Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 28-11-2024 8:58am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Nguyễn Hoàng Bảo Ngân – IVF Tâm Anh
 
Vô tinh không bế tắc (non-obstructive azoospermia - NOA), dạng vô sinh nam nghiêm trọng nhất, chiếm 1% nam giới và 10% nam giới vô sinh. Dù phần lớn nguyên nhân NOA (60–70%) là vô căn, vẫn có một số nguyên nhân phổ biến như hội chứng Klinefelter (Klinefelter syndrome- KS) , vi mất đoạn nhiễm sắc thể (NST) Y, bệnh ác tính, tinh hoàn ẩn, khiếm khuyết nhiễm sắc thể và viêm tinh hoàn. Nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản, bệnh nhân NOA có thể có con của chính mình nếu phát hiện được tinh trùng trong tinh hoàn, do đó việc thu nhận được tinh trùng trở nên quan trọng.
 
Kỹ thuật vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (microdissection testicular sperm extraction - micro-TESE) giúp tìm tinh trùng trong các ống sinh tinh làm tăng tỷ lệ thu hồi tinh trùng (sperm retrieval rate - SRR) và tối thiểu tổn thương mô. Kỹ thuật này kết hợp với ICSI được áp dụng cho bệnh nhân NOA. Tuy nhiên, SRR, số lượng tinh trùng được thu hồi, và các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate - CPR) ở các cặp đôi có người chồng mắc NOA còn hạn chế. Nghiên cứu này nhằm phân tích SRR, CPR và các yếu tố ảnh hưởng khi điều trị micro-TESE kết hợp ICSI ở bệnh nhân NOA do nhiều nguyên nhân và do tuổi người vợ.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu trên 627 nam giới thực hiện micro-TESE từ tháng 11/2017 đến tháng 7/2022, đã loại trừ 33 bệnh nhân có quá trình sinh tinh bình thường ở tinh hoàn nhưng cho thấy tình trạng vô tinh. Nghiên cứu đánh giá bảy nguyên nhân gây NOA, phân tích SRR, kết quả lâm sàng, cũng như mối tương quan giữa tỷ lệ thai với chất lượng phôi và tuổi vợ của bệnh nhân.
 
Kết quả
Đặc điểm lâm sàng của nam giới NOA thực hiện micro-TESE
Các đặc điểm bao gồm tuổi, BMI, nội tiết, và thể tích tinh hoàn trái và phải không khác nhau giữa 2 nhóm bệnh nhân thu hồi tinh trùng thành công và không thành công.
SRR của micro-TESE ở bệnh nhân NOA do nhiều nguyên nhân
Tổng SRR của micro-TESE là 39,4% (247/627). Ngoài ra, dữ liệu có sự khác biệt về SRR giữa các nguyên nhân, bao gồm 56,5% vi mất đoạn AZFc của NST Y (26/46), 42,4% KS (36/85), 27,6% vô căn (110/398), 69,0% tinh hoàn ẩn (20/29), 53,9% bất thường nhiễm sắc thể (7/13), 90,0% viêm tinh hoàn (45/50) và 50,0% ung thư (3/6).
SRR của vi mất đoạn AZFc, vô căn, tinh hoàn ẩn, và viêm tinh hoàn có khác biệt mang ý nghĩa thống kê, cụ thể là (p = 0,029; p = 0,0001; p = 0,003; p < 0,0001),
Bệnh lý mô học và SRR
353 bệnh nhân có SRR khác nhau giữa các mô bệnh học, cụ thể là 27,1% ngừng tinh nguyên bào (26/96), 42,9% ngừng trưởng thành tinh trùng (76/177) và 37,5% hội chứng chỉ có tế bào Sertoli (sertoli cell-only syndrome – SCOS) (30/80).
 
Trong nhóm lấy tinh trùng thành công, tình trạng ngừng trưởng thành chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là SCOS, và ngừng tinh nguyên bào thấp nhất, lần lượt là (76/132, 57,6%), (30/132, 22,7%), và (26/132, 19,7%). Tương tự, trong nhóm lấy tinh trùng không thành công, ngừng trưởng thành vẫn phổ biến nhất, tiếp theo là ngừng tinh nguyên bào, và SCOS thấp nhất, cụ thể là (101/221, 45,7%) (70/221, 31,7%), và (50/221, 22,6%).
Mối tương quan giữa tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ phôi chất lượng tốt
Nghiên cứu cho thấy CPR là 77,1% (172/223) và tỷ lệ trẻ sinh sống là 44,2% (76/172) trong các chu kỳ ICSI và chuyển phôi của các cặp vợ chồng lấy tinh trùng thành công. Không tìm thấy sự khác biệt về CPR giữa các nguyên nhân NOA.
Về kết quả ICSI, nghiên cứu cho thấy không có khác biệt về tỷ lệ thụ tinh hoặc tỷ lệ phôi phân chia giữa những phụ nữ có thai và không có thai (87,2 ± 1,2 so với 83,8 ± 2,8; 97,9 ± 0,4 so với 95,6 ± 1,3). Tuy nhiên, tỷ lệ phôi chất lượng tốt cao hơn ở nhóm có thai so với nhóm không có thai (54,7 ± 2,2% so với 40,9 ± 4,6%; P=0,008). Ngoài ra, không có sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi phân chia hoặc tỷ lệ phôi chất lượng tốt giữa các nguyên nhân NOA.
Mối tương quan giữa tỷ lệ thai lâm sàng và tuổi vợ
Độ tuổi của những phụ nữ mang thai thành công thấp hơn so với mang thai không thành công (28,99 ± 0,34 tuổi so với 30,92 ± 0,61 tuổi). Các thông số khác như BMI, nội tiết tương tự giữa các nhóm. Bên cạnh đó, khi tuổi vợ và bất thường NST tăng, tỷ lệ thai lâm sàng giảm (P=0,043 và P=0,029).
 
Bàn luận
Tổng SRR, SRR ở bệnh nhân viêm tinh hoàn, tỷ lệ thụ tinh và tổng CPR trong nghiên cứu này tương đương với dữ liệu trước đây. Kết quả cho thấy nguyên nhân NOA không ảnh hưởng đến CPR khi thu tinh trùng thành công, cho thấy khả năng có con tương tự giữa các bệnh nhân. Mặc dù bất thường nhiễm sắc thể có thể dự đoán thai kỳ lâm sàng, cần thêm nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn. CPR phụ thuộc vào tỷ lệ phôi chất lượng tốt và giảm khi tuổi mẹ tăng, có thể liên quan đến khả năng tiếp nhận và độ dày nội mạc tử cung. Đặc biết, đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo CPR giảm theo tuổi vợ của bệnh nhân NOA sau micro-TESE và ICSI.
 
Kết luận
SRR từ micro-TESE ở bệnh nhân NOA phụ thuộc vào nguyên nhân, cao nhất ở viêm tinh hoàn, thấp nhất ở vô căn, nhưng nguyên nhân NOA không ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng. Hơn thế nữa, tỷ lệ thai có xu hướng giảm khi tuổi vợ tăng. Do đó, nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các khuyến nghị dành cho bệnh nhân và cung cấp hướng dẫn phù hợp cho công việc lâm sàng.
 
Nguồn: Liu, G., Huang, Z., Zhu, W., Zhang, H., Fan, L., & Huang, C. (2024). Successful Sperm Retrieval and Clinical Pregnancies Following Micro-TESE and ICSI Treatments in Patients with Nonobstructive Azoospermia Due to Various Etiologies. Cells, 13(18), 1582. https://doi.org/10.3390/cells13181582

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK