Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Erasmus tại Rotterdam, Hà Lan được công bố trực tuyến trên European Respiratory Journal: những trẻ chỉ bú sữa mẹ đến sáu tháng tuổi có nguy cơ bị các triệu chứng hen suyễn thấp hơn, và mối liên quan này dường như độc lập với các bệnh truyền nhiễm và dị ứng.
Nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu Generation R Study, được tiến hành trên hàng ngàn trẻ em thành thị đa sắc tộc từ trước khi sinh cho đến đầu giai đoạn trưởng thành, nhằm xác định các nguyên nhân sớm từ môi trường và di truyền đối với sự phát triển, tăng trưởng và sức khỏe bình thường và bất thường của trẻ.
Mặc dù có một vài nghiên cứu khác đã xem xét mối liên quan giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và nguy cơ hen suyễn, các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ là phát hiện đầu tiên cho thấy có mối liên hệ giữa thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và số đợt thở khò khè của trẻ. Họ cũng thấy rằng các triệu chứng liên quan đến hen suyễn xuất hiện sớm hơn ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ với số tháng ít hơn hoặc được bổ sung thêm nguồn sữa khác hoặc thức ăn đặc sớm (trong bốn tháng đầu tiên).
Các nhà nghiên cứu sử dụng các dữ liệu thu thập được từ bảng câu hỏi để xem xét ảnh hưởng của thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và các loại thức ăn khác trên 5.368 trẻ em.
Một tập hợp dữ liệu khác được thu thập từ các bảng câu hỏi sau đó vào thời điểm trẻ được 1, 2, 3 và 4 tuổi. Cách làm này giúp các nhà nghiên cứu nắm được các bệnh lý của trẻ, trong đó có các triệu chứng liên quan đến hen suyễn như thở khò khè, thở nông, ho khan và ho đàm kéo dài.
Kết quả cho thấy:
- So với những trẻ được bú sữa mẹ từ 6 tháng trở lên, những trẻ chưa bao giờ bú mẹ có nguy cơ thở khò khè, thở nông, ho khan và ho đàm kéo dài trong 4 năm đầu tiên tăng.
- Mối liên quan mạnh nhất là với triệu chứng ho đàm kéo dài (trẻ chưa từng bú sữa mẹ có nguy cơ bị triệu chứng này cao gấp 1,5 lần), và thở khò khè (nguy cơ cao hơn 1,4 lần đối với trẻ chưa từng bú sữa mẹ).
- Được cho ăn thức ăn đặc hoặc các loại sữa khác trong bốn tháng đầu đời có liên quan đến nguy cơ bị thở khò khè, thở nông, ho khan và ho đàm kéo dài trong những năm mầm non cao hơn so với trẻ chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn trong bốn tháng đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu kết luận:
"Thời gian nuôi con bằng sữa mẹ ngắn và bú mẹ không hoàn toàn có liên quan đến tăng nguy cơ bị các triệu chứng liên quan đến hen suyễn ở trẻ em mầm non. Những mối liên quan này có thể được giải thích một phần là do nhiễm trùng, nhưng không phải do cơ chế dị ứng."
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Agnes Sonnenschein-van der Voort, làm việc tại khoa Hô hấp Nhi tại trung tâm Erasmus cho biết: “Mặc dù cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xem xét việc nuôi con bằng sữa mẹ có bảo vệ trẻ chống lại bệnh hen suyễn sau này trong cuộc sống hay không, những kết quả này ủng hộ chiến lược chính sách y tế hiện hành nhằm thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở các nước công nghiệp."
Nguồn : Asthma Risk Lower In Breastfed Babies – www.medicalnewstoday,com
Người dịch: Huỳnh Thị Mai Thanh
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...