Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 29-03-2013 7:40am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Phụ khoa

images_23

 

BS Lê Văn Khánh

 


Sơ lược về bệnh lậu

Bệnh lậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến thứ hai tại Hoa Kỳ. Mặc dù tỷ lệ
bệnh lậu giảm đáng kể trong những năm gần đây, CDC ước tính hơn 700.000 người Mỹ vẫn còn bị nhiễm bệnh lậu mỗi năm. Tuy nhiên, chưa tới một nửa trong số đó được chẩn đoán và báo cáo với CDC.

Bệnh được gây ra bởi Neisseria gonorrhoeae, một loại vi khuẩn lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục với dương vật, âm đạo, miệng hay hậu môn. Bệnh lậu cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.

Không được điều trị bệnh lậu có thể gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh viêm vùng chậu có thể dẫn tới vô sinh và tăng nguy cơ thai ngoài tử cung ở phụ nữ. Ở nam giới, bệnh lậu có thể gây ra viêm mào tinh, có thể dẫn đến vô sinh nếu không được chữa trị. Không được điều trị bệnh lậu cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Các dữ liệu giám sát gần đây cho thấy kháng sinh đường uống cefixime đã trở nên ít hiệu quả trong điều trị bệnh lậu, chính vì vậy CDC đã sửa đổi hướng dẫn điều trị bệnh lậu của mình để đảm bảo lựa chọn điều trị hiệu quả có thể tồn tại càng lâu càng tốt.

Các hướng dẫn mới được công bố vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong (the Morbidity and Mortality Weekly Report). Ngoài việc sửa đổi hướng dẫn điều trị của mình, CDC cũng thúc giục các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực cộng đồng và cá thể đẩy mạnh các nỗ lực phát triển các phương pháp điều trị mới cho căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến và có nhiều biến chứng nghiêm trọng này.

Điều trị bệnh lậu

Thuốc kháng sinh từ lâu đã được sử dụng để điều trị bệnh lậu, nhưng vi khuẩn đã dần dần phát triển khả năng kháng mọi loại thuốc từng được sử dụng, bao gồm cả sulfonamides, penicillin, tetracycline, và gần đây nhất là fluoroquinolones. Trong năm 2007, do tình trạng kháng thuốc trở nên phổ biến rộng rãi, CDC đã sửa đổi hướng dẫn điều trị bệnh lậu, không còn khuyến cáo sử dụng fluoroquinolones nữa. Như vậy chỉ có một loại kháng sinh là cephalosporin bao gồm cefixime đường uống và ceftriaxone đường tiêm là có hiệu quả điều trị bệnh.

Bây giờ, bằng chứng từ Dự án Giám sát cô lập lậu cầu (Gonococcal Isolate Surveillance Project (GISP)) của CDC cho thấy rằng cefixime trở nên ít hiệu quả trong điều trị bệnh lậu.

Cho đến nay, không có bệnh nhân nào thất bại điều trị với ceftriaxone hoặc cefixime tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ở các nước khác việc thất bại điều trị với cefixime đã xuất hiện ở số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng. Thông tin này, cùng với kinh nghiệm trong quá khứ và các dữ liệu giám sát mới nhất của Mỹ, cho rằng nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi bệnh lậu trở nên đề kháng với các phương pháp điều trị hiện nay.

Sửa đổi hướng dẫn

Hướng dẫn điều trị của CDC được sửa đổi để đảm bảo rằng bệnh nhân được điều trị hiệu quả nhất cho bệnh lậu. Sự thay đổi đáng kể nhất trong các hướng dẫn mới là CDC không còn khuyến cáo cefixime như một điều trị hữu hiệu cho bệnh lậu, chỉ còn lại ceftriaxone tiêm được sử dụng kết hợp với một trong hai kháng sinh uống, hoặc azithromycin hoặc doxycycline. Ceftriaxone chống lại bệnh lậu mạnh hơn cefixime, và khi kết hợp với kháng sinh uống bổ sung, có thể làm chậm sự xuất hiện của kháng thuốc bằng cách đảm bảo rằng các bệnh nhiễm trùng do lậu cầu được chữa khỏi nhanh chóng và không được phép lây lan.

Để tiếp tục chống lại mối đe dọa kháng thuốc, các nhà y tế nên theo dõi chặt chẽ các trường hợp thất bại điều trị với ceftriaxone. Theo hướng dẫn mới, bệnh nhân có triệu chứng kéo dài nên được kiểm tra lại với việc cấy vi khuẩn để có thể xác định tình trạng kháng thuốc. Bệnh nhân phải trở lại sau 1 tuần điều trị để được cấy một lần nữa - để bảo đảm bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Các hướng dẫn mới vẫn dùng cefixime uống như là một lựa chọn điều trị thay thế trong một số trường hợp. Nếu ceftriaxone không có sẵn, các bác sĩ có thể chỉ định một liệu pháp kép: cefixime cộng với hoặc azithromycin hoặc doxycycline. Azithromycin có thể được dùng một mình khi bệnh nhân bị dị ứng nghiêm trọng với các cephalosporin. Tuy nhiên, nếu một trong hai liệu pháp thay thế được chỉ định thì bệnh nhân cần được cấy vi trùng lậu lại một tuần sau khi điều trị.

Mặc dù làm theo hướng dẫn này là cần thiết, nhưng điều này có thể làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn đối với một số bác sĩ và bệnh nhân. Những cơ sở y tế trước đây không dùng thuốc tiêm thì tương lai sẽ phải dùng ceftriaxone, và tất cả bệnh nhân sẽ đều phải bị tiêm để đảm bảo điều trị hiệu quả cho bệnh lậu. Những nỗ lực để điều trị bạn tình cũng trở nên phức tạp hơn. Mọi nỗ lực cần được thực hiện để đảm bảo rằng bạn tình của tất cả các bệnh nhân trong vòng 60 ngày trước khi phát hiện bệnh đều được khám và điều trị bệnh lậu với ceftriaxone cộng với hoặc azithromycin hoặc doxycycline nếu có thể, hoặc điều trị thay thế nếu không thể dùng ceftriaxone. Nếu không đưa được bạn tình vào chương trình điều trị, các bác sĩ có thể xem xét nhờ bệnh nhân đưa cho bạn tình của mình thuốc uống gồm cefixime và azithromycin.

Hành động khẩn cấp

Các hướng dẫn điều trị sửa đổi có thể giúp trì hoãn sự xuất hiện của bệnh lậu kháng cephalosporin, nhưng không thể ngăn chặn vấn đề kháng thuốc sắp xảy ra. Nhà cung cấp dịch vụ y tế, sở y tế nhà nước và địa phương, cộng đồng và các đối tác tư nhân đều có thể thực hiện các bước bổ sung quan trọng để giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng của bệnh lậu kháng thuốc:

Bác sĩ và các nhân viên cung cấp dịch vụ y tế khác là những người hết sức quan trọng trong công cuộc chống lại bệnh lậu. CDC khuyến khích tất cả các nhân viên y tế:

• Hãy hỏi về tiền căn hoạt động tình dục của người bệnh. Điều này sẽ giúp bạn xác định cần xét nghiệm bệnh lý lây truyền qua đường tình dục nào và vị trí lấy mẫu

• Hãy điều trị tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán mắc lậu kịp thời theo đúng hướng dẫn điều trị của CDC, bao gồm cả xét nghiệm sau khi điều trị để đảm bảo khỏi bệnh khi cần thiết, hướng dẫn chi tiết tại www.cdc.gov/std/treatment

• Cố gắng đánh giá và điều trị tất cả các bạn tình của người bệnh trong vòng 60 ngày khi phát hiện bệnh

• Lấy được mẫu cấy để kiểm tra tình trạng giảm nhạy cảm thuốc với các trường hợp nghi ngờ hay đã xác định là thất bại với điều trị

• Báo cáo bất kỳ trường hợp nghi ngờ kháng thuốc cho các cơ quan y tế nhà nước trong vòng 24 giờ, giúp phát hiện sớm khả năng kháng thuốc tiềm tàng

Các cơ quan y tế nhà nước và địa phương và các phòng thí nghiệm cần tăng cường hoặc xây dựng lại khả năng cấy vi khuẩn lậu để phát hiện và báo cáo sớm các trường hợp kháng thuốc. Nếu kháng sinh đồ không thể được thực hiện tại địa phương thì cần phối hợp ngay với các phòng thí nghiệm có khả năng. Các sở y tế cần phát triển các kế hoạch ứng phó của địa phương và thông báo ngay lập tức nếu điều trị thất bại. Phòng thí nghiệm cũng nên thông báo cho các quan chức y tế địa phương nếu có sự giảm tính nhạy cảm với cephalosporine. CDC kêu gọi các nhà khoa học và các nhà phát triển ưu tiên nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh mới và hiệu quả. Hiện nay, có rất ít thuốc mới có tiềm năng, và chỉ có một thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để kiểm tra tính hiệu quả của công thức mới phối hợp các loại thuốc hiện có. Trong khi CDC đang hợp tác với Viện Y tế quốc gia (the National Institutes of Health) để kiểm tra sự kết hợp mới của các kháng sinh, rõ ràng là nhiều cách tiếp cận khác nhau sẽ cần phải được kiểm tra trước khi cho ra đời một chọn lựa điều trị thích hợp.

Nguồn: http://www.cdc.gov/nchhstp/Newsroom/docs/2012/GonorrheaTreatmentGuidelinesFactSheet8-9-2012.pdf

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Bệnh học lạc nội mạc tử cung - Ngày đăng: 23-08-2012
Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung - Ngày đăng: 19-06-2012
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK