BS. Phùng Huy Tuân - IVF Vạn Hạnh
GIỚI THIỆU
Trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật giúp đưa lĩnh vực hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới. Để thực hiện được một chu trình thụ tinh trong ống nghiệm hoàn chỉnh, một trung tâm hỗ trợ sinh sản không những phải thành thạo các phác đồ kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, nuôi cấy phôi và chuyển phôi, mà còn phải ứng dụng được kỹ thuật trữ lạnh và rã đông phôi. Kích thích buồng trứng sẽ tạo ra nhiều nang noãn phát triển, tăng số trứng chọc hút được, tăng số phôi tạo thành và chuyển nhiều phôi để tăng khả năng thụ thai, trong khi đó trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được gánh nặng về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng mang lại.
Khác với kích thích buồng trứng và chuyển phôi tươi, để chuyển phôi trữ, bệnh nhân chỉ cần được chuẩn bị nội mạc tử cung để tạo điều kiện tối ưu nhất cho nội mạc tử cung đón nhận phôi (sau khi đã qua quá trình trữ lạnh và rã đông) vào làm tổ. Có nhiều phác đồ để chuẩn bị nội mạc tử cung trong chuyển phôi trữ, các phác đồ này đều dựa trên cơ sở hiểu biết về sinh lý của chu kỳ nội mạc tử cung cũng như vai trò của các nội tiết tố sinh sản tác động lên nội mạc tử cung nhằm giúp hình thành và duy trì thai kỳ.
SINH LÝ CHU KỲ NỘI MẠC TỬ CUNG
Nội mạc tử cung biến đổi có tính chất chu kỳ, dưới tác động của các nội tiết tố estrogen và progesterone do nang noãn của buồng trứng tiết ra, tạo ra chu kỳ kinh có tính chất đều đặn và ổn định.
Vào đầu chu kỳ kinh, nội mạc tử cung bong tróc ra do sự sụt giảm đột ngột của estrogen và progesterone, tạo ra kinh nguyệt.
Vào pha nang noãn của chu kỳ kinh, ở buồng trứng sẽ có nhiều nang noãn đi vào quá trình chiêu mộ, chọn lọc, phát triển để cuối cùng có một nang phát triển vượt trội và rụng trứng. Trong giai đoạn này, estrogen do các nang noãn tiết ra vào nửa pha đầu và do nang trội tiết ra vào nửa pha cuối của giai đoạn nang noãn sẽ tác động lên nội mạc tử cung giúp nội mạc tử cung dầy lên, tăng sinh nhiều mạch máu.
Sau khi rụng trứng, hoàng thể được thành lập sẽ tiết ra đồng thời estrogen và progesterone. Progesterone sẽ biến đổi nội mạc tử cung sang giai đoạn chế tiết, chuẩn bị cho sự làm tổ của phôi.
CỬA SỔ LÀM TỔ CỦA NỘI MẠC TỬ CUNG
Không phải bất cứ thời điểm nào phôi cũng có thể bám dính vào nội mạc tử cung, ngoại trừ một giai đoạn ngắn phôi có thể làm tổ và phát triển gọi là giai đoạn “cửa sổ làm tổ”. Trong chu kỳ tự nhiên, phôi bắt đầu làm tổ ở giai đoạn phôi nang 6-8 ngày sau rụng trứng. Sau khi trứng rụng, dưới tác động của progesterone, nội mạc tử cung sẽ chuyển sang giai đoạn chế tiết, chuẩn bị đón phôi vào làm tổ. Người ta thấy rằng không phải lúc nào nội mạc tử cung cũng sẵn sàng chấp nhận sự làm tổ của phôi. Mặc dù được tiếp xúc với progesterone trong suốt pha hoàng thể (kéo dài từ 10-14 ngày), nhưng khoảng thời gian nội mạc tử cung thuận lợi nhất cho sự làm tổ của phôi chỉ kéo dài khoảng 4-5 ngày, từ ngày thứ 19 đến ngày thứ 23 của một chu kỳ kinh 28 ngày, tức sau khi xảy ra hiện tượng rụng trứng 5 đến 9 ngày. Đây cũng chính là thời điểm phù hợp cho phôi nang ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 6 đang di chuyển từ vòi trứng vào đến buồng tử cung để làm tổ. Ngoài cửa sổ làm tổ này của nội mạc tử cung, dù phôi được chuyển có chất lượng tốt đến mấy thì phôi cũng không thể làm tổ. Do đó, xác định thời điểm chuyển phôi để trùng vào thời điểm “cửa sổ làm tổ” là mấu chốt của kỹ thuật chuẩn bị nội mạc tử cung.
VAI TRÒ ESTROGEN VÀ PROGESTERONE ĐỐI VỚI NỘI MẠC TỬ CUNG
Vai trò của estrogen
Estrogen tác động lên nội mạc tử cung trong suốt pha nang noãn, làm cho nội mạc tử cung tăng sinh. Các tác động của estrogen bao gồm:
- Làm cho nội mạc tử cung dầy lên, các ống tuyến phát triển dài và thẳng.
- Kích thích sự tổng hợp của ít nhất 12-14 polypeptides cũng như tổng hợp các thụ thể của chính estrogen và progesterone. Do đó, thời gian tiếp xúc của nội mạc tử cung với estrogen phải đầy đủ, ít nhất 12-14 ngày để nội mạc tử cung có thụ thể với progesterone.
- Tác động trên tế bào biểu mô, làm cho tế bào biểu mô nhạy cảm và đáp ứng với các tín hiệu của phôi nang, thúc đẩy sự bám dính của phôi nang vào các biểu mô nội mạc tử cung, thuận lợi cho sự làm tổ.
- Kích thích sự giải phóng các chất tiết của biểu mô tuyến, như các cytokine, giúp hoạt hóa tiến trình làm tổ của phôi.
Vai trò của progesterone
Progesterone bắt đầu tăng nhẹ ngay trước thời điểm sắp rụng trứng, sau đó được tiết ra nhiều bởi hoàng thể. Progesterone giúp chuyển nội mạc tử cung sang giai đoạn chế tiết, bao gồm:
- Làm mô đệm tăng phù nề trên diện rộng, tăng thể tích mạch máu lên gấp 3 lần
- Làm các ống tuyến trở nên ngoằn ngoèo, chế tiết nhiều glycogen
- Kích thích sự hình thành của các pinopodes (hiện diện trong giai đoạn cửa sổ làm tổ) và giúp khởi động cho tiến trình màng rụng hóa.
CÁC PHÁC ĐỒ CHUẨN BỊ NỘI MẠC TỬ CUNG THƯỜNG DÙNG
Chuẩn bị nội mạc tử cung trong chuyển phôi trữ có mục đích là đồng bộ hóa nội mạc tử cung và giai đoạn phát triển của phôi, nhằm tăng khả năng phôi làm tổ và thụ thai. Muốn đạt được điều này, nội mạc tử cung phải có độ dầy tối thiểu là 8mm, đồng thời cửa sổ làm tổ của nội mạc tử cung được tạo ra một cách nhân tạo phải càng giống với sinh lý tự nhiên càng tốt. Hiện có 3 phác đồ chính trong chuẩn bị nội mạc tử cung để chuyển phôi trữ.
Theo dõi chu kỳ tự nhiên
Theo dõi chu kỳ tự nhiên là phương pháp chuẩn bị nội mạc tử cung đơn giản nhất, chi phí thấp nhất và hầu như không can thiệp gì vào chu kỳ sinh lý của bệnh nhân.
Bệnh nhân sẽ được theo dõi sự phát triển của nang noãn với siêu âm đầu dò ngả âm đạo. Thông thường, lần siêu âm đầu tiên của bệnh nhân được thực hiện vào những ngày đầu của chu kỳ kinh (ngày 1 đến ngày 5 vòng kinh) để loại trừ nang cơ năng. Những lần siêu âm sau sẽ được thực hiện cách mỗi 1-4 ngày tùy theo sự phát triển của nang noãn. Khi nang noãn có kích thước dưới 12mm, trung bình mỗi ngày nang noãn lớn thêm 1mm, có thể siêu âm mỗi 3-4 ngày. Khi nang noãn có kích thước từ 12mm trở lên, trung bình mỗi ngày nang noãn lớn thêm 2mm, cần siêu âm sát hơn, mỗi ngày hoặc cách ngày để tránh vuột mất thời điểm trứng rụng. Định lượng nội tiết LH và E2 mỗi ngày cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thời điểm rụng trứng.
Khi nang noãn có kích thước từ 18 mm trở lên, có thể tiếp tục theo dõi cho đến khi trứng rụng hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng. Phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung vào ngày 2 hoặc ngày 3 sau khi trứng rụng tùy theo thời điểm trữ phôi là phôi ngày 2 hay ngày 3. Trong trường hợp phôi được nuôi cấy và trữ phôi ngày 5 (giai đoạn phôi nang), sẽ chuyển phôi sau thời điểm trứng rụng 5 ngày. Thử thai được thực hiện sau chuyển phôi 2 tuần.
Phác đồ theo dõi chu kỳ tự nhiên có những bất lợi sau:
- Thời gian chuẩn bị nội mạc tử cung phụ thuộc hoàn toàn vào chu kỳ tự nhiên của bệnh nhân: không thuận tiện trong trường hợp chu kỳ kinh của bệnh nhân không đều.
- Lịch theo dõi bằng siêu âm phụ thuộc vào sự phát triển của nang noãn, khó linh động được trong những ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ.
- Xét nghiệm máu định lượng nội tiết thường xuyên có thể gây phiền toái cho bệnh nhân.
- Nếu xảy ra rụng trứng sớm, mất đi thời điểm thích hợp để chuyển phôi vào đúng cửa sổ làm tổ của nội mạc tử cung, bắt buộc phải hủy chu kỳ điều trị.
Sử dụng thuốc nội tiết ngoại sinh
Sử dụng thuốc nội tiết ngoại sinh là phương pháp chuẩn bị nội mạc tử cung bằng estrogen và progesterone đưa từ ngoài cơ thể vào. Bệnh nhân sẽ được cho dùng estrogen (thường dưới dạng uống) ngay từ đầu chu kỳ kinh (thường từ ngày 2 vòng kinh) với liều từ 4 đến 8 mg/ngày.
Siêu âm vào ngày 7 vòng kinh để đánh giá độ dày và hình ảnh của nội mạc tử cung. Liều estrogen có thể được duy trì hoặc tăng liều tùy theo kết quả siêu âm. Liều tối đa là 16 mg/ngày. Lịch hẹn siêu âm có thể linh động từ 3-5 ngày tùy theo kết quả siêu âm của nội mạc tử cung.
Khi nội mạc tử cung dày từ 8mm trở lên và có hình ảnh đẹp (hình hạt cà phê), cho thêm progesterone. Có thể dùng progesterone đặt âm đạo, đường uống hoặc đường tiêm bắp đều được, tuy nhiên đường đặt âm đạo thường được sử dụng vì nhờ tác động tại chỗ nên ít gây tác dụng phụ và dễ sử dụng. Liều dùng thay đổi từ 400-800 mg/ngày.
Thời điểm bắt đầu progesterone trước khi chuyển phôi phụ thuộc vào tuổi của phôi khi được trữ lạnh. Nếu phôi trữ ngày 2 thì sử dụng progesterone 2 ngày trước khi chuyển phôi và tương tự đối với các tuổi phôi khác. Cùng với progesterone, estrogen sẽ tiếp tục được duy trì nhưng với liều tối thiểu (giảm xuống liều sử dụng ở đầu chu kỳ) cho đến ngày thử thai.
Ưu điểm
- Có thể áp dụng cho hầu hết mọi bệnh nhân bất kể chu kỳ kinh.
- Đơn giản, dễ thực hiện, ít can thiệp hơn so với phác đồ kích thích buồng trứng.
- Chủ động được ngày hẹn siêu âm và ngày chuyển phôi.
- Không lo ngại về vấn đề rụng trứng sớm.
Khuyết điểm
- Thời gian sử dụng nội tiết hỗ trợ thai kỳ dài.
- Không áp dụng được cho những bệnh nhân có chống chỉ định dùng estrogen ngoại sinh như bệnh nhân có bệnh lý về gan, có nguy cơ thuyên tắc mạch, hoặc có tác dụng phụ nhiều khi dùng thuốc.
Kích thích buồng trứng
Kích thích buồng trứng để chuyển phôi trữ là phương pháp sử dụng gonadotrophins để kích thích nhiều nang noãn phát triển, các nang noãn này sẽ tiết ra estrogen nội sinh cao hơn so với mức sinh lý. Estrogen nội sinh sẽ tác động làm dầy nội mạc tử cung.
Để tránh nguy cơ quá kích buồng trứng, phác đồ kích thích buồng trứng trong chuyển phôi trữ nên được thực hiện tương tự như một chu kỳ kích thích buồng trứng để bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ cần kích thích buồng trứng nhẹ với liều thấp vừa phải để kích thích một vài nang noãn phát triển nhằm tiết ra estrogen nội sinh cao hơn so với mức sinh lý để tác động lên nội mạc tử cung.
Bệnh nhân được cho thuốc kích thích buồng trứng, siêu âm theo dõi nội mạc tử cung và sự phát triển của nang noãn. Khi có ít nhất 1 nang 18mm, cho thuốc rụng trứng. Vào ngày rụng trứng, bổ sung progesterone. Phôi được chuyển vào buồng tử cung vào 2-5 ngày sau rụng trứng tùy theo tuổi phôi khi trữ.
Ưu điểm
Áp dụng được cho những bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng nội tiết tố ngoại sinh.
Có hiệu quả ở những bệnh nhân không đáp ứng với phác đồ uống thuốc ngoại sinh (nội mạc tử cung mỏng, xấu).
Khuyết điểm
Bệnh nhân phải sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Dù là kích thích nhẹ, vẫn có nguy cơ quá kích buồng trứng.
Hầu như không hiệu quả đối với bệnh nhân suy hoặc giảm dự trữ buồng trứng.
KẾT LUẬN
Hiện có 3 phác đồ chính để chuẩn bị nội mạc tử cung trong chuyển phôi trữ lạnh, trong đó phác đồ sử dụng nội tiết ngoại sinh được áp dụng phổ biến nhất vì khá đơn giản, chi phí thấp, can thiệp ít, có thể áp dụng được trên hầu hết mọi đối tượng, chủ động được thời gian theo dõi và chuyển phôi. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không đáp ứng với phác đồ dùng thuốc nội tiết ngoại sinh, có thể sử dụng phác đồ theo dõi chu kỳ tự nhiên hoặc kích thích buồng trứng. Nhìn chung, việc lựa chọn phác đồ nào là phù hợp phải dựa trên từng bệnh nhân cụ thể. Nên xem xét thêm vấn đề kinh tế của bệnh nhân, đồng thời cần khai thác tiền căn các bệnh lý liên quan có thể bị ảnh hưởng bởi việc dùng thuốc, nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các nguy cơ cho bệnh nhân khi điều trị cũng như chọn được phác đồ phù hợp giúp tối ưu hóa khả năng có thai cho bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Kay Elder, Brian Dale. Implantation and early stages of fetal development. In “In-Vitro Fertilization”, third edition, 2011, chapter 6, pp 82-92.
2. Ghobara T, Vandekerckhove P. Cycle regimens for frozen-thawed embryo transfer. Cochrane Database Syst Rev. 2008 Jan 23;(1):CD003414.
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...