Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 19-11-2024 4:50pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Hồ Khánh Duyên
Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột
 
Nuôi cấy phôi là giai đoạn rất quan trọng trong công nghệ hỗ trợ sinh sản, trong đó noãn và phôi được nuôi cấy ngoài cơ thể trong thời gian dài. Cần phải theo dõi chính xác, tạo ra các điều kiện phù hợp nhất để nuôi cấy phôi nhằm cải thiện sự phát triển của phôi và tỷ lệ thành công của IVF. Thông thường, hệ thống nuôi cấy phôi bao gồm nhiều yếu tố, được phân thành ba nhóm: môi trường nuôi cấy, loại hệ thống nuôi cấy và trang thiết bị nuôi cấy, tất cả đều có tác động qua lại. Hệ thống nuôi cấy được thiết lập để duy trì nồng độ CO2 ổn định nhằm có độ pH tối ưu của môi trường nuôi cấy và một trong những chức năng chính của thiết bị nuôi cấy là cung cấp môi trường nhiệt độ tối ưu trong thành phần khí là 5% O2, 6% CO2 và 89% N2. Các phòng thí nghiệm hỗ trợ sinh sản luôn hướng đến mục tiêu mô phỏng chặt chẽ các điều kiện môi trường trong cơ thể sống. Kể từ khi bắt đầu IVF, nuôi cấy phôi đã được thực hiện ở 37,0°C; tuy nhiên, nhiệt độ tối ưu cho nuôi cấy phôi người vẫn là chủ đề gây tranh cãi, không có hướng dẫn nhiệt độ nào được xác định do ESHRE hoặc ASRM (Ủy ban Thực hành của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ) và Hiệp hội Các nhà Sinh học và Công nghệ Sinh sản (SRBT) cung cấp. Những thay đổi trong các loại tủ cấy đã dẫn đến những cải tiến đáng kể trong kiểm soát nhiệt độ. Kiểm soát nhiệt độ ổn định, tức là với chênh lệch nhiệt độ tối đa 0,1°C giữa các hộc cấy. Một nghiên cứu thí điểm tiến cứu trước đây cho thấy sự phát triển phôi vào ngày 5/6 không bị ảnh hưởng khi phôi được nuôi cấy ở nhiệt độ ổn định 36,6°C hoặc 37,1°C, nhưng nuôi cấy ở 37,1°C dẫn đến tỷ lệ mang thai lâm sàng (clinical pregnancy rate - CPR) tăng khi so sánh với nuôi cấy ở 36,6°C (74,2% so với 46,4%) sau chuyển đơn phôi (single embryo transfer - SET). Vậy có sự khác biệt về tỷ lệ mang thai lâm sàng (CPR) ở bệnh nhân tiên lượng tốt sau khi chuyển phôi đơn (SET) vào ngày thứ 5, trong trường hợp nuôi cấy ổn định ở 36,6°C hoặc 37,1°C không?
 
Một nghiên cứu tiến cứu ngẫu nhiên có đối chứng đã được thực hiện tại một trung tâm sinh sản trong khoảng thời gian từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2022. Tổng cộng có 304 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia nghiên cứu; trong đó có 181 bệnh nhân được SET vào ngày 5, có 90 bệnh nhân được nuôi cấy phôi ở 36,6°C và 91 bệnh nhân được nuôi cấy phôi ở 37,1°C. Tuổi bệnh nhân trung bình lần lượt là 32,4 ± 3,5 so với 32,5 ± 4,2 tuổi. Không có sự khác biệt nào được quan sát thấy trong kết quả phôi học trên mỗi chu kỳ nuôi cấy ở 36,6°C so với 37,1°C, trung bình cụm COC (cumulus– oocyte complexe) chọc hút ở hai nhóm lần lượt là 12,0 ± 3,8 so với 12,1 ± 3,8 (P = 0,88),  số noãn MII lần lượt 10,0 ± 3,1 và 9,9 ± 2,9 (P = 0,68), với tỷ lệ trưởng thành là 84,2% (901/1083) so với 83,5% (898/1104) (P = 0,87); số noãn thụ tinh bình thường lần lượt giữa 2 nhóm là 8,0 ± 3,1 so với 7,9 ± 2,7, tỷ lệ thụ tinh lần lượt là 79,7% (720/901) và 80,5% (718/898) (P = 0,96). Số phôi nang được trữ đông trung bình là 1,5 ± 1,7 so với 1,4 ± 1,9 (P = 0,25) và 1,1 ± 1,1 so với 0,9 ± 1,0 (P = 0,45) lần lượt ở 2 nhóm vào Ngày 5 và Ngày 6. Sau khi chuyển đơn phôi tươi cho 181 bệnh nhân thì tỷ lệ mang thai sinh hóa lần lượt là 72,2% (65/90) so với 62,7% (57/91) (P = 0,17). Tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi chu kỳ chuyển mới là 51,1% (46/90) so với 48,4% (44/91) [OR (95% KTC 1,11 (0,59–2,08), P = 0,710]. Tỷ lệ sinh sống tích lũy lần lượt là 73,3% (66/90) so với 67,0% (61/91) (P = 0,354), đối với nuôi cấy ở 36,6°C so với 37,1°C.
 
Tóm lại, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng nhiệt độ nuôi cấy trong khoảng từ 36,6°C đến 37,1°C không ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển phôi và kết quả lâm sàng. Phôi có xu hướng chịu đựng những thay đổi nhỏ về độ lệch nhiệt độ trong quá trình nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang, như được chứng minh bằng tiềm năng làm tổ tương tự của chúng ở hai điều kiện nhiệt độ khác nhau. Những kết quả này cho thấy tính linh hoạt cao hơn trong việc xác nhận nhiệt độ tủ nuôi cấy, cho phép biên độ nhiệt rộng hơn một chút và chấp nhận các độ lệch nhỏ của thiết bị.
 
Nguồn: Koen Wouters, Ileana Mateizel, Ingrid Segers, Hilde Van de Velde, Lisbet Van Landuyt, Anick De Vos, Celine Schoemans, Danijel Jankovic, Christophe Blockeel, Panagiotis Drakopoulos, Herman Tournaye, Neelke De Munck, Clinical pregnancy rates after blastocyst culture at a stable temperature of 36.6°C versus 37.1°C: a prospective randomized controlled trial, Human Reproduction, Volume 39, Issue 10, October 2024, Pages 2233–2239, https://doi.org/10.1093/humrep/deae193

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK