Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 10-01-2014 4:10am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Phụ khoa

images22 BS. Đỗ Thị Kim Ngọc

Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ

 

 

Đặt vấn đề

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 520.000 trường hợp mới mắc và khoảng 288.000 phụ nữ tử vong trên toàn cầu. Tại các quốc gia đang phát triển, khoảng 85% phụ nữ tử vong vì căn bệnh này và trung bình có 6-7 trường hợp mới mắc trên 100.000 phụ nữ. Nếu xu hướng toàn cầu hiện nay tiếp diễn, sẽ có trên một triệu ca mắc mới mỗi năm.

Hiện nay, tại các nước đang phát triển, tỉ lệ mắc và tử vong do UTCTC đã giảm dần nhờ có các chương trình sàng lọc phát hiện sớm khi có các biểu hiện ở giai đoạn tiền ung thư và được điều trị tức thời. Chìa khóa cho việc phòng ngừa UTCTC chính là tầm soát nhằm phát hiện sớm, theo dõi và điều trị thích hợp các tổn thương tiền UTCTC.

Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có 6.224 trường hợp UTCTC mới mắc và khoảng hơn 3.300 trường hợp tử vong do UTCTC. Bộ Y tế thống kê cho thấy năm 2010 tỉ lệ mới mắc UTCTC là 13,60/1.000.000 phụ nữ. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có chương trình sàng lọc nào về UTCTC được phủ rộng cả nước và việc sàng lọc chỉ diễn ra theo kiểu tiện thể.

Một nghịch lý là trong khi UTCTC đạt tính chất của một bệnh lý cần được tầm soát, có thể dự phòng được, nhưng lại là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu. Tầm soát ở phụ nữ chưa có triệu chứng rõ rệt sẽ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn có khả năng chữa trị hiệu quả hơn) cho khoảng 70-80% các trường hợp. Có nhiều phương pháp tầm soát được áp dụng nhưng chưa làm giảm tỉ lệ mắc UTCTC. Phương pháp VIA (quan sát bằng mắt thường với acid acetic) được coi là một kỹ thuật thích hợp để sàng lọc sớm UTCTC, có thể thực hiện ở nơi còn thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng để triển khai một chương trình tế bào học.

Cần Thơ là địa phương có tần suất mắc UTCTC cao nhất cả nước 21,60/100.000 phụ nữ, mỗi năm có khoảng 190 trường hợp UTCTC. Những năm qua, việc sàng lọc UTCTC cũng được thực hiện và triển khai nhưng chủ yếu làm phết tế bào âm đạo hoặc soi cổ tử cung. Trong khi đó, kỹ thuật VIA - một kỹ thuật đơn giản nhưng mang lại hiệu quả khá cao trong việc phát hiện sớm UTCTC - lại chưa được chú ý trong sàng lọc.

Trước tình hình UTCTC ngày càng tăng, trong khi các tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế về nguồn lực trong việc phát hiện sớm UTCTC. Chúng tôi thực hiện đề tài Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phương pháp VIA ở phụ nữ từ 25 đến 55 tuổi đến khám tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Thành phố Cần Thơ năm 2012, với các mục tiêu:

(1) Xác định tỉ lệ tiền ung thư và UTCTC ở phụ nữ từ 25 đến 55 tuổi đến khám tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Thành phố Cần Thơ từ tháng 02 đến tháng 05 năm 2012 bằng phương pháp VIA.

(2) Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kết quả khám sàng lọc bằng phương pháp VIA ở phụ nữ đến khám tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Thành phố Cần Thơ.

Đối tượng nghiên cứu

Phụ nữ trong độ tuổi 25-55 đã có chồng, đến khám và điều trị tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Thành phố Cần Thơ từ tháng 02 đến tháng 05 năm 2012.

Phương pháp nghiên cứu

Mô tả cắt ngang.

Kết quả và bàn luận

Đặc điểm về nhóm tuổi của phụ nữ tham gia nghiên cứu

-         Tuổi từ 25 đến 35 chiếm tỉ lệ cao nhất 45,7%.

-         Tuổi từ 36 đến 45 chiếm tỉ lệ 38,3%.

-         Tuổi từ 46 đến 55 chiếm tỉ lệ thấp nhất 16%.

Đặc điểm về trình độ học vấn

Phụ nữ có trình độ học vấn cấp 2 chiếm tỉ lệ cao nhất là 36,4%; thấp nhất là mù chữ, chiếm tỉ lệ 1,7%.

Đặc điểm về nghề nghiệp

Những phụ nữ làm nghề nội trợ chiếm tỉ lệ cao nhất là 32,6%; kế đến là công nhân viên chiếm tỉ lệ 21,9%; các ngành nghề khác như làm mướn, phụ hồ, thợ may… chiếm tỉ lệ thấp nhất là 5,8%.

Đặc điểm về tiền sử sản khoa

Tuổi lấy chồng

-         Phụ nữ lấy chồng trong độ tuổi 20-25 tuổi là cao nhất 58,15%.

-         Phụ nữ lấy chồng sau 30 tuổi chiếm tỉ lệ thấp nhất là 3,6%.

-         Phụ nữ lấy chống sớm trước 20 tuổi chiếm tỉ lệ 17,2%.

Số lần mang thai

Phụ nữ mang thai từ 3 lần trở lên chiếm tỉ lệ nhiều nhất là 50,8%, phụ nữ mang thai từ 1-2 lần là 44,1% và phụ nữ chưa mang thai lần nào chiếm tỉ lệ thấp nhất là 5,1%.

Số con

Nhóm phụ nữ có từ 1 đến 2 con chiếm tỉ lệ cao nhất là 77,3%; kế đến là nhóm phụ nữ có từ 3 con trở lên là 15% và thấp nhất là nhóm phụ nữ chưa có con, chiếm tỉ lệ 7,7%.

Đặc điểm về tiền sử bệnh phụ khoa

Phụ nữ có tiền sử viêm âm đạo cổ tử cung chiếm tỉ lệ cao nhất là 68,6%. Phụ nữ không có tiền sử mắc bệnh phụ khoa hoặc do chưa phát hiện bệnh phụ khoa là 22,6%. Phụ nữ có tiền sử rong kinh, rong huyết chiếm tỉ lệ thấp nhất là 4,1%.

Tỉ lệ kết quả VIA

Trong tổng số 726 phụ nữ đến khám phụ khoa, được quan sát bằng mắt thường sau khi bôi dung dịch acid acetic (VIA): 21 trường hợp có kết quả VIA (+) chiếm tỉ lệ 2,9% và 705 trường hợp VIA (-) chiếm tỉ lệ 97,1%.

Trong nghiên cứu này, có 705 trường hợp âm tính, trong đó viêm cổ tử cung chiếm tỉ lệ cao nhất là 67,1% (473 trường hợp), cổ tử cung bình thường chiếm tỉ lệ 18,45% (130 trường hợp), tình trạng lộ tuyến cổ tử cung là 12,5%, polype cổ tử cung là 1,4% và thấp nhất là loét trợt cổ tử cung là 0,6%.

Tỉ lệ tiền ung thư và ung thư cổ tử cung

Tỉ lệ tiền UTCTC trong nghiên cứu là 2,76% (20/726 trường hợp) và chiếm tỉ lệ 95,20% trên tổng số 21 trường hợp VIA (+), trong đó, phân loại theo đặc điểm lâm sàng gồm: hình ảnh trắng chiếm tỉ lệ nhiều nhất là 47,6%, hình ảnh trắng, u nhú và kết quả mảng trắng chiếm tỉ lệ bằng nhau là 23,8 %.

Tỉ lệ phát hiện các trường hợp nghi ngờ UTCTC là 0,14% (1/726 trường hợp) và chiếm tỉ lệ 4,8% trên tổng số 21 trường hợp VIA (+).

Một số yếu tố liên quan đến kết quả VIA

Mối liên quan tuổi của phụ nữ và kết quả VIA

Kết quả VIA (+) theo các nhóm tuổi của phụ nữ: tỉ lệ cao nhất ở phụ nữ trong nhóm tuổi 36-45 là 4%, kế đến là nhóm tuổi 46-55 là 2,6% và thấp nhất là nhóm tuổi 25-35 chiếm tỉ lệ 2,1%. Trong nghiên cứu chúng tôi có 21 trường hợp VIA (+), trong đó phụ nữ nhóm tuổi 36-45 chiếm tỉ lệ nhiều nhất là 52,4%.

Mối liên quan giữa nơi cư trú và kết quả VIA

Trong tổng số 21 trường hợp phụ nữ có VIA (+) thì phụ nữ ở thành thị chiếm tỉ lệ cao hơn so với ở nông thôn là 52,4%. Sự khác biệt không có ý nghĩa (c2 =0,014; p=0,906).

Mối liên quan giữa trình độ học vấn và kết quả VIA

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 726 phụ nữ được tầm soát bằng VIA. Trong đó có 166 phụ nữ có trình độ học vấn cấp 3, với tỉ lệ phát hiện VIA (+) là 4,8%, kế đến là nhóm phụ nữ có trình độ cao đẳng và đại học có tỉ lệ VIA (+) là 3%. Kết quả cho thấy chưa có sự khác biệt về trình độ học vấn trong việc phát hiện VIA (c2 =3,513; p=0,476).

Mối liên quan giữa nghề nghiệp và kết quả VIA

Trong số 139 phụ nữ làm nghề ruộng vườn, có 7 trường hợp VIA (+), chiếm tỉ lệ 5%, đạt tỉ lệ cao nhất so với các nghề khác, kế đến là nhóm làm nội trợ với tỉ lệ VIA (+) là 3,4%. Trong tổng số 21 trường hợp VIA (+), có 8 phụ nữ làm nội trợ, chiếm tỉ lệ 38,1%, chưa có ý nghĩa thống kê (c2 =6,375; p=0,173).

Mối liên quan giữa hoàn cảnh kinh tế gia đình và kết quả VIA

Tỉ lệ VIA (+) ở nhóm phụ nữ nghèo chiếm tỉ lệ cao nhất là 9,1%. Số phụ nữ nghèo là 4/21 trường hợp VIA (+), chiếm tỉ lệ 19%.

Mối liên quan giữa tuổi lấy chồng và kết quả VIA

Phụ nữ lấy chồng trước 25 tuổi có tỉ lệ VIA (+) cao nhất là 6,5%, việc này đồng nghĩa với quan hệ tình dục trước 25 tuổi thì khả năng mắc bệnh UTCTC cao hơn so với quan hệ tình dục sau 25 tuổi.

Mối liên quan giữa số lần mang thai và kết quả VIA

Số phụ nữ mang thai từ 3 lần trở lên có tỉ lệ kết quả VIA (+) cao nhất là 3,3%, kế đến là mang thai 1-2 lần chiếm tỉ lệ 2,7% và chưa mang thai lần nào là 2,5%. Trong 21 trường hợp VIA (+), có 12 phụ nữ mang thai từ 3 lần trở lên, chiếm tỉ lệ 57,1%. Có thể nói, số lần mang thai càng nhiều thì tỉ lệ khám sàng lọc phát hiện VIA (+) càng cao. Sự khác biệt chưa có ý nghĩa (c2 =0,03; p=0,839).

Mối liên quan giữa lý do khám phụ khoa và kết quả VIA

Có 5/28 trường hợp khám do ra máu âm đạo có VIA (+), chiếm tỉ lệ cao nhất là 17,9%. Trong tổng số 43 trường hợp đến khám do đau hạ vị, có 2 trường hợp VIA (+), chiếm tỉ lệ 4,4%. Tỉ lệ phát hiện VIA (+) bởi các lý do khác nhau với kết quả VIA được ghi nhận là khác nhau và có ý nghĩa thống kê (c2 =27,06; p=0,016<0,05).

KẾT LUẬN

Tỉ lệ kết quả VIA

Tỉ lệ kết quả VIA (+) là 2,90% (21 trường hợp VIA (+) trên tổng số 726 phụ nữ khám sàng lọc).

Tỉ lệ tiền ung thư và ung thư cổ tử cung qua khám sàng lọc bằng phương pháp VIA

-         Tỉ lệ tiền UTCTC là 2,76%, trong đó gồm:

  • Tỉ lệ hình ảnh trắng chiếm là 1,38%.
  • Tỉ lệ hình ảnh trắng và u nhú là 0,69%.
  • Tỉ lệ mảng trắng là 0,69%.

-         Tỉ lệ phát hiện các trường hợp nghi ngờ UTCTC là 0,14%.

-         Đặc điểm kết quả tỉ lệ tiền ung thư và UTCTC trong 21 trường hợp VIA (+):

  • Tiền UTCTC chiếm tỉ lệ 95,20%, trong đó phân loại theo đặc điểm lâm sàng gồm:

ο   Tỉ lệ kết quả hình ảnh trắng chiếm là 47,6%.

ο Tỉ lệ kết quả hình ảnh trắng và u nhú là 23,8%.

ο Mảng trắng tỉ lệ bằng nhau là 23,8%.

  • Tỉ lệ nghi ngờ UTCTC là 4,80%.

Một số yếu tố có liên quan đến kết quả sàng lọc bằng VIA

-         Có một số yếu tố xã hội học liên quan đến kết quả khám sàng lọc bằng phương pháp VIA như: tuổi của phụ nữ, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế gia đình, nhưng chỉ có yếu tố hoàn cảnh kinh tế gia đình có liên quan đến kết quả VIA (p<0,05) và có ý nghĩa trong việc phát hiện sớm UTCTC:

  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ hoàn cảnh nghèo là 9,1%.
  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ hoàn kinh tế đủ ăn là 2,2%.
  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ hoàn cảnh kinh tế khá là 5,2%.

-         Một số yếu tố về tiền sử sản khoa liên quan đến kết quả khám sàng lọc bằng phương pháp VIA như: độ tuổi lấy chồng, số lần mang thai, số con, lý do đến khám bệnh và tiền sử bệnh phụ khoa, nhưng chỉ có lý do đến khám có liên quan đến kết quả VIA có ý nghĩa thống kê (p<0,05):

  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ đến khám do huyết trắng 3,4% .
  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ đến khám do đau hạ vị 4,4%.
  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ đến khám do ra máu âm đạo 17,9%.
  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ đến khám định kỳ là 1%.
  • Tỉ lệ VIA (+) ở phụ nữ đến khám vì các lý do khác 1,5%.
Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thai đoạn kẽ - Ngày đăng: 16-10-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK