Tràn khí trung thất (TKTT) ở trẻ em là một trong những bệnh cảnh tuy hiếm gặp nhưng thường tiềm ẩn một bệnh lý nặng. Bệnh sinh của TKTT được giải thích bằng sự vỡ các phế nang do chênh lệch áp lực giữa các phế nang và mô xung quanh, bắt nguồn từ sự căng phế nang quá mức hoặc do giảm áp lực của mô kẽ. Khí sẽ bị rò rỉ vào mô kẽ phổi và hướng về mô quanh mạch máu và quanh tiểu phế quản, sau đó đến mô dưới da, vùng cổ và trung thất.
Chẩn đoán TKTT thường dựa vào X quang ngực thẳng (bao gồm cả đoạn cổ). Hình ảnh vòm hoành liên tục (do khí xen vào giữa bờ dưới tim và vòm hoành làm hiện rõ cả vòm hoành) là hình ảnh điển hình của bệnh lý này trên X quang, một dấu hiệu khác là sự xuất hiện của các dải khí trong trung thất song song với bờ trái tim và động mạch chủ xuống. Ngoài ra, ở trẻ em, còn có thể quan sát thấy dấu hiệu “cánh buồm” khi tuyến ức bị đẩy lên trên tim do TKTT đẩy và phân tách tuyến ức ra khỏi bóng tim bên dưới.
Các nguyên nhân thường gặp gây TKTT bao gồm tắc nghẽn đường hô hấp (dị vật hít), thao tác điều trị (thông khí cơ học), nhiễm trùng (viêm phổi), bệnh phổi tắc nghẽn (suyễn), chấn thương (chấn thương lồng ngực),… hoặc cũng có thể là TKTT tự phát (không tìm thấy nguyên nhân) .
Một nghiên cứu gần đây do A. Hauri-Hohl và cộng sự thực hiện tại khoa hồi sức Bệnh viện Đại học Zurich, từ 2000-2006 đã đưa ra một số kết quả lý thú về bệnh lý này. Đây là một nghiên cứu hồi cứu phân tích xuất độ, độ nặng và nguyên nhân của TKTT ở trẻ em, được chia thành hai nhóm trẻ sơ sinh (< 4 tuần tuổi) và trẻ ≥ 4 tuần tuổi.
Một số kết quả chính thu được như sau:
• Xuất độ TKTT lần lượt là 0,1% (9 trẻ) và 0,08% (7 trẻ) tương ứng với nhóm sơ sinh và nhóm trẻ > 4 tuần tuổi, tính trên tổng số trẻ nhập khoa hồi sức.
• 9 ca sơ sinh bao gồm 2 trẻ sinh non và 7 trẻ sinh đủ tháng, trong đó 5 ca được chẩn đoán TKTT tự phát, 4 ca còn lại do chấn thương áp lực từ thông khí hỗ trợ, viêm phổi, co giật.
• Trong nhóm > 4 tuần tuổi, chỉ có 1 ca được chẩn đoán tự phát, 6 ca còn lại có nguyên nhân được ghi nhận bao gồm viêm phế quản tắc nghẽn, chấn thương áp lực từ thông khí cơ học, hoạt động thể lực quá mức.
• Tất cả các ca đều được chẩn đoán bằng Xquang ngực thẳng. Các kết quả CT-scan thu được ở một số trẻ đều không làm thay đổi gì đến chẩn đoán và phương cách điều trị.
• Tất cả các trường hợp đều có kết quả điều trị tốt và không để lại biến chứng. Chỉ có hai trường hợp phải thở máy, các trường hợp còn lại đều điều trị hỗ trợ với oxy và theo dõi tại khoa hồi sức cho đến khi hồi phục.
Nghiên cứu trên cho thấy TKTT ở trẻ em nhìn chung có tiên lượng tốt. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào X quang ngực thẳng. Trong khi đa phần trẻ > 4 tuần tuổi TKTT là có nguyên nhân thì trong nhóm trẻ sơ sinh, hơn 50% là TKTT tự phát.
(Nguồn: Eur J Pediatr (2008) 167:415–418)
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...