Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 06-06-2014 7:21am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Phụ khoa

endometrioma-ultrasound

 

Nguyễn Thị Thu Hà

 

 

Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một bệnh lý phụ khoa thường gặp, chiếm khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chiếm đến 50% ở những phụ nữ hiếm muộn (Crosignani và cs., 2006; The American College of obstetricians and gynecologists, 2010; Celik và cs., 2012; Nguyễn Thị Ngọc Phượng, 2013). Nang LNMTC ở buồng trứng là hình thái LNMTC thường gặp với tỉ lệ 17-44% những bệnh nhân có LNMTC (Busacca và Vignali, 2009; Shi và cs., 2011; Sugita và cs., 2013) và chiếm khoảng 35% những trường hợp u buồng trứng lành tính (Tsolakidis và cs., 2010; Dogan và cs., 2011). Bệnh lý LNMTC đã được khuyến cáo là chỉ nên điều trị khi có triệu chứng đau hoặc hiếm muộn với mục tiêu: giảm đau, tăng khả năng có thai, giảm mức độ diễn tiến và tái phát của bệnh (Kenedy và cs., 2008; SOGC clinical practice guideline, 2010; The American College of obstetricians and gynecologists, 2010). Với nang LNMTC buồng trứng, mặc dù phương pháp điều trị hiệu quả nhất vẫn đang được bàn cãi, mổ nội soi bóc nang LNMTC đã được chấp nhận và ứng dụng rộng rãi vì đây là phương pháp có hiệu quả giảm đau tốt hơn, đem lại khả năng có thai tự nhiên cao hơn, ít tái phát hơn và nguy cơ phẫu thuật lại thấp hơn so với các phương pháp ngoại khoa khác (Vercellini và cs., 2006; Somigliana và cs., 2012; Raffi và cs., 2012; Celik và cs., 2012). Tuy nhiên, phẫu thuật này làm mất những nang trứng, từ đó ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng và khả năng sinh sản, chính vì vậy, cho đến nay giải pháp ngoại khoa trong điều trị nang LNMTC vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng có một điểm chung là trước khi đi đến quyết định, cần có sự thảo luận kỹ với bệnh nhân về nguy cơ và lợi ích khi lựa chọn phương pháp điều trị (Kenedy và cs., 2008; SOGC clinical practice guideline, 2010; The American College of obstetricians and gynecologists, 2010; Somigliana và cs., 2012; Raffi và cs., 2012).

Các phương pháp phẫu thuật nang LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG buồng trứng

-         Chọc hút nang qua siêu âm: khá đơn giản nhưng tỉ lệ tái phát cao vì vẫn còn mô LNMTC trong buồng trứng, do đó thường không được lựa chọn.

-         Phẫu thuật mở ổ bụng xử trí nang LNMTC: áp dụng trong những trường hợp khó mà phẫu thuật nội soi thất bại, vì phẫu thuật mở ổ bụng gây đau đớn cho bệnh nhân nhiều hơn, thời gian nằm viện kéo dài hơn và không hiệu quả hơn so với mổ nội soi (Busacca và Vignali, 2009).

-         Hút dịch và đốt phá hủy mô LNMTC bằng điện hay bằng laser qua nội soi: hiệu quả giảm đau kém hơn, khả năng có thai tự nhiên thấp hơn, mức độ tái phát và nguy cơ phẫu thuật lại cao hơn so với mổ nội soi bóc nang LNMTC (Vercellini và cs., 2006).

-         Phẫu thuật nội soi bóc nang LNMTC ở buồng trứng:

  • Là phương pháp ngoại khoa đang được áp dụng rộng rãi trong điều trị LNMTC ở buồng trứng, vì đây là phương pháp có hiệu quả giảm đau tốt hơn, đem lại khả năng có thai tự nhiên cao hơn, ít tái phát hơn và nguy cơ phẫu thuật lại thấp hơn so với các phương pháp ngoại khoa khác (Vercellini và cs., 2006; Somigliana và cs., 2012; Raffi và cs., 2012).
  • Mặc dù có hiệu quả hơn trong điều trị LNMTC ở buồng trứng nhưng phương pháp này làm tăng nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng sớm do một lượng mô buồng trứng lành bị mất theo nang LNMTC và do hậu quả của quá trình cầm máu (Dogan và cs., 2011; Shi và cs., 2011; Kuroda và cs., 2012).

Ảnh hưởng của phẫu thuật nội soi bóc nang LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG đến buồng trứng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng phẫu thuật nội soi bóc nang LNMTC buồng trứng ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng là do có một lượng mô buồng trứng lành bị mất đi cùng với tổ chức nang LNMTC và do hậu quả của quá trình cầm máu. Ngoài ra, ảnh hưởng của thuốc gây mê, CO2 trong quá trình phẫu thuật dù chưa được khẳng định nhưng cũng đã được đề cập đến (Busacca và Vignali, 2009; Dogan và cs., 2011; Shi và cs., 2011; Kuroda và cs., 2012).

Phẫu thuật nội soi bóc nang lạc nội mạc tử cung làm mất đi một phần mô buồng trứng lành

Erbil D và cộng sự (2011) nghiên cứu 104 bệnh nhân mổ u buồng trứng với độ tuổi 19-40 (trung bình 29,05 ± 0,5) với 127 u buồng trứng (61 u dạng LNMTC và 66 u buồng trứng khác) nhận thấy 92% những mẫu bệnh phẩm có sự xuất hiện của mô buồng trứng lành trong nhóm LNMTC (Dogan và cs., 2011).

Shi và cộng sự (2011) nghiên cứu mô bệnh học của 140 bệnh nhân mổ u buồng trứng, trong đó có 74 bệnh nhân có nang LNMTC mà không dùng liệu pháp hormone trước mổ (Group A), 40 bệnh nhân được điều trị bằng GnRHa trước mổ (Group B), và 26 bệnh nhân có u buồng trứng khác (Group C), kết quả cho thấy số lượng các nang trứng bị mất đi sau mổ ở nhóm u LNMTC (9,47 ± 7,69) cao hơn ở nhóm u buồng trứng khác (1,57 ± 0,89) một cách có nghĩa (P<0,05) (Bảng 1) (Shi và cs., 2011).

Bảng 1. Kết quả nghiên cứu của Shi và cộng sự (2011)

New1

Masako và cộng sự (2012) nghiên cứu mô bệnh học của 61 bệnh nhân mổ u LNMTC và 42 bệnh nhân mổ u buồng trứng khác cho thấy: tỉ lệ những mẫu bệnh phẩm có mô buồng trứng bình thường ở nhóm u LNMTC cao hơn có ý nghĩa thống kê so với tỉ lệ này ở nhóm u buồng trứng khác (85,2% so với 26,2%) (Bảng 2) (Kuroda và cs., 2012). Điều này được giải thích là do cơ chế hình thành nang LNMTC. Mặc dù còn nhiều bàn cãi nhưng cơ chế về sự trào ngược các tế bào NMTC trong chu kỳ kinh nguyệt vẫn được nói đến nhiều: các tế bào NMTC theo 2 vòi tử cung rồi xâm nhập vào bề mặt buồng trứng tạo nang LNMTC tại buồng trứng, quá trình này gây ra hiện tượng dính giữa buồng trứng và các tổ chức ở cùng đồ trong bệnh lý LNMTC và nang LNMTC như là một cái kén với thành là tổ chức lành của buồng trứng. Vì vậy khi mổ bóc nang LNMTC thấy một tỉ lệ rất cao có các nang trứng bình thường trong đó.

Bảng 2. Tỉ lệ mô buồng trứng bình thường bị lấy đi sau mổ và đặc tính hình thái của các nang noãn

New2

Liên quan giữa tuổi và mật độ nang noãn

Nghiên cứu của Masako và cộng sự (2012) chỉ ra rằng có mối liên quan giữa tuổi của người bệnh với mật độ nang noãn (Kuroda và cs., 2012). Mật độ nang noãn ở mô buồng trứng bình thường bị lấy đi sau mổ ở nhóm u LNMTC thấp hơn so với ở nhóm u buồng trứng khác ở nhóm tuổi dưới 35, điều này giải thích tại sao bệnh nhân LNMTC thường có dự trữ buồng trứng thấp hơn bình thường. Với lứa tuổi >35, không có khác biệt về mật độ nang noãn giữa 2 nhóm, do ở lứa tuổi này, mật độ nang noãn giảm đáng kể dù có u hay không.

New3

Liên quan giữa số lượng nang noãn bị mất sau mổ với liệu pháp GnRH agonist trước mổ

Nghiên cứu của Jinghua Shi và cộng sự (2011) đề cập đến liệu liệu pháp GnRH agonist (GnRHa) trước mổ có hay không làm giảm đi số lượng nang noãn bị mất sau mổ LNMTC. Kết quả cho thấy: trung bình số nang noãn bị mất đi sau mổ là 9,47± 7,69 ở nhóm LNMTC không điều trị bằng GnRHa trước mổ, có vẻ lớn hơn so với 4,42 ± 2,06 ở nhóm LNMTC được điều trị bằng liệu pháp này trước đó, tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) (Bảng 1) (Shi và cs., 2011).

Nghiên cứu của Masako Kuroda và cộng sự (2012) cũng cho kết quả: ngay cả ở nhóm có dùng GnRHa trước mổ thì vẫn có đến 86,5% số bệnh nhân có mô buồng trứng lành trong mẫu bệnh phẩm, và không khác biệt so với 77,8% ở nhóm bệnh nhân không được dùng GnRH trước đó (Bảng 3) (Kuroda và cs., 2012).

Bảng 3. Liên quan giữa một số đặc điểm của bệnh nhân với có mô buồng trứng trên thành nang LNMTC

New4

Liên quan giữa số lượng nang noãn bị mất sau mổ với một số yếu tố khác

Jinghua Shi và cộng sự (2011) cho thấy, không có sự liên quan giữa số nang noãn bị mất sau mổ nội soi bóc nang NLMTC buồng trứng với chỉ số khối của cơ thể, thời gian phẫu thuật, tổng lượng máu mất trong cuộc mổ, nhưng có sự liên quan với quãng thời gian bị bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh. Sự tương quan ngược chiều giữa quãng thời gian bị bệnh với số nang noãn trên thành u nang sau bóc được giải thích là do LNMTC là một bệnh l‎ý tiến triển, còn mức độ đau tương quan thuận chiều là do sự xâm nhiễm của LNMTC (Bảng 4) (Shi và cs., 2011).

Bảng 4. Mối liên quan giữa số nang noãn bị mất và một số yếu tố (Shi và cs., 2011)

New5


Ảnh hưởng của quá trình cầm máu trong mổ nội soi đến buồng trứng

Mauro và cộng sự (2009) đã báo cáo tổng quan hệ thống về phẫu thuật bóc nang LNMTC và dự trữ buồng trứng và chỉ ra rằng ngoài việc dự trữ buồng trứng giảm do các nang bị mất đi trong quá trình phẫu thuật thì việc đốt điện/laser cầm máu cũng ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Trong tổng quan này, có một nghiên cứu hồi cứu 47 bệnh nhân mổ nội soi bóc nang LNMTC, trong đó, 21 bệnh nhân được cầm máu bằng dao 2 cực và 26 bệnh nhân được khâu cầm máu trong quá trình phẫu thuật, so sánh dự trữ buồng trứng bằng đo nồng độ FSH và estrogen sau mổ 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng, các tác giả kết luận rằng cầm máu bằng dao 2 cực/laser có tác động làm suy giảm dự trữ buồng trứng hơn là khâu cầm máu, vì quá trình đốt cầm máu gây phá hủy tổ chức đệm buồng trứng lành, gây tổn thương hệ thống mạch máu, ảnh hưởng đến nuôi dưỡng buồng trứng, từ đó làm giảm dự trữ buồng trứng (Busacca và Vignali, 2009).

Thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang Lạc nội mạc tử cung buồng trứng

Đã có những nghiên cứu đánh giá sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang LNMTC buồng trứng bằng các test khác nhau, nhưng hầu hết các tác giả đều lựa chọn AMH để đánh giá sự thay đổi này vì những ưu việt của nó và phần lớn các nghiên cứu đều chỉ ra rằng AMH giảm có ý nghĩa thống kê sau mổ. Thời điểm làm xét nghiệm để đánh giá sự thay đổi của AMH và liệu AMH có hồi phục một phần sau mổ hay không và khi nào hồi phục còn nhiều bàn cãi (Iwase và cs., 2010; Chang và cs., 2010; Ercan và cs., 2010; Kitajima và cs., 2011; Somigliana và cs., 2012; Raffi và cs., 2012; Celik và cs., 2012; Sugita và cs., 2013).

Các test đánh giá thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ

Các test được dùng để đánh giá dự trữ buồng trứng nói chung đều đã được dùng để nghiên cứu đánh giá sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang LNMTC buồng trứng.

Nghiên cứu của A Iwase và cộng sự (2010) so sánh sự thay đổi của FSH và AMH trước và sau mổ nội soi bóc nang LNMTC buồng trứng (Iwase và cs., 2010). Có 65 bệnh nhân (29 có nang LNMTC một hoặc hai bên, 21 có u nang buồng trứng khác và 15 có u cơ trơn tử cung) được đo FSH và AMH trước và sau mổ. Kết quả cho thấy nồng độ trung bình của AMH là 2,98 ng/mL và 3,92 ng/mL trước mổ, giảm có ý nghĩa thống kê xuống 2,24 ng/mL và 3,29 ng/mL sau mổ 1 tháng, tương ứng ở nhóm nang LNMTC và nhóm u nang buồng trứng khác, trong khi đó, nồng độ cơ bản của FSH thay đổi không có ‎ ý nghĩa trước và sau mổ. Điều này được giải thích là do giá trị lâm sàng của FSH là hạn chế vì FSH có độ biến thiên cao và có giá trị dự báo dự trữ buồng trứng muộn.

New6

H Celik và cộng sự nghiên cứu sự thay đổi của các test dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang LNMTC (Celik và cs., 2012). Có 65 bệnh nhân có nang LNMTC buồng trứng được mổ nội soi bóc nang; AMH, FSH, LH, E2 và AFC được đo trước mổ và sau mổ 6 tuần, 6 tháng. Kết quả cho thấy: AMH giảm có ‎ý nghĩa thống kê sau mổ 6 tuần và giảm đến 61% sau mổ 6 tháng, AMH cũng giảm nhiều hơn ở những bệnh nhân có LNMTC buồng trứng hai bên. Nồng độ FSH tăng lên 6 tuần sau mổ nhưng trở lại bình thường sau 6 tháng. AFC tăng lên có ý nghĩa sau mổ, tuy nhiên, AFC ít có giá trị ở những bệnh nhân có u nang buồng trứng vì thể tích khối u choán chỗ làm sai lệch kết quả khi đếm nang, chính vì vậy, AFC không được coi là phù hợp để đánh giá sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ.

Bảng 5. Giá trị trung bình của các test dự trữ buồng trứng trước và sau mổ nội soi bóc nang LNMTC (Celik và cs., 2012)

New7
Thể tích buồng trứng giảm 33% sau mổ bóc nang LNMTC cũng đã được báo cáo, tuy nhiên tác giả cũng cho rằng việc đo thể tích buồng trứng có thể bị sai số do kích thước và vị trí khối u trước mổ, do vậy thể tích buồng trứng cũng không phải là một test được khuyến cáo dùng để đánh giá sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ bóc nang LNMTC buồng trứng (Busacca và Vignali, 2009).

Thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng

Cho đến nay, AMH và AFC được chứng minh là những test có giá trị dự báo dự trữ buồng trứng tốt nhất nhưng AMH không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt, không bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng thuốc tránh thai, GnRHa, LNMTC hay tiền sử phẫu thuật tại buồng trứng (Marca và cs., 2010). Chính vì vậy, AMH được coi là lựa chọn ưu việt nhất để đánh giá sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ bóc nang buồng trứng.

Thay đổi của AMH sau mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng

-         Tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Francesca Raffi và cộng sự (tháng 09 năm 2012) tổng hợp từ 8 nghiên cứu cho thấy:

  • Sau mổ nội soi bóc nang LNMTC, nồng độ AMH giảm trung bình là 38% (WMD: - 1,13 ng/ml, 95% CI: -0,37 đến -1,88, p=0,0003).

 

Bảng 6. Phân tích gộp của Francesca và cộng sự đánh giá sự thay đổi AMH sau mổ
bóc nang LNMTC (Raffi và cs., 2012)
New8
  • Các kết quả khác: nồng độ AMH giảm 30% sau mổ nếu nang LNMTC buồng trứng ở một bên và giảm 44% nếu nang LNMTC ở cả hai bên buồng trứng.
  • Kết luận của phân tích gộp này: mổ nội soi bóc nang LNMTC có thể giảm dự trữ buồng trứng một cách có ý nghĩa với việc làm giảm tới 40% nồng độ AMH. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn và theo dõi dài hơn để khẳng định kết luận này, đồng thời, định lượng AMH nên được tiến hành thường qui trước và sau mổ nang LNMTC buồng trứng để đánh giá khả năng sinh sản còn lại của bệnh nhân.

-         Tổng quan hệ thống của Edgardo Somigliana và cộng sự (tháng 12/2012) tổng hợp từ 11 nghiên cứu (trong đó có 8 nghiên cứu trùng với tổng quan của Francesca Raffi và cộng sự) cho thấy:

Bảng 7. Nồng độ AMH ở các thời điểm khác khau trong nghiên cứu của Edgardo Somigliana
New9
  • Có 9 nghiên cứu chỉ ra rằng có sự giảm có ý nghĩa thống kê của AMH sau mổ, 2 nghiên cứu kết luận AMH thay đổi không có ý nghĩa thống kê.
  • Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi AMH: các nghiên cứu đều thống nhất LNMTC hai bên buồng trứng ảnh hưởng đến AMH nhiều hơn so với LNMTC một bên buồng trứng, còn các yếu tố khác như: tuổi, kích thước nang LNMTC, điều trị bằng GnRH trước mổ... chưa thống nhất trong việc ảnh hưởng đến AMH sau mổ.
  • Kết luận của tổng quan hệ thống này: phẫu thuật LNMTC buồng trứng ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng đánh giá bằng sự giảm AMH sau mổ. Tuy nhiên, cần có thêm những nghiên cứu để khẳng định kết quả này, đặc biệt là những nghiên cứu tìm ra những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự thay đổi dự trữ buồng trứng vì những thông tin này sẽ rất quan trọng để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến dự trữ và giúp tư vấn bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Thời điểm xét nghiệm AMH sau mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng

Bảng 8. Nồng độ AMH ở các thời điểm khác khau trong nghiên cứu của Francesca Raffi

New10
Phần lớn các nghiên cứu đều đánh giá nồng độ AMH trước mổ, sau mổ 1 tháng hay sau mổ 3 tháng (Bảng 7, 8). Lý do của sự chọn lựa thời điểm này là để đánh giá tác động đến dự trữ buồng trứng ngay sau mổ hay khi buồng trứng đã ổn định (3 tháng là chu kỳ của một nang trứng từ nang nguyên thủy đến nang trưởng thành và chín muồi).

Một số nghiên cứu đo nồng độ AMH ở các thời điểm 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm sau mổ hay đo AMH ở nhiều thời điểm khác nhau sau mổ nhằm tìm hiểu xem liệu AMH diễn biến như thế nào hay AMH có hồi phục không sau mổ.

Dự trữ buồng trứng có hồi phục không sau mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng

Chang và cộng sự (2010) nghiên cứu sự thay đổi của AMH ở 20 bệnh nhân mổ nội soi bóc nang LNMTC (Chang và cs., 2010). Kết quả cho thấy nồng độ trung bình của AMH là 2,23 ng/mL trước mổ, giảm xuống 0,67 ng/mL sau mổ 1 tuần, sau đó tăng lên 1,14 ng/mL sau mổ 1 tháng và đạt 1,5 ng/mL sau mổ 3 tháng, AMH có thể hồi phục và đạt 65% so với trước mổ. Như vậy, AMH bị giảm sau mổ nhưng có thể hồi phục sau 3 tháng.

New11

Sugita và cộng sự (2013) theo dõi sự thay đổi AMH của 39 bệnh nhân sau mổ bóc nang LNMTC 1 tháng và 1 năm (Sugita và cs., 2013). Kết quả cho thấy nồng độ AMH trung bình là 3,56 ng/mL, 1,90 ng/mL và 2,1ng/mL tương ứng trước mổ, sau mổ 1 tháng và sau mổ 1 năm. Mặc dù không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa AMH sau mổ 1 tháng và 1 năm, nhưng các tác giả nhận thấy có 20 bệnh nhân có nồng độ AMH sau mổ 1 năm cao hơn sau mổ 1 tháng (nhóm tăng) và 19 bệnh nhân có nồng độ AMH giảm đi (nhóm giảm), phân tích mô bệnh học các tác giả tìm thấy sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về số lượng các nang noãn bị lấy đi sau mổ giữa 2 nhóm này và đi đến kết luận nồng độ AMH giảm đi sau mổ bóc nang LNMTC có thể hồi phục và việc mất đi vỏ buồng trứng có thể liên quan đến cơ chế hồi phục của dự trữ buồng trứng.

Các giả thuyết giải thích cho sự hồi phục của AMH sau mổ:

-         Sau mổ, các mạch máu của buồng trứng bị tổn thương sẽ tái lập lại để nuôi dưỡng buồng trứng, buồng trứng hồi phục lại một phần và cùng với đó là AMH tăng lên.

-         Chức năng của các tế bào hạt ở những nang noãn còn lại được kích thích, do đó, mặc dù số lượng các nang noãn giảm xuống nhưng lượng AMH được sản xuất ra có thể tăng lên.

-         Rất nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng các nang noãn có thể được hồi phục từ những “nang noãn câm lặng”, nghĩa là bình thường có những “nang noãn khỏe mạnh” hơn ở buồng trứng, các nang còn lại là “các nang dự trữ”, và sau tác động của phẫu thuật, dù mất đi một lượng nang noãn nhưng có những nang từ “câm lặng” thành “hoạt động” nên dự trữ buồng trứng được hồi phục một phần.

-         Phẫu thuật nội soi với sự đốt cháy phần nào tổ chức buồng trứng có thể kích thích sự biệt hóa thành nang noãn từ biểu mô bề mặt hay từ các tế bào tủy. Tuy nhiên, giả thuyết này còn nhiều bàn cãi.

KẾT LUẬN

Mặc dù mổ nội soi bóc nang LNMTC buồng trứng được coi là tiêu chuẩn vàng trong phẫu thuật nang LNMTC buồng trứng, tuy nhiên, phẫu thuật này làm ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng và khả năng sinh sản. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng AMH là test ưu việt nhất để đánh giá sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang LNMTC buồng trứng nhưng câu hỏi đặt ra là AMH thay đổi như thế nào và thời điểm nào là cần thiết để đánh giá sự thay đổi? AMH có hồi phục sau mổ không và sau bao lâu thì hồi phục vẫn chưa được hiểu rõ. Do đó, cần có thêm những nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu tìm ra những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự thay đổi dự trữ buồng trứng sau mổ nội soi bóc nang LNMTC, vì những thông tin này sẽ rất quan trọng để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng và để giúp tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất, nhằm duy trì chức năng sinh sản cho người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Busacca Mauro, Vignali Michele (2009). Endometrioma Excision and Ovarian Reserve: A Dangerous relation. Journal of Minimally Invasive Gynecology; 16,142-148.

2. Celik Hale Goksever, Dogan Erbil, Okyay Emre, Ulukus Cagnur, Saatli Bahadir, Uysal Sezer (2012). Effect of laparoscopic excision ofendometriomas on ovarian reserve: serial changes in the serum Anti-Müllerian hormone levels. Fertil Steril; 97:1472-1478.

3. Chang Hye Jin, Han Sang Hoon, Lee Jung Ryeol, Jee Byung Chul, Lee Byoung Ick (2010). Impact of laparoscopic cystectomy on ovarian reserve: serial changes of serum anti-Mullerian hormone levels. Fertil Steril;94:343-349.

4. Crosignani P, Olive D, Bergqvist A, Luciano A (2006). Advances in the management of endometriosis: an update for clinicians. Hum Reprod Update; 12:179-189.

5. Dimitrios Tsolakidis, George Pados, Dimitrios Vavilis, Dimitrios Athanatos, Tryfon Tsalikis (2010). The impact on ovarian reserve after laparoscopic ovarian cystectomy versus three-stage management in patients with endometriomas: a prospective randomized study. Fertil Steril; 94:71-77.

6. Dogan Erbil, Ulukus Emine Cagnur, Okyay Emre, Ertugrul Caglan, Saygili Ugur, Koyuncuoglu Meral (2011). Retrospective analysis of follicle loss after laparoscopic excision of endometrioma compared with benign nonendometriotic ovarian cysts. International Journal of Gynecology and Obstetrics; 114,124-127.

7. Ercan C, Sakinci M, Duru N (2010). Anti-Müllerian hormone levels after laparoscopic endometriom stripping surgery. Gynecological Endocrinology; 26(6):468-472.

8. Hwu Yuh-Ming, Wul Frank Shao-Ying, Li Sheng-Hsiang, Sun Fang-Ju, Lin Ming-Huei and Lee Robert Kuo-Kuang (2011). The impact of endometrioma and laparoscopic cystectomy on serum anti-Müllerian hormone levels. Reproductive Biology and Endocrinology; 9:80.

9. Iwase Akira, Hirokawa Wakana, Goto Maki, Takikawa Sachiko, Nagatomo Yoshinari (2010). Serum Anti-Müllerian hormone level is a useful marker for evaluating the impact of laparoscopic cystectomy on ovarian reserve. Fertil Steril; 94:2846-2849.

10. Kennedy Stephen, Bergqvist Agneta, Chapron Charles, D’Hooghe Thomas  et al. (2008). ESHRE guideline for the diagnosis and treatment of endometriosis. Human Reproduction; Vol.20, No.10,2698-2704.

11. Kitajima Michio, Khan Khaleque Newaz, Hiraki Koichi, Inoue Tsuneo, Fujishita Akira, Masuzaki Hideaki (2011). Changes in serum Anti-Müllerian hormone levels may predict damage to residual normal ovarian tissue after laparoscopic surgery for women with ovarian endometrioma. Fertil Steril; 95:2589-2591.

12. Kuroda Masako, Kuroda Keiji, Arakawa Atsushi, Fukumura Yuki (2012). Histological assessment of impact of ovarian endometrioma and laparoscopic cystectomy on ovarian reserve. J Obstet Gynaecol Res; Vol.38, No.9:1187-1193.

13. La Marca A, Sighinolfi G, Radi D, Argento1C, Baraldi E, Carducci Artenisio A, Stabile G, and Volpe A (2010). Anti-Müllerian hormone (AMH) as a predictive marker in assisted reproductive technology (ART), Human Reproduction Update; Vol.16, No.2,113-130.

14. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (2013). Nội tiết sinh sản. Nhà xuất bản Y học; 97-107,159-171.

15. Raffi Francesca, Metwally Mostafa and Amer Saad (2012). The Impact of Excision of Ovarian Endometrioma on Ovarian Reserve: A Systematic Review and Meta-Analysis. J Clin Endocrinol Metab; 97:3146-3154.

16. Shi Jinghua, Leng Jinhua, Cui Quancai, Lang Jinghe (2011). Follicle loss after laparoscopic treatment of ovarian endometriotic cysts. International Journal of Gynecology and Obstetrics; 115,277-281.

17. SOGC clinical practice guideline (2010). Endometriosis: Diagnosis and Management. Journal of Obstetrics and Gynaecology Canada; No.224.

18. Somigliana Edgardo, Berlanda Nicola, Benaglia Laura, Vigan Paola, Vercellini Paolo (2012). Surgical excision of endometriomas and ovarian reserve: a systematic review on serum antimullerian hormone level modifications. Fertil Steril; 98:1531-1538.

19. Sugita Atsuko, Iwase Akira, Goto Maki, Nakahara Tatsuo, Nakamura Tomoko (2013). One-year follow-up of serum anti-mullerian hormone levels in patients with cystectomy: are different sequential changes due to different mechanisms causing damage to the ovarian reserve? Fertil Steril.

20. The American College of obstetricians and gynecologists (2010). Manegement of Endometriosis. Practice Bulletin; No.114.

21. Vercellini P, Fedele L, Aimi G, De Giogi O, Consonni D (2006). Reproductive performance, pain recurrence and disease relapse after conservative surgical treatment for endometriosis: the predictive value of the current classification system. Hum Reprod; 21:2679-2685.
Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thai đoạn kẽ - Ngày đăng: 16-10-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK