Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 15-10-2021 4:46pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Duy Tùng – IVFMD

Với sự tiến bộ của kỹ thuật nuôi cấy, ngày càng nhiều phôi có thể phát triển đến giai đoạn phôi nang và nhu cầu lựa chọn phôi có chất lượng tốt nhất để chuyển trước ngày càng cao. Phổ biến nhất là phương pháp đánh giá chất lượng phôi được phát triển bởi Gardner và Schoolcraft dựa trên chất lượng khối tế bào nội mô (inner cell mass – ICM), lớp tế bào lá nuôi phôi (trophectoderm – TE) và độ nở rộng của khoang phôi nhằm lựa chọn phôi chuyển hoặc đông lạnh. Những phôi chất lượng tốt được tiên lượng có tỷ lệ trẻ sinh sống cao nhất, từ đó cho phép chuyển đơn phôi nhằm giảm những ảnh hưởng tiêu cực của đa thai đến mẹ và bé. Khi rã đông phôi, chuyên viên phôi học thường chú ý đến hai yếu tố: tỷ lệ tế bào sống sau rã và khả năng hồi phục kích thước khoang phôi sau khi rã đông. Tỷ lệ phôi sống sau rã phụ thuộc vào chất lượng phôi, những tế bào cấu tạo nên phôi và phản ứng của chúng với môi trường rã đông. Phôi bào bị vỡ có thể do chất lượng màng tế bào cấu thành nên phôi không chịu được sự thay đổi về áp suất thẩm thấu. Thành công của quá trình thuỷ tinh hoá phụ thuộc rất nhiều vào lượng chất bảo vệ đông lạnh cũng như khả năng khử nước khỏi phôi bào của chúng. Và tỷ lệ sống của phôi bào sau khi rã đông phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ rã đông phôi. Sự nở lại của khoang phôi được định nghĩa là sự thay đổi về đường kính của phôi sau khi rã đông đến trước khi chuyển phôi.
 
Ở phôi nang, khoang phôi chứa đầy dịch với thành phần chủ yếu là nước và rất dễ hình thành tinh thể đá trong quá trình trữ đông phôi. Sự hình thành tinh thể đá là một trong những nguyên nhân gây tổn thương cho tế bào. Do đó, ở một số trung tâm, khoang phôi sẽ bị làm sụp bằng cách sử dụng laser để giảm kích thước khoang phôi từ đó giảm khả năng hình thành tinh thể đá trong quá trình trữ. Việc sử dụng laser để làm sụp khoang phôi đã được nghiên cứu là không gây tổn thương cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả lâm sàng. Nhiều chuyên viên phôi học cho rằng khoang phôi nở trở lại sau quá trình rã đông được cho là một yếu tố dự đoán tăng khả năng làm tổ của phôi, tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để so sánh hiệu quả giữa phôi nang nở lại và không. Thông thường tỷ lệ phôi có khoang nở lại sau khi rã đông có tương quan đến chất lượng phôi, chất lượng phôi càng tốt thì khả năng khoang phôi hồi phục càng cao. Tuy nhiên, dưới áp lực của quá trình làm sụp khoang phôi, thuỷ tinh hoá và rã đông, rất khó để tiên lượng tỷ lệ thành công của phôi dựa trên hình thái phôi trước trữ đông. Có những trường hợp phôi co lại sau khi rã đông thay vì nở lại và những trường hợp này ít khi được báo cáo về hiệu quả của những phôi này. Thêm vào đó cũng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để khảo sát kích thước nở lại của phôi với tỷ lệ thai lâm sàng. Do đó trong nghiên cứu này nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu ảnh hưởng của sự nở ra hay co lại của phôi sau khi rã đông đến tỷ lệ làm tổ.
 
Hồi cứu được thực hiện trên 486 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo tranfer – FET), độ tuổi trung bình của bệnh nhân tham gia nghiên cứu là 33,7 ± 4,8 (từ 23 đến 48) với chỉ định điều trị hiếm muộn do yếu tố nam, giảm dự trữ buồng trứng, rối loạn phóng noãn, bất thường ống dẫn trứng và tử cung, vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Phôi được đo bằng phần mềm ngay sau khi rã đông và trước khi chuyển theo chiều ngang lớn nhất của phôi bởi một hoặc hai chuyên viên phôi học khác nhau và không biết trước kết quả chuyển phôi. Tỷ lệ thai lâm sàng trung bình là 69% và tỷ lệ thai diễn tiến là 51%. Một số kết quả được nhóm nghiên cứu ghi nhận:
  • Kích thước phôi và thời gian nuôi cấy từ khi rã đông đến khi thực hiện chuyển phôi (thời gian giữa 2 lần đo) không ảnh hưởng đến kết quả chuyển phôi.
  • Có 72% số chu kỳ có sự nở lại của khoang phôi, tuy nhiên việc khoang phôi có nở lại hay không không ảnh hưởng đến phôi có phát triển đến giai đoạn thai diễn tiến hay không (70% ở nhóm không có thai, 74% ở nhóm có thai, p=0,35).
  • Tốc độ thay đổi về kích thước của phôi cũng không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai diễn tiến.
  • Đối với những phôi có khoang nở trở lại, sự thay đổi về kích thước giữa nhóm có thai và không có thai là tương tự nhau (24,7 μm [8,9–48,1] so với 25,1 μm [12,4–21,9] p = 0,57). Điều này cũng đúng với nhóm phôi co lại sau khi rã đông.
  • Các kết quả trên vẫn không thay đổi sau khi điều chỉnh theo tuổi mẹ và phôi có thực hiện sinh thiết hay không.
 
Dựa trên các kết quả trên, nhóm kết luận việc thay đổi kích thước khoang phôi không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai diễn tiến ở các chu kỳ FET. Sau khi cân nhắc đến tất cả các yếu tố về tuổi mẹ, phôi có thực hiện sinh thiết hay không, tốc độ thay đổi, tỷ lệ thay đổi về kích thước từ lúc rã đông đến khi thực hiện chuyển phôi đều không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai diễn tiến. Đồng nghĩa với việc phôi sau rã đông có tiềm năng sử dụng như nhau dù có sự thay đổi kích thước khoang phôi hay không.
 
Nguồn: Giunco H, Connerney M, Boylan C, Koelper N, Mersereau J, Berger DS. Embryo re-expansion does not affect clinical pregnancy rates in frozen embryo transfer cycles: a retrospective study [published online ahead of print, 2021 Sep 21]. J Assist Reprod Genet. 2021;10.1007/s10815-021-02319-6.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK