BS Bùi Quang Trung
Ung thư cổ tử cung (CTC) là loại ung thư phổ biến ở nữ giới về cả tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Việc phát hiện ra vai trò gây ung thư CTC của các type HPV (Human Papillomavirus) nguy cơ cao và sự ra đời của vaccine HPV – loại vaccine đầu tiên được tạo ra với mục đích phòng ngừa ung thư - là một thành tựu nổi bật. Từ khi có vaccine HPV, chúng ta có thêm một công cụ hữu ích trong chiến lược phòng chống ung thư CTC. Tuy nhiên, hiện nay vai trò thực sự của vaccine HPV không chỉ dừng lại ở đó.
Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu về những vai trò của vaccine HPV đã được thừa nhận và các khuyến cáo hiện nay về sử dụng vaccine HPV.
1. Vai trò của vaccine HPV hiện nay: không chỉ phòng ngừa ung thư CTC ở phụ nữ
Vaccine HPV tứ giá (HPV4, Gardasil)
Gardasil là vaccine HPV đầu tiên được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận vào tháng 6/2006 và cấp phép sử dụng cho phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi để phòng ngừa ung thư CTC, các tổn thương tiền ung thư CTC, ung thư âm hộ, âm đạo, và mụn cóc sinh dục gây ra bởi HPV type 6, 11, 16, 18.
Tháng 10/2009 FDA cấp phép cho sử dụng ở các bé trai và nam giới (9-26 tuổi) để phòng ngừa mụn cóc sinh dục gây ra do HPV type 6, 11.
Tháng 12/2010, FDA cấp phép mở rộng cho phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư hậu môn ở cả nam và nữ từ 9-26 tuổi gây ra bởi HPV type 6, 11, 16, 18.
Vaccine HPV nhị giá (HPV2, Cervarix)
Cervarix được FDA cấp phép tháng 10/2009 sử dụng cho bé gái và phụ nữ từ 10 - 25 tuổi để phòng ngừa ung thư CTC, các tổn thương tiền ung thư CTC gây ra bởi HPV type 16, 18.
2. Khuyến cáo về sử dụng vaccine HPV hiện nayĐây là tổng hợp những khuyến cáo mới nhất về chủng ngừa vaccine HPV cho cả nam giới và nữ giới hiện nay. Những khuyến cáo này nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG).
1. Nên chủng ngừa thường quy cho các bé gái 11 - 12 tuổi với 3 liều vaccine HPV4 hoặc HPV2, tiêm bắp tại các thời điểm 0, 1 hoặc 2 tháng, và 6 tháng sau liều đầu. Các loại vaccine có thể bắt đầu chủng ngừa từ 9 tuổi tùy thuộc quyết định của thầy thuốc.2. Tất cả bé gái và phụ nữ từ 13 - 26 tuổi không được chủng ngừa trước đó hoặc chủng ngừa không đầy đủ nên hoàn thành chủng ngừa đầy đủ.
3. Các bé trai từ 11 - 12 tuổi nên được chủng ngừa thường quy với 3 liều vaccine HPV4, tiêm bắp tại các thời điểm 0, 1 hoặc 2 tháng, và 6 tháng sau liều đầu. Vaccine có thể bắt đầu chủng ngừa từ 9 tuổi tùy thuộc quyết định của thầy thuốc.4. Tất cả bé trai và nam giới 13 - 21 tuổi không được chủng ngừa trước đó hoặc chủng ngừa không đầy đủ nên được chủng ngừa vaccine HPV4.
5. Nam giới 22 - 26 tuổi không được chủng ngừa trước đó hoặc chủng ngừa không đầy đủ có thể được chủng ngừa vaccine HPV4. Cán cân chi phí – hiệu quả không ủng hộ cho một khuyến cáo mạnh mẽ hơn cho nhóm tuổi này.
6. Đặc biệt nên cố gắng chủng ngừa cho nam giới đến 26 tuổi, có quan hệ tình dục đồng giới, không được chủng ngừa trước đó hoặc chủng ngừa không đầy đủ.7. Có hoạt động tình dục trước đó không phải là một chống chỉ định của chủng ngừa hay của việc hoàn thành đầy đủ chủng ngừa HPV. Kiểm tra sự phơi nhiễm với HPV trước khi chủng ngừa không được khuyến cáo. Bị nhiễm 1 type HPV (trong số 4 type 6, 11, 16, 18) thì vẫn có lợi ích bảo vệ từ các type khác trong vaccine. Vaccine HPV có thể được chủng ngừa khi phụ nữ có kết quả tế bào học bất thường hay không rõ ràng. Không có hiểu biết nào về lợi ích điều trị của vaccine HPV.
8. Người nhiễm HIV ở cả hai giới, từ 9 - 26 tuổi, không được chủng ngừa trước đó hoặc chủng ngừa không đầy đủ nên được chủng ngừa đầy đủ vaccine HPV4.
9. Vaccine HPV có thể được tiêm cùng thời điểm với các loại vaccine được khuyến cáo khác.10. Vaccine HPV có thể sử dụng được trong những trường hợp đặc biệt: suy giảm miễn dịch do bệnh hoặc thuốc, đang cho con bú.
11. Vaccine HPV không được khuyến cáo trong khi mang thai. Cần tìm hiểu về khả năng có thai ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đến chủng ngừa HPV, tuy nhiên không cần phải xét nghiệm xem có thai hay không trước khi bắt đầu chủng ngừa. Nếu người được chủng ngừa vaccine có thai, liều tiếp theo nên được trì hoãn đến sau khi kết thúc thai kỳ.
12. Khuyến cáo nên tiếp tục thực hiện tầm soát ung thư CTC ở phụ nữ đã được chủng ngừa vaccine HPV, bởi vì vaccine HPV không chủng ngừa được tất cả các type HPV nguy cơ cao.
13. Không thay đổi những khuyến nghị hiện nay về việc sử dụng các phương pháp rào chắn để ngăn ngừa HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cũng như việc chọn lựa một lối sống tình dục lành mạnh ở người đã chủng ngừa vacccine HPV.
14. Chủng ngừa vaccine HPV cho trẻ từ 9 tuổi trở lên nên được hỗ trợ từ các công ty bảo hiểm.
Ngoài những khuyến cáo đa số được đồng thuận cao như đã nêu, thì hiện tại vẫn còn một vài khuyến cáo khác.
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (ACS, 2007) đưa ra khuyến cáo về sử dụng vaccine HPV ở nữ giới với một vài điểm khác biệt:
- Với đối tượng phụ nữ không được chủng ngừa trước đó hoặc chủng ngừa không đầy đủ, họ chỉ khuyến cáo chủng ngừa nên tiếp tục cho lứa tuổi từ 13-18 (chứ không phải từ 13 - 26).
- Đối với lứa tuổi 19 - 26: Họ không có khuyến cáo nào về việc chủng ngừa hay chống đối việc chủng ngừa.
Đến nay, ACS chưa đưa ra thêm khuyến cáo nào mới về vaccine HPV.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2013) vẫn chỉ tập trung vào ung thư CTC với đối tượng mục tiêu là các bé gái từ 9 - 13 tuổi.
Vaccine HPV ra đời với mục đích ban đầu là phòng ngừa ung thư CTC ở nữ giới. Tuy nhiên, theo thời gian vai trò vaccine HPV ngày càng được mở rộng ra rất nhiều không chỉ cho nữ giới mà còn cho cả nam giới, không chỉ phòng ngừa ung thư CTC mà còn phòng ngừa thêm nhiều bệnh lý khác do HPV gây ra.
Các hướng dẫn, khuyến cáo phù hợp cũng lần lượt xuất hiện. Điều này bắt buộc những thành viên tham gia vào công tác phòng chống ung thư CTC và các bệnh lý liên quan đến HPV phải luôn sẵn sàng học hỏi và cập nhật kiến thức.
Tài liệu tham khảo
1.FDA.gov [homepage on the Internet]. Available at:
www.fda.gov/BiologicsBloodVaccines/Vaccines/ApprovedProducts/UCM094042
2.FDA.gov [homepage on the Internet]. Available at:
www.fda.gov/BiologicsBloodVaccines/Vaccines/ApprovedProducts/ucm186957.htm
3.CDC. Quadrivalent human papillomavirus vaccine: recommendations of the Advisory Committee for Immunization Practices (ACIP). MMWR Recomm Rep.2007;56(RR-2) :1– 24. Available at: www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/rr5602a1.htm
4. American Academy of Pediatrics - Committee on Infectious Diseases. Prevention of human papillomavirus infection: provisional recommendations for immunization of girls and women with quadrivalent human papillomavirus vaccine [Retired]. Pediatrics September 2007; 120:3 666-668; doi:10.1542/peds.2007-1735
5. ACOG. Committee opinion no. 467: human papillomavirus vaccination.Obstet Gynecol 2010; 116:800–803
6. CDC. Recommendations on the Use of Quadrivalent Human Papillomavirus Vaccine in Males — Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP), 2011. MMWR, December 23, 2011 / 60(50);1705-1708. Available at: www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm6050a3.htm
7. CDC. FDA Licensure of Bivalent Human Papillomavirus Vaccine (HPV2, Cervarix) for Use in Females and Updated HPV Vaccination Recommendations from the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP). MMWR May 28, 2010 / 59(20);626-629. Available at: www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm5920a4.htm#content-main
8. American Academy of Pediatrics - Committee on Infectious Diseases. HPV Vaccine Recommendations, PEDIATRICS Vol. 129 No. 3 March 1, 2012 pp. 602 -605 (doi: 10.1542/peds.2011-3865).
9.Saslow D, Castle PE, Cox JT, et al.American Cancer Society guideline for human papillomavirus (HPV) vaccine use to prevent cervical cancer and its precursors. CA Cancer J Clin 2007; 57:7–28.
10. WHO (2013), WHO guidance note: comprehensive cervical cancer prevention and control: a healthier future for girls and women.
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...