáo vào tháng 8 trên Archives of Internal Medicine, isoflavones trong đậu nành có thể không ngăn ngừa được các triệu chứng của mãn kinh hoặc mất xương.
"Các lo ngại về nguy cơ khi sử dụng liệu pháp thay thế estrogen đã dẫn đến một sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng các sản phẩm đậu nành của phụ nữ mãn kinh, mặc dù không có đủ bằng chứng về hiệu quả của các sản phẩm này,” theo Silvina Levis, MD, thuộc Miami Veterans Affairs Healthcare System và Miller School of Medicine, Đại học Miami, Florida, và các đồng nghiệp. "Mục tiêu của chúng tôi là xác định hiệu quả của viên chứa isoflavone đậu nành trong việc ngăn ngừa mất xương và các triệu chứng mãn kinh."
Các tác giả đã thực hiện nghiên cứu so sánh giữa viên bổ sung isoflavone trong đậu nành 200 mg với giả dược ở phụ nữ mãn kinh, với mục đích khảo sát các tác động của chúng trên mật độ khoáng của xương và các triệu chứng của mãn kinh.
Tiêu chuẩn nhận vào là phụ nữ từ 45 đến 60 tuổi, mãn kinh trong vòng 5 năm, và điểm số mật độ khoáng của xương -2.0 hoặc cao hơn đối với xương thắt lưng hoặc xương hông. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2004 đến ngày 31 tháng 3 năm 2009, tổng cộng 248 người tham gia được phân ngẫu nhiên với tỉ lệ 1:1 dùng thuốc viên có chứa isoflavone đậu nành 200 mg mỗi ngày (n = 122), hoặc giả dược (n = 126). Kết quả được đánh giá ở 2 năm tiếp theo. Kết cục chính của nghiên cứu là sự thay đổi trong mật độ khoáng của xương thắt lưng, hông và cổ xương đùi, kết cục phụ bao gồm những thay đổi trong các triệu chứng mãn kinh, đặc điểm mô học âm đạo, N-telopeptide của collagen xương type I, chất béo và chức năng tuyến giáp.
Kết quả chính không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm trong 2 năm. Những thay đổi trong mật độ khoáng của xương cột sống ở người tham gia dùng viên đậu nành là -2.0% so với -2.3% trong những người dùng giả dược. Những thay đổi mật độ khoáng của xương hông lần lượt là -1.2% và -1.4%, và ở cổ xương đùi lần lượt là -2.2% và -2.1%.
So với nhóm chứng, nhóm dùng đậu nành có tỷ lệ lớn hơn có ý nghĩa về số phụ nữ có triệu chứng nóng bừng (48.4% với 31.7%; P = .02) và tỷ lệ lớn hơn không có ý nghĩa về số phụ nữ bị táo bón. Những kết quả khác tương tự ở cả hai nhóm.
Trong dân số này, việc dùng thuốc hàng ngày chứa 200 mg isoflavones trong đậu nành trong 2 năm không ngăn ngừa mất xương hay các triệu chứng của mãn kinh, các tác giả nghiên cứu viết.
Hạn chế của nghiên cứu này bao gồm tỉ lệ bỏ dở nghiên cứu cao hơn mong đợi, cao hơn có ý nghĩa thống kê trong nhóm giả dược và cỡ mẫu bị giảm có thể làm giảm độ mạnh của nghiên cứu.
Trong một bài bình luận đi kèm, Katherine M. Newton, PhD, thuộc the Group Health Research Institute, Group Health Cooperative, Seattle, Washington, và Deborah Grady, MD, MPH, thuộc University of California, San Francisco, và San Francisco VA Medical Center, lưu ý rằng mặc dù cỡ mẫu nhỏ hơn so với dự kiến, cả hai nhóm đã có kết quả gần như tương tự nhau.
“Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho liệu pháp estrogen, cho đến nay, giải pháp không - điều - trị có lẽ là phương pháp hiệu quả gần nhất với lượng estrogen chuẩn trong điều trị các triệu chứng vận mạch,” Bác sĩ Newton và Grady viết. “Trong một mức độ nào đó, chúng ta còn bị hạn chế vì cơ chế của các cơn nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm vẫn chưa được biết… Có lẽ những nỗ lực hiện nay không nên tập trung vào việc tìm kiếm một phác đồ phù hợp cho tất cả bệnh nhân, mà nên hướng về việc sử dụng các phương pháp điều trị hiện có để điều trị các triệu chứng làm bệnh nhân than phiền nhất."
Nguồn: Soy Isoflavone Not Effective in Preventing Bone Loss Menopausal Symptoms – Medscape.com
Người dịch: Dương Huệ Phương
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...