Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 20-06-2021 9:38pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNHS. Nguyễn Thị Bích Trâm – IVFMD Tân Bình

Hiện nay, các xét nghiệm về mức độ phân mảnh DNA tinh trùng vẫn còn gây tranh cãi về mối liên quan của chúng đến khả năng có thai. Một bài viết trên tạp chí Human Reproduction báo cáo rằng xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng trước khi điều trị hỗ trợ sinh sản (HTSS) không cải thiện tỷ lệ thành công nhưng góp phần làm giảm các kết cục có hại cho sức khỏe trẻ được sinh ra.
 
Theo giáo sư John Aitken – một chuyên gia về nam học, tất cả các bệnh nhân nam trước khi bắt đầu điều trị hỗ trợ sinh sản nên được kiểm tra mức độ phân mảnh DNA tinh trùng. Trên tạp chí Human Reproduction, ông và cộng sự Hassan Bakos cho rằng việc kiểm tra phân mảnh DNA tinh trùng không chỉ dùng để đánh giá khả năng sinh sản tại thời điểm hiện tại, mà còn giúp dự phòng các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái sau này. Sự suy giảm chất lượng DNA tinh trùng, đặc biệt khi tuổi của cha cao có liên quan đến việc gia tăng các đột biến và bệnh lý ở trẻ sinh ra.
 
Gần đây, có hai nghiên cứu ủng hộ lập luận trên. Nghiên cứu thứ nhất thực hiện trên 25.000  mẫu tinh trùng của nam giới ở mọi lứa tuổi đến khám tại các phòng khám hỗ trợ sinh sản ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Kết quả cho thấy rằng tuổi nam giới cao có liên quan đến sự gia tăng phân mảnh DNA tinh trùng. Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa tìm được một mối tương quan nhất định giữa các giá trị phân mảnh DNA tinh trùng và độ tuổi, nhưng nó góp phần củng cố tầm quan trọng của xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng trong việc đánh giá khả năng sinh sản ở nam giới. Nghiên cứu thứ hai là một phân tích hồi cứu trên gần 17.000 mẫu tinh dịch ở nam giới ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng tăng đáng kể theo tuổi và mức độ stress oxy hóa thấp nhất ở nam giới dưới 30 tuổi. Kết quả này cho thấy có thể tổn thương DNA và/hoặc stress oxy hóa trong tinh trùng cũng gia tăng theo tuổi, tương tự như sự sai lệch nhiễm sắc thể trong tế bào noãn.
 
Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng đã được đề xuất trong nhiều năm để đánh giá khả năng sinh sản ở nam giới. Tuy nhiên, có nên đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng thường quy hay chỉ cần cân nhắc thực hiện ở một vài trường hợp cụ thể là điều cần phải được nghiên cứu thêm và đồng thuận. Cơ quan Thụ tinh và Phôi người (Human Fertilisation and Embryology Authority, HFEA) của Vương quốc Anh cho rằng xét nghiệm này chỉ là một tầm soát bổ sung và hiện nay không có điều trị đặc hiệu nào liên quan đến phân mảnh DNA tinh trùng. Trong bản cập nhật mới nhất về vô sinh nam, Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine, ASRM) khuyến cáo rằng xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng không được dùng trong đánh giá ban đầu. Tuy nhiên, ASRM cũng cho rằng mức độ phân mảnh DNA tinh trùng rất cao sẽ có tác động bất lợi đáng kể đến kết quả điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cũng như tăng nguy cơ sẩy thai. Do đó, việc đo lường mức độ phân mảnh DNA tinh trùng không chỉ nhằm mục đích dự đoán khả năng sinh sản, mà còn thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của thế hệ sau. Tinh trùng mang phân mảnh DNA vẫn có khả năng thụ tinh, đặc biệt khi thực hiện ICSI (kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn), tuy nhiên, nếu thiếu sự sửa chữa từ tế bào noãn thì khả năng có thai của mẹ cũng như sức khỏe của trẻ sinh ra sau này sẽ bị ảnh hưởng.
 
Trong quá trình trưởng thành, DNA của tinh trùng dễ bị ảnh hưởng bởi stress oxy hoá. Stress oxy hoá đến từ một loạt yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi, thuốc lá, béo phì và độc tố, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tổn thương trên DNA tinh trùng. Phương pháp điều trị được đề xuất hiện nay là thay đổi lối sống, điều trị chống oxy hóa và cải thiện việc chọn lọc tinh trùng. Các bằng chứng hiện nay ủng hộ việc giảm cân ở người nam béo phì và bỏ hút thuốc, trong khi đó, hiệu quả của các liệu pháp chống oxy hóa vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tổng quan mới nhất của Cochrane cho thấy việc sử dụng chất chống oxy hóa trên bệnh nhân vô sinh nam (thường là hỗn hợp vitamin E, vitamin C, carotenoid, selen và kẽm) có thể giúp cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống, nhưng với mức độ chứng cứ thấp. Kết luận của nhóm tác giả là việc sử dụng liệu pháp chống oxy hoá không phải với mục đích nhằm tăng tỷ lệ mang thai mà chỉ giúp giảm phân mảnh DNA tinh trùng do stress oxy hóa.
 
Tài liệu tham khảo: Focus on Reproduction 2021, An emerging case for measuring sperm DNA damage before ART, viewed 18 May 2021, <https://www.focusonreproduction.eu/article/News-in-Reproduction-Sperm-DNA>.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK