Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 26-11-2024 2:07am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trần Tiến Ninh, Ths. Lê Thị Bích Phượng – Olea Fertility Nha Trang - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang
 
Giới thiệu
Lợi khuẩn là các vi sinh vật sống thường trú trong hệ tiêu hóa của con người và mang lại nhiều lợi ích. Lợi khuẩn có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả trong công nghệ hỗ trợ sinh sản. Lactobacillus là một nhóm lợi khuẩn và là hệ vi sinh vật đặc trưng cư trú trong âm đạo và nội mạc tử cung của phụ nữ. Lactobacillus có thể tạo ra hydro peroxide, bacteriocin và acid lactic để ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.
 
Lactobacillus có lợi cho việc làm tổ của phôi do khả năng ức chế sự phát triển của mầm bệnh. Ở những phụ nữ tiếp nhận điều trị hỗ trợ sinh sản, việc Lactobacillus chiếm ưu thế trong tử cung có thể giúp tăng tỉ lệ thai. Một nghiên cứu gần đây đã sử dụng các kỹ thuật giải trình tự gen để khám phá hệ vi sinh vật cư trú trong nội mạc tử cung. Kết quả phân tích chia các đối tượng nghiên cứu thành 2 nhóm, bao gồm: Lactobacillus chiếm ưu thế và Lactobacillus không chiếm ưu thế. Trong đó, nhóm phụ nữ với Lactobacillus không chiếm ưu thế có kết cục sinh sản bất lợi đáng kể. Một nghiên cứu hồi cứu trên 2285 phụ nữ thực hiện chu kỳ IVF đầu tiên cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn và tỉ lệ sinh non cao hơn ở nhóm Lactobacillus không chiếm ưu thế. Có giả thuyết cho rằng sự chiếm ưu thế của một số chủng vi khuẩn liên quan đến tỉ lệ thai cao. Fernandez và cộng sự đã báo cáo tỉ lệ thai tổng thể là 56% ở phụ nữ suy giảm sinh sản sau 6 tháng điều trị với Ligilactobacillus salivarius CECT571314. Tuy nhiên, việc thiếu nhóm đối chứng làm cho nghiên cứu này ít có ý nghĩa. Tác động của việc bổ sung lợi khuẩn cho âm đạo hoặc nội mạc tử cung để ức chế mầm bệnh là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới. Do đó, việc bổ sung Lactobacillus để khôi phục hệ vi sinh vật bình thường, tăng tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai, và giảm tỉ lệ sẩy thai vẫn đang được nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, Thanaboonyawat và cộng sự (2023) đã thực hiện so sánh kết cục thai kỳ giữa nhóm phụ nữ bổ sung lợi khuẩn qua đường âm đạo với nhóm chứng trước khi chuyển phôi trong chu kỳ chuyển phôi trữ để đánh giá rõ hơn về vai trò của việc bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus cho bệnh nhân thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Phương pháp
Nghiên cứu ngẫu nhiên đối chứng thực hiện từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2021 ở những phụ nữ vô sinh trong độ tuổi 18-39 thực hiện chuyển phôi trữ. Tiêu chuẩn loại bao gồm thất bại làm tổ liên tiếp sau ba lần chuyển phôi chất lượng tốt, độ dày nội mạc tử cung <7 mm hoặc dị ứng với thuốc Gynoflor (Medinova AG, Zurich, Thụy Sĩ).
 
Nhóm nghiên cứu sử dụng Gynoflor (Medinova AG, Zurich, Thụy Sĩ) chứa Lactobacillus acidophilus KS400 đông khô (108 CFU/viên) và 0,03 mg estriol với liều 1 viên/ngày trong 6 ngày, bắt đầu sử dụng vào cùng ngày hỗ trợ hoàng thể.
 
Kết quả
Tổng cộng 340 phụ nữ được lựa chọn ngẫu nhiên, trong đó có 24 trường hợp bị hủy chu kỳ và loại khỏi nghiên cứu. Do đó, phân tích được thực hiện trên 316 bệnh nhân, chia thành 2 nhóm: 158 bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu và 158 bệnh nhân trong nhóm đối chứng.
 
Nhóm phụ nữ sử dụng Lactobacillus có tỉ lệ thai sinh hóa và thai lâm sàng tương ứng là 39,9% và 34,2%, so với 41,8% và 31,7% ở nhóm đối chứng (p>0,05). Tỉ lệ viêm âm đạo do nhiễm khuẩn (bacterial vaginosis – BV) lần lượt là 17,7% và 14,1% trong nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng. Không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm về tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai diễn tiến, tỉ lệ thai ngoài tử cung, tỉ lệ đa thai và tỉ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên, tỉ lệ sẩy thai thấp hơn đáng kể trong nhóm nghiên cứu (9,5% so với 19,1%, p = 0,02), (OR = 0,44, KTC 95% [0,23, 0,86]). Tỉ lệ thai sinh hóa cao hơn đáng kể ở những phụ nữ được chuyển phôi ngày 5 so với phôi ngày 3 (45,2% so với 32,7%, p = 0,03). Tuy nhiên, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống tương tự nhau.
 
Phân tích kết quả của 49 phụ nữ được chẩn đoán mắc BV cho thấy, tỉ lệ thai lâm sàng trong nhóm nghiên cứu cao hơn so với nhóm đối chứng (42,3% so với 34,8%, p = 0,59). Hơn nữa, tỉ lệ trẻ sinh sống trong nhóm nghiên cứu cao hơn 1,5 lần so với nhóm đối chứng (42,3% so với 26,1%, p = 0,23), (OR = 2,08, KTC 95% [0,62, 6,99]), tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê. Ở phụ nữ bị nhiễm trùng nấm Candida âm đạo, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống là tương đương giữa hai nhóm. Trong nhóm chuyển phôi nang, tỉ lệ sẩy thai giảm đáng kể (8,2% so với 24,3%, p = 0,002), (OR = 0,28, KTC 95% [0,12, 0,65]) và tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn đáng kể ở nhóm nghiên cứu so với nhóm đối chứng (35,7% so với 22,2%, p = 0,03), (OR = 1,9, KTC 95% [1,05, 3,59]). Tuy nhiên, kết quả giữa hai nhóm khi chuyển phôi ở giai đoạn phân chia là tương đương
 
Thảo luận
Kết quả lâm sàng của việc bổ sung lợi khuẩn qua đường âm đạo trong chu kỳ chuyển phôi trữ là tương đương giữa nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng. Kết quả này tương tự với báo cáo của Gilboa và cộng sự khi đánh giá trên chu kỳ chuyển phôi tươi. Ngược lại, một số nghiên cứu khác báo cáo rằng khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung không thuận lợi do Lactobacillus không chiếm ưu thế sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai, tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống.
 
Trong nhóm phụ nữ bị BV, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn nhưng không có ý nghĩa thống kê. Việc bổ sung Lactobacillus có thể đã giúp đảm bảo tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai không bị suy giảm do BV gây ra. Egbase và cộng sự đã chứng minh những phụ nữ mang mầm bệnh trong nội mạc tử cung có tỉ lệ làm tổ thấp hơn so với những phụ nữ sử dụng kháng sinh và những người không mang mầm bệnh (18,7% so với 41,3% và 38,1%; p < 0,01).
 
Phân tích trên nhóm chuyển phôi nang cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn trong nhóm nghiên cứu (p = 0,03), mặc dù tỉ lệ thai sinh hóa và thai lâm sàng tương tự. Hơn nữa, tỉ lệ sẩy thai giảm đáng kể so với nhóm đối chứng. Ngược lại, kết quả lâm sàng giữa hai nhóm là tương đương khi chuyển phôi ở giai đoạn phân chia.
 
Trong nghiên cứu này, Thanaboonyawat và cộng sự thực hiện chuyển phôi nang sau 6 ngày bổ sung Lactobacillus, trong khi một nghiên cứu khác thực hiện chuyển phôi tươi sau 3 ngày. Thời gian bổ sung Lactobacillus dài hơn trước khi chuyển phôi có thể hiệu quả hơn trong việc thay đổi hệ vi sinh vật của khoang nội mạc tử cung để Lactobacillus chiếm ưu thế. Một nghiên cứu năm 2021 của Yoshida và cộng sự cho thấy rằng Lactobacillus có thể thúc đẩy sự xâm lấn của nguyên bào lá nuôi, do đó làm tăng tỉ lệ làm tổ.
 
Mặc dù tỉ lệ thai tương đương nhưng tỉ lệ sẩy thai giảm đáng kể trong nhóm nghiên cứu. Điều này phù hợp với báo cáo của Moreno và cộng sự, tỉ lệ sẩy thai giảm từ 60% xuống 16,7% trong nhóm bổ sung lợi khuẩn. Một nghiên cứu phân tích vi sinh vật trong đầu dụng cụ chuyển phôi cho thấy số lượng Lactobacillus tăng lên có liên quan đến tỉ lệ trẻ sinh sống cao (50%) so với không có Lactobacillus (21%). Trong một nghiên cứu trên 35 phụ nữ điều trị IVF, nhóm Lactobacillus chiếm ưu thế (>90%) có tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh cao hơn (60,7%; 70,6%; 58,8% và 58,8%) so với nhóm đối chứng (23,1%, 33,3%; 13,3% và 6,7%). Do đó, Lactobacillus có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự làm tổ của phôi.
 
Không có bệnh nhân nào trong nhóm nghiên cứu gặp tác dụng phụ khi bổ sung Lactobacillus. Mặc dù estriol là một thành phần của thuốc sử dụng trong nhóm nghiên cứu, nhưng estriol không thể biến đổi thành các dạng estrogen khác và có ái lực yếu với thụ thể estrogen. Do đó, estriol có tác dụng không đáng kể đối với nội mạc tử cung.
 
Kết luận
Nghiên cứu không tìm thấy vai trò của việc bổ sung Lactobacillus qua đường âm đạo đối với bệnh nhân IVF khi đánh giá trên tỉ lệ thai sinh hóa, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ thai diễn tiến, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên, việc bổ sung lợi khuẩn làm giảm đáng kể tỉ lệ sẩy thai và tăng tỉ lệ trẻ sinh sống ở những bệnh nhân được chuyển phôi nang. Cần nghiên cứu sâu hơn về liều lượng, thời gian và tác dụng của việc bổ sung Lactobacillus cũng như cải thiện sự hiểu biết về hệ vi sinh vật nội mạc tử cung trước và sau chuyển phôi.
 
Nguồn: Thanaboonyawat, I., Pothisan, S., Petyim, S., & Laokirkkiat, P. (2023). Pregnancy outcomes after vaginal probiotic supplementation before frozen embryo transfer: a randomized controlled study. Scientific Reports, 13(1), 11892.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK