Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 04-07-2012 8:54am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Phụ khoa

uong nuoc ThS. BS. Nguyễn Ngọc Tiến

Khoa Niệu- BV FV TP Hồ Chí Minh

 


Tiểu không kiểm soát khi gắng sức [28] được định nghĩa là một hiện tượng thoát nước tiểu ra ngoài niệu đạo không theo ý muốn cũng như không do sự co thắt của cơ détrusor. Hiện tượng này diễn ra nặng dần đến một lúc nào đó người phụ nữ cảm thấy tàn phế về mặt xã hội cũng như về mặt vệ sinh [1]. Đây là một hiện tượng rất thường xảy ra trong xã hội, tỉ lệ thống kê khoảng 20-40%. Tuy nhiên, người phụ nữ thường giấu kín, không thổ lộ với bác sĩ cũa mình. Tại Mỹ theo thống kê chỉ có 20% phụ nữ nói về hiện tượng són tiểu với bác sĩ của mình [17]. Tiểu không kiểm soát khi gắng sức  thường do kết hợp suy yếu : về thần kinh, về cơ và mô liên kết vùng đáy chậu, sự nâng đỡ của niệu đạo, chức năng cổ bàng quang và các cơ quanh niệu đạo, cũng như chức năng các cơ nâng hậu môn là những thành phần chủ yếu của sự kiểm soát nước tiểu.

CHẨN ĐOÁN TIỂU KHÔNG KIỂM SOÁT KHI GẮNG SỨC

Lâm sàng

Mục đích đầu tiên của khám lâm sàng là xác định rõ các than phiền của bệnh nhân có thực sự cần được điều trị hay không? Phân tích các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân và khám thực thể. Mục đích thứ hai là tìm các dấu hiệu bất thường khác kết hợp ở vùng tấng sinh môn trước khi lên kế hoạch điều trị.

  • Tiểu không kiểm soát khi gắng sức xuất hiện dưới dạng tia nước tiểu thoát ra đồng thời với lúc có sự gia tăng áp lực trong ổ bụng (át xì, ho, khiêng vật nặng, chạy bộ, tập thể lực nặng…). hiện tượng này thường xuất hiện vào ban ngày, hoặc ban đêm khi có ho nhiều lần hoặc khi thay đổi tư thế từ nằm sang đứng. Triệu chứng này lập đi lập lại và thuờng xảy ra cùng trạng thái gắng sức.
  • Khám lâm sàng : làm nghiệm pháp gắng sức (ho) kiểm tra có phù hợp với triệu chứng bệnh nhân mô tả hay không ? nghiệm pháp này thực hiện khi bàng quang đầy nhưng không quá khó chịu, thực hiên ho nhiều lần ở tư thế nằm, nều không có rỉ nước tiểu xuất hiện, cần khám thêm ở tư thế đứng với 2 đùi dạng nhẹ, một chân để trên bụt.

Ngoài ra cần đánh giá thêm độ dinh dưỡng vùng âm hộ- âm đạo và sức cơ tầng sinh môn để đánh giá sự suy yếu vùng chậu của phụ nữ, cũng như xem có sa sinh dục và sa bọng đái đi kèm hay không.

Nghiệm pháp Bonney ( hay Marchetti ) [6, 23] dương tính cho thấy có sự khiếm khuyết trong cơ chế nâng đỡ niệu đạo và cho phép đánh giá kết quả tốt sau phẫu thuật nhằm sửa chữa lại sự nâng đỡ niệu đạo.

Xét nghiệm niệu động lực học

Rất cần thiết, phân tích áp lực niệu đạo trong tình trạng gắng sức để khi xuất hiện rỉ nước tiểu trong quá trình đo niệu động lực học hết sức quan trọng. Các cải tiến tỉ mỉ trong kỹ thuật được nhiên cứu bởi Henriksson [18] và Bunne [8], ống thông được kéo ra theo chiều dài niệu đạo trong khi bệnh nhân bắt đầu các động tác ho nhiều lần đều nhau. Áp lực bàng quang và áp lực niệu đạo ở trạng thái tĩnh và động được ghi nhận. Khi áp lực bàng quang vượt cao hơn áp lực niệu đạo, lúc đó áp lực đóng niệu đạo trở nên âm tính.

Hình ảnh học

Chụp niệu đạo- bàng quang trạng thái động khi có tiểu không kiểm soát cho phép đánh giá bệnh nhân có tăng di động cổ bàng quang hay có suy yếu các thành phần nâng đỡ niệu đạo - bàng quang. Tuy nhiên xét nghiệm này không mang lại nhiều thông tin hơn khám lâm sàng trong điều kiện thật tốt, và đây không phải là xét nghiệm có tính chất hệ thống, ngoài trừ khi có nghi ngờ trong chẩn đoán. Ngược lại, trong trường hợp tái phát sau phẫu thuật, xét nghiệm này có thể giúp ích để phân biệt thất bại do tái phát tăng di động niệu đạo- cổ bàng quang hay là do suy yếu cơ vòng.

Siêu âm : là xét nghiệm ít xâm hại hơn chụp X-quang để đánh giá vị trí và sự di động cũng như độ mở của cổ bàng quang. Siêu âm qua ngã âm đạo cho phép nhìn thấy các thay đổi có liên quan đến sự suy yếu vùng chậu ở trạng thái tĩnh [4, 33, 40]. Siêu âm có độ tin cậy và cho phép thực hiện nhiều lần dễ dàng. Tuy nhiên siêu âm cũng không cần phải thực hiện một cách có hệ thống trong thăm khám bệnh nhân tiểu không kiểm soát khi gắng sức.

Chụp cộng hưởng từ : là xét nghiệm cho phép mô tả một cách tốt nhất các cấu trúc sàn chậu. Tuy nhiên trên thực tế, xét nghiệm có nhiều bất tiện do giá thành còn khá mắc.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA

Tập luyện: khi nghiên cứu cấu trúc giải phẫu học sàn chậu và hệ thống cơ vòng niệu đạo, ý tưởng làm tăng trương lực và sức mạnh các cơ vân niệu đạo và quanh niệu đạo bằng phương pháp tập vật lý trị liệu thích hợp có vẻ hợp lý.

  • Các bài tập luyện tầng sinh môn
  • Kích thích điện
  • Biofeed- back

Các phương pháp tập luyện giúp cải thiện tình trạng tiểu không kiểm soát khi gắng sức khoãng 40% các trường hợp và chữa khỏi hoàn toàn khoảng 10% bởi chuyên viên vật lý trị liệu có kinh nghiệm trong vòng 20 đợt. Trong trường hợp thất bại sẽ đề nghị điều trị phẫu thuật [7].

Điều trị nội tiết tố oestrogenes: do hậu quả của thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, nội tiết tố nữ suy giảm ảnh hưởng trực tiếp lên đường tiểu dưới qua các thụ thể oestrogenes ở niệu đạo, ở bàng quang và mô liên kết quanh niệu đạo. Sau mãn kinh, niêm mạc niệu đạo bị teo, các sợi collagene chúa trong mô liên kết giảm đi, sự tưới máu ở niệu đạo cũng giảm và độ nhạy cảm của cơ trơn niệu đạo với kích thích giao cảm alpha cũng bị yếu đi. Tất cả những yếu tố đó làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát đi tiểu.

LỊCH SỬ TÓM TẮT VỀ BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA TIỂU KHÔNG KIỂM SOÁT KHI GẮNG SỨC

Rất nhiều giai đoạn lớn được ghi nhận.

Tài liệu tham khảo đầu tiên trong lịch sử về điều trị ngoại khoa tiểu không kiểm soát khi gắng sức của tác giả Baker – Brown [3] năm 1864. Sau đó có rất nhiều kỹ thuật mổ ra đời và được báo cáo lần lượt theo phát triển về sự hiểu biết bệnh lý.

Kelly [19] đã phát triển kỹ thuật mổ gấp nếp dưới niệu đạo vào đầu thế kỷ 20. Ít năm sau đó Goebell [15] , Stoeckel [36] và Frangenheim [14] bên Đức đề nghị ý tưởng giá đỡ dưới niệu đạo.

Kỷ nguyên mới của đường vào sau xương mu để  vào cổ bàng quang là công trình của 3 tác giả làm việc cùng nhau : Marshall, Marchetti và Krantz [24] vào năm 1949. Ý tưởng này sau đó được Burch sử dụng trở lại và biến đổi vào những năm 60.

Về các kỹ thuật điều trị bằng kim, ban đầu được đề nghị bởi Pereyra [29] vào năm 1957, sau đó cũng được biến đổi khác đi. Việc sử dụng chất liệu giả đã xuất hiện vào những năm 70. Sau giai đoạn nghiên cứu dài và gian nan, nền công nghệ này tiếp tục phát triển để ứng dụng trên lâm sàng sau đó.

TVT (Tension free Vaginal Tape)

images (33)

Hình. Vị trí giá đỡ TVT [71]

Kỹ thuật được mô tả lúc đầu bởi tác giả Thụy Điển Ulmsten vào 1994, hoàn chỉnh vào năm 1996 [2]. Phương pháp này nhằm làm ổn định niệu đạo bằng giá đỡ prolène (polypropylène) , chất liệu nhân tạo này giống như chất liệu xử dụng để điều trị thoát vị bẹn (hình 7).

Kỹ thuật này phát triển rất mạnh mẽ những năm sau đó tại Châu Âu, tại Pháp bắt đầu từ 1996, đến 2007 đã có trên 50.000 trường hợp TVT được thực hiện với tỉ lệ thành công đáng khích lệ.

TOT (Trans Obturator Tape)

Từ lý thuyết võng của De Lancey, lần đầu tiên Delorme đã thực hiện 40 trường hợp đặt giá đỡ niệu đạo qua lỗ bịt để điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức ở phụ nữ từ 3/1999 – 12/2000 , và chính thức công bố lần đầu tiên vào 2001 [13] với kết quả theo dõi 1 năm thành công 90 %.

Từ đó với kỹ thuật TOT đã phát triển dần đến ở các nước châu Âu, châu Á cũng như châu Mỹ, cho đến hiện nay  mới được xem là kỹ thuật điều trị ưa chuộng cho các trường hợp  tiểu không kiểm soát khi gắng sức ở phụ nữ với khá nhiều báo cáo tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

  • · Kỹ thuâṭ TOT từ ngoài vào trong ̣̣(Outside-in): rạch da ứng với mốc giải phẫu học ngành ngồi - mu ngang với lỗ tiểu. Kim đâm thẳng góc với da 15mm, sau đó đi ngang và hướng vào trong để thoát ra vùng rạch âm đạo ban đầu. Đặt một ngón tay ở túi cùng bên âm đạo để đảm bảo rằng kim không đâm vào thành âm đạo. Giá đỡ được đưa vào và được kéo ra ngoài mỗi bên.
  • · Kỹ thuật TOT từ trong ra ngoài (Inside-out): trong thì đầu bóc tách âm đạo ở cạnh bên niệu đạo cho đến bờ dưới ngành ngồi - mu, mũi kéo xuyên thủng màng bịt, kim có mang giá đỡ đưa vào qua lỗ bịt sau đó được đưa ra ngoài tại hai điểm ngoài da định trước.
images (34)

Hình. Vị trí giá đỡ TOT ( hình phỏng theo Reiffenstuhl, Platzer và Knapstein )

Tiêm Teflon cạnh niệu đạo

Phương pháp tiêm cạnh niệu đạo được áp dụng như là 1 phương pháp điều trị ngoại khoa thay thế đặc biệt cho những bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều lần phẫu thuật. Ý tưởng của phương pháp này là làm tăng sức đề kháng niệu đạo qua việc chèn ép lòng niệu đạo. Các trường hợp đầu tiên tiêm Teflon được thực hiện trên 30 năm [32]. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này còn hạn chế.

Đặt cơ vòng nhân tạo

Kỹ thuật đặt cơ vòng nhân tạo trong điều trị tiểu không kiểm soát là kết quả của khái niệm nhằm chèn ép niệu đạo đủ để ngăn chặn nước tiểu chảy ra ngoài nhưng không được quá đáng gây hoại tử niệu đạo. Đặt cơ vòng nhân tạo đầu tiên được thực hiện bởi Scott năm 1972 [34]. Từ khi loại cơ vòng nhân tạo đầu tiên AS 721 , có rất nhiều tiến triển về kỹ thuật phát minh ra nhiều loại cơ vòng nhân tạo mới hiện nay: AS 800 [25].... (hình 9)

images (35)

Hình. Cơ vòng nhân tạo AS 800 [25]

Tiêu chuẩn chỉ định phẫu thuật đặt giá đỡ TVT- TOT:

  • Có hiện tượng tiểu không kiểm soát khi gắng sức sau các hoạt động gắng sức như: ho, át xì, cười, khiêng vật nặng, chơi thể thao …
  • Khám lâm sàng : nghiệm pháp Bonney (+)
  • Niệu động lực học: bàng quang ổn định, vùng kiểm soát nước tiểu âm tính ≥ 70%.

Kỹ thuật: Kỹ thuật mổ đặt giá đỡ niệu đạo TOT từ trong ra ngoài (Inside-out)  tại Việt Nam và trong điều kiện Việt Nam được tiến hành như sau  (hình):

images (36)

Hình 10. Các thì mổ đặt giá đỡ TOT

KẾT QUẢ

Loạt BN đầu tiên tai BV FV TP Hồ Chí Minh : 20 TVT và 52 TOT

Thời gian mổ trung bình: 30 phút cho phẫu thuật TVT và 20 phút cho phẫu thuật TOT.

Không truyền máu.

Có 3 trường hợp thủng bàng quang trong lúc mổ loại phẫu thuật TVT. Không có biến chứng thủng ống tiêu hóa. Không có biến chứng chảy máu âm đạo.

Rách âm đạo : 2 trường hợp trong phẫu thuật TOT.

Khối máu tụ sau xương mu : 1 trường hợp sau PT  TOT

Đau dùi sau mổ TOT (9 trường hợp) (bảng)

Biến chứng

TVT

TOT

Xuất huyết

0

0

Thủng bọng đái

3

0

Thủng ống tiêu hóa

0

0

Máu tụ sau xương mu

0

1

Nhiễm trùng

0

0

Vết thương âm đạo

0

2

Đau đùi sau mổ

0

9

Hậu phẫu

Sonde tiểu được rút vào ngày thứ nhất sau mổ, bệnh nhân xuất viện từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3. Từ ngày thứ 2 có 1 bệnh nhân tiểu khó sau khi rút thông với nước tiểu tồn lưu trên 200ml. Bệnh nhân được nong niệu đạo tại phòng mổ vào ngày thứ 3 sau mổ. Sau đó, bệnh nhân được rút thông lần 2, bệnh nhân đi tiểu bình thường và giá trị tồn lưu sau khi đi tiểu chỉ còn 20ml.

Thời gian nằm viện trung bình : 2 ngày.

Kết quả sớm

Hậu phẫu sớm

1 tháng

3 tháng

1 năm

TVT

TOT

TVT

TOT

TVT

TOT

TVT

TOT

Tiểu có kiểm soát

20

52

20

52

14

45

12

39

Đái khó

1

0

0

0

0

0

0

0

Bí tiểu

0

0

0

0

0

0

0

0

Debit max >20ml/s

-

-

16

46

-

-

-

-

Nước tiểu  tồn lưu <30 ml

19

52

20

52

14

45

12

39

Bào mòn niêm mạc âm đạo

-

-

-

-

0

0

0

0

BÀN LUẬN VỀ BIẾN CHỨNG TRONG VÀ SAU MỔ

Biến chứng thủng bàng quang là một biến chứng thường thấy nhất ở kỹ thuật TVT , khoảng 8,87% trong nghiên cứu của VILLET. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ này cũng như các tỷ lệ đã được báo cáo trong y văn nằm vào khoảng 2-2,3% [26, 35, 38, 39]. Tất cả những vết thương thường khu trú ở chóp bàng quang, không có vết thương niệu đạo nào cũng như ở vùng tam giác và niệu quản. Vết thương bàng quang đã được báo cáo khoảng 10,1% (8/79) ở bệnh nhân chưa bao giờ làm phẫu thuật , 6,7% (3/45) ở những bệnh nhân có tiền sử đã được mở vùng chậu. Cần ghi nhận biến chứng thủng bàng quang thường xảy ra ở những lần phẫu thuật đầu tiên khi bắt đầu áp dụng kỹ thuật này và biến chứng sẽ giảm dần theo kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Tất cả trường hợp thủng bàng quang đều xảy ra trong phẫu thuật TVT.

Phẫu thuật đặt TVT hay TOT phải thực hiện không căng tức là không nên để miếng đỡ chèn ép vào niệu đạo. Điều này chứng minh rất rõ ràng sự lấy lại đi tiểu bình thường dễ dàng hơn sau phẫu thuật TVT hơn là sau phẫu thuật BURCH hay MARSHALL– MARCHETTI-KRANTZ. Bí tiểu sau khi treo cổ bọng đái theo kỹ thuật BURCH phải đặt thông tiểu cách quãng là 20% [9, 21]. Trong loạt nghiên cứu của chúng tôi có 1 trường hợp đái khó phải được nong rộng niệu đạo và miếng nâng đỡ 2 ngày sau mổ. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 4 sau khi rút thông lần 2 cho thấy nước tiểu tồn lưu còn 10 – 20ml với Q max khoảng 20ml/giây. Một số tác giả đề nghị những trường hợp này nên đặt thông dẫn lưu cách quãng. Bệnh nhân có thể lấy lại nhịp tiểu bình thường khoảng 1 tuần hoặc tháng sau.

Biến chứng chảy máu rất hiếm. Có tác giả cho rằng tỷ lệ này khoảng 2,5%. Chảy máu thường nhẹ không cần cầm máu, đôi khi chỉ cần đè cầm máu. Tổn thương mạch máu vùng chậu cũng hiếm, có tác giả thống kê khoảng 1,7%. Tuy nhiên theo SOULIÉ và cộng sự [10] là có 1 trường hợp có máu tụ vùng RETZIUS, đòi hỏi phải truyền máu và mổ hở để dẫn lưu. Chúng tôi có 1 trường hợp khối máu tụ sau xương mu sau phẫ́u thuật TOT, bệnh nhân được theo dõi và điều trị nội khoa sau 3 tháng khối máu tụ tự hấp thu hoàn toàn không đễ lại di chứng. Vết thương mạch máu, nhất là mạch máu chậu ngoài dường như hiếm, nhưng cần phải thận trọng, trong trường hợp bệnh nhân có động mạch dãn to bị vôi hóa nơi những bệnh nhân lớn tuổi. Đau sau mổ thường không nhiều, nếu có thì ở mức độ vừa phải trong vòng 24-48 giờ [37]. Tuy nhiên trong phẫu thuật TOT, một số tác giả cũng như loạt nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận hiện tượng đau đùi sau mổ. Để khắc phục hiện tượng khó chịu này, một số tác giả đang nghiên cứu áp dụng loại miếng nâng đỡ ngắn hơn với đầu ngoài không đi xuyên qua lỗ bịt. Biến chứng chủ yếu sau mổ là hiện tượng đái khó hoặc bí tiểu thoáng qua. Trong nghiên cứu của ULMSTEN có 12 trường hợp (10%). Theo nghiên cứu của hiệp hội Niệu Khoa Pháp (AFU) năm 1999, bí tiểu thoáng qua có tỷ lệ thay đổi từ 8-16%,  có trường hợp bí tiểu kéo dài sau 6 tháng chiếm tỷ lệ 3,6% theo LUGAGNE  [10, 16, 22]. Hiện tượng bí tiểu này thông thuờng được giải quyết khi được dẫn lưu kéo dài nhiều ngày hoặc thông tiểu cách quãng. Để dự phòng biến chứng này nên chọn lựa những bệnh nhân trước mổ có niệu dòng đồ bình thường, không có bọng đái cự đại hoặc bàng quang giảm co thắt trên xét nghiệm niệu động lực học và trong quá trình mổ, đặt miếng nâng đỡ dưới niệu đạo không căng hoặc căng rất nhẹ và nên duy trì một vài giọt nước tiểu thoát nhẹ qua niệu đạo.

BÀN LUẬN VỀ TỈ  LỆ THÀNH CÔNG

Về tỷ lệ thành công, kết quả về chức năng sau 3 năm của loạt nghiên cứu 50 bệnh nhân của ULMSTEN đánh giá 1 cách tương đối hiệu quả theo thời gian, tỷ lệ thành công hoàn toàn là 90%, cải thiện một phần là 6% được ghi nhận [37]. Theo loạt nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ thành công là 97,2% đã được theo dõi trong 1 năm. Các loạt nghiên cứu khác đã được trình bày ở hội nghị Niệu Khoa Pháp 1999, trong đại đa số  các trường hợp theo dõi dưới 1 năm và tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn thay đổi từ 78 -96% [5, 16, 22, 27]. Các trường hợp có nguy cơ suy yếu cơ vòng nặng tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn thay đổi từ 82-88% [20, 22]. Dường như đại đa số các trường hợp thất bại sau khi đặt TVT phát hiện rất nhanh trong vòng 3 tháng đầu tiên. Có tác giả ghi nhận 1 số trường hợp tỷ lệ thất bại xảy ra chậm hơn ở khoảng tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 9. Trong trường hợp thất bại, phương pháp đặt cơ vòng nhân tạo được đặt ra nhưng theo DE LEVAL, kỹ thuật TOT cho phép đặt lại miếng nâng đỡ niệu đạo khi lần đầu thất bại.

TÓM LẠI

Nhiều tiến bộ đã được báo cáo từ đầu thế kỷ về phát triển kỹ thuật điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức ở phụ nữ. Kelly và Dumm [19] đã đưa ra nhiều bạo cáo. Nhiều năm sau đó, Bonney [6] đã thu hút sự chú ý bằng hiện tượng mất nâng đỡ vùng niệu đạo nơi những phụ nữ tiểu không kiểm soát khi gắng sức  và tác giả đã ghi nhận phương pháp khâu nếp gấp của cân quanh niệu đạo. Vào 1949, Marshall [24] theo kinh nghiệm của mình đã đính mô quanh niệu đạo vào xương mu để làm giảm đi hiện tương tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Nhiều tác giả sau đó đã phát triển phẫu thuật chống tiểu không kiểm soát bằng cách cố định gián tiếp cổ bàng quang và mô xung quanh niệu đạo thông qua âm đạo (treo cổ bàng quang qua dây chằng Cooper theo Burch, treo cổ bàng quang đơn giản theo Pereyra và Raz…)

Năm 1994, De Lancey  đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng  của việc nâng đỡ niệu đạo [11,12]. Song song đó, Petros  và Ulmsten [30, 31] đã mô tả hệ thống nâng đỡ niệu đạo “động”, đã làm nền tảng cho kỹ thuật TVT và TOT lần đầu tiên trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ lâu các phẫu thuật viên niệu khoa cũng đã ứng dụng các kỹ thuật điều trị tiểu không kiểm soát như kỹ thuật Marshall- Marchetti, Burch...Và đặc biệt trong thời gian gần đây đã thực hiện khá thành công kỹ thuật Burch qua nội soi ổ bụng. Kể từ năm 2005, chúng tôi cũng đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật điều trị bằng phương pháp đơn giản hơn và it́ xâm hại (mini-invasive) TVT (Tension free Vaginal Tape) và sau đó là TOT (Trans Obsturator Tape) với bước đầu thu được kết quả khả quan với các ưu điểm mang tính hiệu quả, tính đơn giản và khả thi của kỹ thuật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ABRAMS P., BLAIVAS J.G., STANTON S.L., ANDERSEN J.T. The standardisation of terminology of lower urinary tract function. The International Continence Society Committee on Standardisation of Terminology. Scand. J. Urol. Nephrol., 1988, Suppl. 114, 5- 19.

2. ASHKEN M.H. : Follow-up results with the Stamey operation for stress incontinence of urine. Br.J. Urol.: 1990; 65: 168-169.

3. BAKER BROWN I.: On diseases of women remediable by operation. Lancet: 1864; 1: 263 -266.

4. BEMELMANS B.L, HANKEL M., JACOBS C.H., VAN KERREBROECK PH.E, WORM G., DEBRUYNE F.M. : Pelvic floor reeducation and body posture correction for treatment of femal urinary incontinence : Results of comprehensive pre- and post- treatment urodunamic testing. Neurourol. Urodyn. : 1992 ; 11 : 209-218.

5. BENIZRI E., CHEVALLIER D., JORDANA G., GARCIA G., COLLOMB J., AMIEL J., TOUBOL J.: TVT et incontinence urinaire d'effort (I.U.E.) à propos de 100 cas. Prog. URol., 1999, 9, abst  P 46, 42A.

6. BONEY V.  On diurnal incontinence of urine in women. J. Obstet. Gynaecol. Br. Emp., 1923, 30, 358-365.

7. BRUBAKER L., KOTARINOS R. : Kegel or cut ? Variation on his theme. J. Reprod. Med. : 1993 ; 38 : 672-678.

8. BUNNE G., OBRINK A. : Urethral closure pressure with stress : a comparison between stress- incontinent and continent women. Urol. Res. : 1978 ; 6 : 127-134.

9. COLOMBO M., SCALAMBRINO S., MAGGIONI A. AND  MILANI R., Burch colposuspension  versus modified Marshall-Marchetti-Krantz urethropexy for primary genuine stress urinary incontinence: a prospective, randomized clinical trial. Am. J. Obstet. Gynecol., 1994, 171, 1573-1579.

10. COUR F., BARRET E., CATHELINEAU X., DELL'ORO A., MOMBET A., GUILLONEAU B., VEILLON B., VALLANCIEN G.: Complications péri - opératoires de la bandelette sous-urétrale TVT dans le traitement de l'incontinence urinaire d'effort féminine. Prog. Urol., 1999, 9, abst P48, 42A.

11. DE LANCEY J.O.L. Structural support of the urethra as it relates to stress urinary incontinence: the hammock hypothesis. Am. J. Obstet. Gynecol., 1994, 170:1713-1723.

12. DE LANCEY J.O. The pathophysiology of stress urinary incontinence in women and its implications for surgical treatment. World J. Urol., 1997, 15, 268-274.

13. DELORME E. La bandelette trans-obturatrice: un procédé mini- invasif pour traiter l’incontinence urinaire d’effort de la femme. Progrès en Urologie (2001), 11, 1306 – 1313.

14. FRANGENHEIM P.: Zur operativen behandlung der inkontinenz der mannlichen harnrohre. Verh. Dtsh. Ges. Chir.: 1914; 43: 149-154.

15. GOEBELL R.: Zur operativen beseitigung der angeborenen incontinentia vesicae. Z. Gynakol: 1910; 2: 187-191.

16. HAAB F., SANANES S., MONSAINT H., CIOFU C., TLIGUI M., TCHALA K., DOUBLET J.D., LUKACS B., GATTEGNO B., UZAN S., AMARENCO G., THIBAULT Ph. : Soutènement sous-urétral "TVT": résultats préliminaires. Prog. URol., 1999, 9, abst P45, 42A.

17. HEALTH (1988). Urinary incontinence in adults. National Institute of Health consensus development conference statement, Washington, DC.

18. HENRIKSSON L., ULMSTEN U., ANDERSSON K.E. : The effect of changes of posture on the urethral closure pressure in healthy women. Scand. J. Urol. Nephrol. : 1977 ; 11 : 201-206.

19. KELLY H.A., DUMM W.M. : Urinary Incontinence In women without manifest Injury to the bladder. S.G.O. : 1914 ; 18 : 444-450.

20. LE GUILLOU M., JACOB F., PARIENTE J.L., FERRIÈRE J.M., LESOURD B., GARCIA S.: La TVT peut-elle remplacer le sphincter artificiel chez la femme? Prog. Urol., 1999, 9, abst P47, 42A.

21. LOSE G., JORGENSEN L., MORTENSEN S.O., MOLSTEDPEDERSEN L., KRISTENSEN J.K. Voiding difficulties after colposuspension. Obstet. Gynecol., 1987, 69, 33 - 38.

22. LUGAGNE -DELPON M., LEBRET T., HERVÉ J.M., BARRÉ P., ORSONI J.L., BOTTO H.: Cure d'incontinence urinaire d'effort par prothèse urétrale sans tension (TVT) : résultats précoces chez 55 patientes. Prog. Urol. 1999, 9, abst P43, 41A.

23. MARCHETTI A.A., MARSHALL V.F., SHULTIS L.D. : Simple vesico- suspension : A. survey. Am. J. Obstet. Gynecol. : 1957 ; 74 : 57.

24. MARSHALL V.F., MARCHETTI A.A., KRANTZ K.E. : The correction of stress Incontinence by simple vesicourethral suspension. S. G. O. : 1949 ; 88 : 509-518.

25. MONTAGUE D.K. : The Scott. Bradley- Timm artifical urinary sphincters . J. Urol. : 1981 ; 125 : 796-798.

26. MORAN P.A., WARD K.L., JOHNSON D., SMIRNI W.E., HILTON P., et al. Tension - free vaginal tape for primary genuine stress incontinence : a two-centre follow - up study. B.J.U. Int., 2000, 86, 39-42.

27. MOULINIER F., RAVERY V., BLANC E., HERMIEU J.F., DELMAS V., BOCCON - GIBOD L., Résutats préliminaires de la bandelette TVT dans la cure d'incontinence urinaire d'effort. Prog. Urol., 1999,9, abst P44, 41A.

28. NGÔ GIA HY : Tự điển niệu học Việt Anh Pháp. đ 76 trang 100. Nhà xuất bản y học 1992.

29. PEREYRA A.J. : A simplified surgical procedure for  the correction of stress Incontinence In women. West. J . Surg. : 1959 ; 67 : 223-226.

30. PETROS P.E.,[13TQ] ULMSTEN U. An intergral theory and its method for the diagnosis and management of female urinary incontinence. Scand. J. Urol. Nephrol., 1993, suppl.153, 3-93.

31. PETROS P.E.,[14TQ] ULMSTEN U. Urethral pressure increase on effort originates from within the urethra, and continence form musculo-vaginal closure. Neuro Urol. Urodynam., 1995, 14, 337 -350.

32. POLITANO V.A. : Teflon Injection for urinary Incontinence. Urol. Clin. N. Amer. : 1978 ; 5 : 415-423.

33. QUINN M.J., BEYNON J.,MORTENSEN M.J., SMITH PJ.B : Transvaginal endosonography :  a new method to study the anatomy of the lower urinary tract in urinary stress incontinence. Br. J. Urol. : 1988 ; 62 : 414-418.

34. SCOTT F.B., BRADLEY W.E., TIMM G.W. : Treatment of urinary Incontinence by an Implantable prosthetic urinary sphincter. J. Urol. : 1974 ; 112 : 75-80.

35. SOULIÉ M., DELBERT-JULHES F., CUVILLIER X., MOULY P., THANWERDAS J.  et al. Repair of female urinary incontinence with prolene "TVT": preliminary results of a multicenter and prospective survey. Prog. Urol., 2000, 10, 622-628.

36. STOECKEL W. : Uber die verwendung der musculi pyramidalis bie der operativen behandlung der Incontinentia urinae.  Zentrabl. Gynaekol. : 1971 ; 41 : 11-19.

37. ULMSTEN U., JOHNSON P. REZAPOUR M.  A three-year follow-up of tension free vaginal tape for surgical treatment of female stress urinary incontinence. Br.J. Obstet. Gynaecol., 1999, 106, 345-350.

38. ULMSTEN U.,  JOHNSON P., REZAPOUR M., A three-year follow-up of tension free vaginal tape for surgical treatment of female stress urinary incontinence. Brit.J. Obstet. Gynaecol., 1999, 106, 345-350.

39. WANG A.C., LO T.S. Tension free vaginal tape. A minimal invasive solution to stress urinary incontinence in women. J. Reprod. Biol., 1998, 43, 429-434.

40. WEIL E.H.J., VAN VAALWIJK VAN DOORN E.S.C., HEESAKKERS J.P.F.A., MEGUID T., JANKNEGT R.A. : Transvaginal ultrasonography : A study with healthy volunteers and women with genuine stress incontinence. Eur. Urol. : 1993 ; 24 : 226-230.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung - Ngày đăng: 19-06-2012
Lạc nội mạc tử cung và vô sinh - Ngày đăng: 13-05-2012
Rối loạn chức năng sàn chậu - Ngày đăng: 21-04-2012
Tiểu không kiểm soát - Ngày đăng: 28-01-2011
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK