Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 28-03-2013 3:27am
Viết bởi: Administrator

hm

ThS. Hồ Mạnh Tường

CGRH, Khoa Y Đại học Quốc Gia TPHCM

 

 

Mục tiêu bài này nhằm cập nhật các kiến thức và thông tin trong và ngoài nước quan trọng gần đây trong lãnh vực hỗ trợ sinh sản. Các kiến thức và thông tin mới được trình bày dựa trên các báo cáo mới nhất trong và ngoài nước. Các kiến thức này có thể hữu ích cho đồng nghiệp trong việc giải thích và tư vấn cho bệnh nhân.

Sức khỏe của trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm

Các chuyên gia trên thế giới ước tính đã có hơn 5 triệu em bé ra đời từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Con số này ở Việt Nam là trên 10.000. Ước tính hiện nay ở Việt Nam mỗi năm có thêm hơn 2.000 trẻ mới ra đời từ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).

Các báo cáo gần đây cho thấy không có sự khác biệt lớn về bệnh lý và tình trạng sức khỏe của trẻ sinh ra từ TTTON và trẻ sinh tự nhiên.

Một thống kê hơn 3.000 trẻ TTTON ở Việt Nam cho thấy tỉ lệ giới tính của trẻ TTTON là không khác biệt so với tỉ lệ giới tính trong cộng đồng.

Thai kỳ từ phôi sau rã đông tốt hơn từ phôi tươi sau thụ tinh trong ống nghiệm

Trong vài năm gần đây, các số liệu từ các báo cáo từ nhiều trung tâm, tổ chức trên thế giới đều cho thấy tỉ lệ có thai, diễn tiến thai kỳ và kết quả sản khoa của trẻ sinh ra từ phôi sau rã đông đều có khuynh hướng tốt hơn so với phôi tươi.

Thông tin này cần được cung cấp cho bệnh nhân. Về phía các trung tâm cần đầu tư và mở rộng chỉ định đông lạnh phôi.

Xu hướng này có thể giúp tăng hiệu quả của các chu kỳ điều trị, giảm tần suất hội chứng quá kích buồng trứng, đồng thời cải thiện kết quả sản khoa của các trường hợp TTTON.

Nuôi cấy phôi nang làm giảm cơ hội có thai của thụ tinh trong ống nghiệm

Đây là một thông tin mới cho các số liệu trái ngược với suy luận từ trước nay về nuôi phôi dài ngày.

Nhiều báo cáo với số lượng lớn trên y văn gần đây cho thấy nuôi cấy phôi nang không làm tăng đáng kể tỉ lệ có thai khi chuyển phôi tươi. Ngược lại, nuôi cấy phôi nang làm tăng tỉ lệ các trường hợp không có phôi chuyển, giảm số lượng phôi lạnh. Do đó, nuôi cấy phôi nang có thể làm giảm tỉ lệ có thai dồn (chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ) của một chu kỳ kích thích buồng trứng.

Để nuôi cấy phôi dài ngày, các trung tâm TTTON cần đầu tư thêm về thiết bị, con người, dụng cụ và vật tư tiêu hao, do đó tăng chi phí và giá thành điều trị.

Thông tin này cần được cung cấp cho bệnh nhân. Đồng thời các trung tâm cần cân nhắc khi quyết định triển khai nuôi cấy phôi nang cho một số đối tượng có chọn lọc.

Phác đồ kích thích buồng trứng antagonist có kết quả tương đương và nhiều ưu điểm so với phác đồ dài cổ điển

Các báo cáo trên thế giới đều cho thấy phác đồ antagonist cho kết quả tương đương với phác đồ dài trong TTTON. Nhiều trung tâm ở Việt Nam hiện nay sử dụng phác đồ này cho gần 100% bệnh nhân và kết quả là rất tốt. Số liệu báo cáo trên 3.000 trường hợp chuyển phôi tươi sau phác đồ kích thích buồng trứng (KTBT) antagonist của Trung tâm IVFAS cho thấy tỉ lệ có thai trên 40%.

Các lợi ích khác của phác đồ KTBT antagonist (phác đồ ngắn) so với phác đồ dài cổ điển:

-    Thời gian điều trị rút ngắn phân nửa

-    Giảm chi phí đi lại, điều trị, xét nghiệm…

-    Giảm chi phí thực hiện kích thích buồng trứng

-    Giảm nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) khoảng 50%

-    Nếu kết hợp với sử dụng GnRH agonist thay thế hCG ở giai đoạn cuối sẽ triệt tiêu gần hư hoàn toàn nguy cơ OHSS

-    Có thể sử dụng FSH tác dụng dài để kích thích buồng trứng

Thông tin này cần được cung cấp cho bệnh nhân. Về phía các trung tâm nên từng bước chuyển sang sử dụng phác đồ này cho đa số bệnh nhân để giúp giảm chi phí và tăng mức độ an toàn của kỹ thuật TTTON.

Kích thích buồng trứng với FSH tác dụng dài cho hiệu quả tốt và thuận tiện cho bệnh nhân

FSH tác dụng kéo dài (Elonva), một mũi tiêm có tác dụng 7 ngày, đã chính thức có mặt ở Việt Nam vào giữa năm 2012. FSH chỉ khuyến cáo sử dụng với phác đồ KTBT antagonist và cho bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng bình thường.

Các kết quả bước đầu ở Việt Nam cho thấy FSH tác dụng dài cho kết quả không khác biệt so với FSH tiêm mỗi ngày và thuận tiện cho bệnh nhân.

Bổ sung LH trong Kích thích buồng trứng giúp cải thiện kết quả có thai

Sử dụng FSH đơn thuần để KTBT trong TTTON hiện nay khá phổ biến trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây cho thấy bổ sung LH kèm với FSH có thể giúp tăng tỉ lệ có thai ở các trường hợp lớn tuổi và giảm dữ trữ buồng trứng. Hiện nay, ở Việt Nam đã có dạng thuốc kết hợp FSH tái tổ hợp và LH tái tổ hợp trong cùng một ống thuốc (Pergoveris).

Atosiban giúp cải thiện tỉ lệ có thai ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm

Atosiban (Tractocile), một thuốc sử dụng phổ biến để giảm cơn co tử cung trong điều trị dọa sinh non, đã được chứng minh có thể có hiệu quả tăng tỉ lệ có thai khi cho trước và sau thời điểm chuyển phôi.

Áp dụng phác đồ điều trị mới này có thể giúp cải thiện tỉ lệ thành công của TTTON.

Tăng gốc oxy hóa tự do (ROS) trong tinh dịch có liên quan đến bất thường tinh dịch đồ

Thông tin này đã được công bố trên thế giới từ nhiều năm qua.

Trong năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản (CGRH), trực thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM đã công bố kết quả nghiên cứu định lượng được ROS trong tinh dịch người và cho thấy nồng độ ROS trong tinh dịch có tương quan với bất thường tinh dịch đồ. Đây có thể là một trong các cơ chế quan trọng gây hiếm muộn nam giới ở Việt Nam.

Việc triển khai xét nghiệm định lượng ROS trong tinh dịch và áp dụng các phác đồ điều trị làm giảm ROS có thể cải thiện kết quả điều trị hiếm muộn.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK