Tin chuyên ngành
on Tuesday 09-12-2014 2:14pm
Danh mục: Phụ khoa
BS. Bùi Quang Trung
Dự phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh lý do HPV gây ra hiện nay đang nhận được nhiều quan tâm. Các loại vaccine HPV tứ giá (HPV4, Gardasil) và vaccine HPV nhị giá (HPV2, Cervarix) từ khi ra đời cho đến nay đã được mở rộng phạm vi sử dụng. Không chỉ giúp bảo vệ cho phụ nữ khỏi ung thư cổ tử cung, mà còn giúp bảo vệ các bệnh lý khác do HPV gây ra. Đối tượng tiêm ngừa cũng được mở rộng sang cả nam giới. Vaccine HPV hiện đang được coi như là một công cụ hữu ích trong việc bảo vệ cho các thế hệ tương lai tránh khỏi các bệnh lý do HPV gây ra. Sau các khuyến cáo được tổng hợp trong năm 2012 (đã được giới thiệu trên Hosrem), gần đây, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã cập nhật và đưa ra bản khuyến cáo mới nhất hiện nay về việc sử dụng HPV. Bài viết này nhằm mục đích tóm tắt những khuyến cáo chính này.
1. Tiêm ngừa thường quy cho lứa tuổi 11 hay 12
ACIP khuyến cáo tiêm ngừa thường quy một trong 2 loại vaccine HPV4 hoặc HPV2 cho trẻ em gái bắt đầu từ lứa tuổi 11 hay 12. Đối với các bé trai, khuyến cáo tiêm ngừa thường quy vaccine HPV4 trong cùng lứa tuổi như trẻ em gái.
Ngoài ra, ACIP còn khuyến cáo có thể bắt đầu tiêm ngừa cho cả 2 giới từ lúc 9 tuổi.
Dù gần đây có nhiều nghiên cứu về việc giảm liều hay giãn khoảng cách giữa các liều, tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất này liệu trình của cả 2 loại vaccine HPV4 và HPV2 phải gồm đầy đủ 3 liều. Khoảng cách giữa các liều cũng không thay đổi. Thời gian tiêm mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 1 - 2 tháng, mũi thứ ba cách mũi đầu tiên 6 tháng.
2. Tiêm ngừa bổ sung
Đối với những đối tượng sau 12 tuổi chưa được tiêm ngừa hay chưa được tiêm ngừa đầy đủ 3 liều theo khuyến cáo ở trên, ACIP khuyến cáo như sau:
- Nữ giới: Tiêm ngừa khuyến cáo cho phụ nữ từ 13 – 26 tuổi. Gồm 3 liệu với liệu trình như khuyến cáo thường quy.
- Nam giới: Khuyến cáo cho lứa tuổi 13 – 21. Nhưng cũng có thể tiêm ngừa cho nam giới từ 22 -26 tuổi.
- Với cả 2 giới, nếu chưa hoàn thành liệu trình tiêm ngừa thì vẫn tiếp tục tiêm đủ liệu trình dù đã bước sang tuổi 27.
Với các lứa tuổi này, có khả năng cao phơi nhiễm với HPV, tuy nhiên việc đánh giá trước tiêm ngừa (gồm Pap’s, HPV DNA, HPV nguy cơ cao hay xét nghiệm kháng thể HPV) không được khuyến cáo.
3. Khuyến cáo về sử dụng thuốc đúng cách
Cả 2 loại vaccine nên được lắc đều trước khi tiêm. Kiểm tra liều lượng thuốc trước khi tiêm (cả 2 loại đều 0,5 ml). Sử dụng đường tiêm bắp, phù hợp nhất là tiêm ở cơ Delta.
4. Khuyến cáo về khoảng cách tối thiểu và trường hợp tiêm ngừa bị gián đoạn
Khoảng cách tối thiểu để tiêm mũi thứ hai sau mũi đầu tiên (với cả 2 loại vaccine) ít nhất là 4 tuần. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi thứ hai và thứ ba ít nhất là 12 tuần. Khoảng cách tối thiểu giữa mũi đầu tiên và mũi thứ ba là 24 tuần.
Không khuyến cáo bắt đầu lại liệu trình khi liệu trình tiêm ngừa bị gián đoạn. Nếu bị gián đoạn sau mũi đầu tiên, nên tiếp tục tiêm mũi thứ hai sớm nhất có thể và sau đó tiêm mũi thứ ba. Và khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi thứ hai và thứ ba nên ít nhất là 12 tuần. Tuy nhiên, khuyến cáo tiêm lặp lại nếu thuốc tiêm không đủ liều lượng hoặc khi khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ngắn hơn khoảng cách được khuyến cáo.
5. Khuyến cáo khi sử dụng đồng thời với các loại vaccine khác
Trong trường hợp vaccine HPV được hẹn tiêm cùng thời điểm với các loại vaccine khác, khuyến cáo vẫn có thể tiêm cùng thời điểm. Tuy nhiên, phải tiêm bằng các ống tiêm riêng biệt và ở các vị trí khác nhau.
6. Khuyến cáo về trường hợp sử dụng 2 loại vaccine HPV khác nhau trong cùng liệu trình tiêm ngừa
ACIP khuyến cáo, nếu được thì nên hoàn thành đầy đủ liệu trình với mỗi loại vaccine HPV4 hoặc HPV2 riêng biệt. Tuy nhiên, trong các trường hợp chủ quan hoặc khách quan không có đầy đủ cùng một loại vaccine cho cả liệu trình thì có thể sử dụng loại vaccine kia để tiếp tục và hoàn thành đủ liệu trình tiêm ngừa cho nữ giới để phòng chống HPV16 và HPV18. Riêng đối với nam giới, chỉ được cấp phép cho sử dụng vaccine HPV4.
7. Khuyến cáo dành cho các nhóm đối tượng đặc biệt
7.1. Đối tượng phơi nhiễm HPV
Các loại vaccine HPV giúp bảo vệ đối tượng được tiêm ngừa chống lại việc nhiễm các type HPV mà họ chưa bị nhiễm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của CDC việc tiêm ngừa vấn được khuyến cáo theo nhóm tuổi đối với nữ giới có xét nghiệm Pap’s bất thường, và đối với cả nam giới và nữ giới đã biết nhiễm HPV, bị mụn cóc sinh dục, hay các tổn thương khác liên quan đến HPV. Cần phải lưu ý là tiêm ngừa vaccine không làm thuyên giảm các tình trạng đang mắc phải trên.
7.2. Suy giảm miễn dịch
Theo một vài nghiên cứu, các đối tượng bị suy giảm miễn dịch (cấy ghép tạng, nhiễm HIV,…) có đáp ứng miễn dịch thấp hơn khi tiêm ngừa vaccine HPV, so với các đối tượng khỏe mạnh. Trong khi một số nghiên cứu khác lại cho thấy không có sự khác biệt. Dù chưa có kết luận rõ ràng về hiệu quả của vaccine, tuy nhiên, ACIP khuyến cáo vẫn tiêm ngừa thường quy và bổ sung theo lứa tuổi tương tự ở nhóm đối tượng không bị suy giảm miễn dịch.
7.3. Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới
Nhóm đối tượng này có nguy cơ cao bị nhiễm HPV và các bệnh lý do HPV gây ra, bao gồm mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn. Do đó, ACIP khuyến cáo tiêm ngừa vaccine HPV4 thường quy cho tất cả nam giới và có thể kéo dài đến 26 tuổi nếu chưa được tiêm ngừa hoặc chưa tiêm ngừa đầy đủ 3 liều.
7.4. Phụ nữ cho con bú
ACIP khuyến cáo phụ nữ cho con bú có thể tiêm ngừa được vaccine HPV. Tuy nhiên, đây là khuyến cáo dựa trên dữ liệu nghiên cứu về vaccine HPV4. Hiện tại thông tin về việc sử dụng vaccine HPV2 trong thời gian cho con bú vẫn còn thiếu.
7.5. Bị cưỡng bức hay lạm dụng tình dục
Trẻ em hay trẻ vị thành niên bị cưỡng bức hay bị lạm dụng tình dục có nguy cơ cao bị nhiễm HPV và các bệnh lý liên quan đến HPV. Mặc dù vaccine HPV không có tác động nào đến việc giúp thải trừ virus hay giúp ngăn ngừa diễn tiến bệnh lý của các type HPV đã mắc phải, tuy nhiên vaccine giúp ngăn ngừa nhiễm các type HPV chưa bị nhiễm. Do đó, ACIP khuyến cáo tiêm ngừa vaccine HPV cho tất cả trẻ em hay trẻ vị thành niên bị cưỡng bức hay bị lạm dụng tình dục mà chưa được tiêm ngừa hay tiêm ngừa chưa đủ 3 liều. Tiêm ngừa nên bắt đầu từ lúc 9 tuổi cho cả 2 giới theo từng lứa tuổi giống như các khuyến cáo ở trên.
8. Thận trọng và chống chỉ định
Quá mẫn hay dị ứng với các thành phần của vaccine
Vaccine HPV được chống chỉ định dùng cho những người quá mẫn hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. Thường gặp là các trường hợp quá mẫn với nấm men bánh mì là môi trường sản xuất vaccine HPV4 và cao su ở đầu ống tiêm đóng sẵn của vaccine HPV2.
Đang bị bệnh lý cấp tính
Theo khuyến cáo của ACIP, vaccine HPV vẫn có thể được sử dụng cho các đối tượng đang có các vấn đề sức khỏe nhẹ (ví dụ như tiêu chảy, viêm đường hô hấp trên có số hoặc không kèm sốt). Tuy nhiên, với các vấn đề sức khỏe trung bình và nặng thì nên đợi cho đến khi các tình trạng này được cải thiện.
Ngăn ngừa ngất sau tiêm ngừa
Ngất có thể xảy ra sau tiêm ngừa vaccine HPV, đây là một trong những biến chứng thường được báo cáo nhất, hầu hết là ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Tuy tỷ lệ xảy ra không nhiều, nhưng khuyến cáo của ACIP nên theo dõi tại chỗ (ngồi hay nằm) sau tiêm khoảng 15 phút.
Sử dụng vaccine trong thai kỳ
Vaccine HPV không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ. Các số liệu có được hiện tại cho thấy không có mỗi liên quan giữa vaccine HPV và các kết cục xấu của thai kỳ hay ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu phát hiện mang thai sau khi đã bắt đầu liệu trình tiêm ngừa vaccine thì nên trì hoãn các mũi tiêm tiếp theo cho đến sau sinh. Tuy vậy, cũng không cần thiết phải thử thai trước khi tiêm vaccine. Một mũi vaccine được tiêm trong thai kỳ không cần thiết phải có bất cứ sự can thiệp quá đáng nào (ví dụ bỏ thai).
Tài liệu tham khảo
CDC. Human Papillomavirus Vaccination: Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP) Recommendations and Reports - August 29, 2014 / 63(RR05);1-30
Từ khóa: Vaccine HPV, CDC
Các tin khác cùng chuyên mục:
Nghiên cứu mới về nhiễm HPV và các biến chứng trong thai kỳ - Ngày đăng: 09-11-2014
Những điểm mới trong hướng dẫn sàn lọc ung thư cổ tử cung hiện nay - Ngày đăng: 22-10-2014
Những dấu ấn sinh học đánh giá khối u phần phụ. - Ngày đăng: 13-10-2014
Thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng - Ngày đăng: 06-06-2014
Vaccine HPV: vai trò và các khuyến cáo hiện nay - Ngày đăng: 25-04-2014
Tắc động mạch tử cung chọn lọc trong điều trị u xơ tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn có con: hiệu quả hay chống chỉ định? - Ngày đăng: 09-04-2014
Tiếp cận và xử trí thai không rõ vị trí - Ngày đăng: 07-03-2014
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung - Kiến thức cập nhật - Ngày đăng: 10-02-2014
Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phương pháp VIA ở phụ nữ 25-55 tuổi đến khám tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Thành phố Cần Thơ năm 2012 - Ngày đăng: 10-01-2014
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung - Kiến thức cập nhật - Ngày đăng: 27-12-2013
Thai đoạn kẽ - Ngày đăng: 16-10-2013
Cập nhật về lạc nội mạc tử cung qua các bài báo hay nhất trong những năm qua - Ngày đăng: 30-09-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Năm 2020
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK