Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 27-09-2022 10:38am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Nguyễn Thị Minh Phượng, IVFMD Tân Bình

Sự ra đời và áp dụng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI) đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực vô sinh nam. Mặc dù tỷ lệ thụ tinh đạt khoảng 70-80% khi thực hiện ICSI, sự thất bại thụ tinh hoàn toàn (total fertilization failure – TFF) vẫn chiếm 1-3% và có thể tái xuất hiện trong các chu kỳ kế tiếp. Tuy hiếm gặp, nhưng đây là tình trạng có thể xảy ra với một người có quá trình sinh tinh bình thường, điều tương tự cũng được nhận thấy trong nhóm thụ tinh kém.
 
Sự kết hợp giữa ICSI và hỗ trợ hoạt hóa noãn (AOA) được tư vấn thực hiện cho bệnh nhân có nguy cơ thất bại thụ tinh hoặc thụ tinh kém. Ngày nay, có nhiều phương pháp để hoạt hóa noãn như: hóa học, cơ học và vật lý, dựa trên Ca2+ ionophores, strontium, kỹ thuật ICSI sửa đổi hoặc xung điện. Các nghiên cứu trước đây đều cho thấy tăng tỷ lệ thụ tinh và phôi phân chia khi thực hiện AOA. Trong số các phương pháp vừa đề cập, sử dụng Ca2+ ionophore A23187 được áp dụng rộng rãi để hỗ trợ hoạt hóa noãn người.
 
Trong suốt quá trình sinh lý của thụ tinh, noãn được hoạt hóa bởi phospholipase C zeta, yếu tố từ tinh trùng. Quá trình này giúp sản xuất inositoltriphosphate trong bào tương noãn, giải phóng canxi từ lưới nội chất tạo thành các sóng dao động. Việc Ca2+ gia tăng, kích thích hô hấp của ti thể kết quả tạo adenosine triphosphate giúp duy trì các đợt sóng này. Tuy nhiên khi thực hiện AOA, A23187 chỉ tạo ra một dao động Ca2+, sự tác động của A23187 có thể gây nên giải phóng Ca2+ một cách không kiểm soát trong noãn bào. Vì tác động phi sinh lý này, sự an toàn của AOA trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology – ART) cần được xem xét kỹ.
 
Tiềm năng sử dụng canxi ionophores để hoạt hóa noãn đã được chứng minh trên mô hình chuột, những nghiên cứu hồi cứu khác trên người cho thấy những đứa trẻ khỏe mạnh ra đời sau AOA. Tuy nhiên, trong thực tế ionophores, bao gồm A23187, gây ra nhiều tác động lâu dài đến biểu hiện gen, đe dọa đến thượng di truyền của thế hệ sau này. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đánh giá tác động của AOA lên các gen dấu ấn di truyền trong điều trị ART: H19, PEG3, SNRPN, so sánh giữa bệnh nhân có và không có thực hiện AOA.
 
Nghiên cứu sử dụng 13 phôi phân chia, 9 phôi nang và 8 mẫu nhau thai của 15 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm chính: AOA và NAOA (nonassisted oocyte activation), không có sự khác biệt giữa các nhóm. Đối tượng tham gia là những phụ nữ có ít nhất một chu kỳ đã thực hiện ICSI thất bại thụ tinh hoặc thụ tinh kém trước đó và một cặp trong số đó có tinh trùng globozoospermia. Sự methyl hóa của 3 gen in dấu di truyền được đánh giá thông qua phương pháp pyrosequencing.
 
Một số kết quả thu nhận được:
  • Mức độ methyl hóa được nhận thấy có sự thay đổi ở giai đoạn phôi phân chia giữa nhóm AOA và NAOA: cao hơn ở gen SNRPN (p ≤0,001) và thấp hơn ở gen H19 (p ≤0,05).
  • Không có sự khác biệt nào được tìm thấy giữa các phôi nang hoặc mô nhau thai ở cả hai nhóm.
 
Có thể thấy AOA là một phương pháp hiệu quả để tránh sự thất bại thụ tinh trong các chu kỳ ICSI, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy sức khỏe hay sự phát triển của trẻ 3-10 tuổi sau AOA nằm trong phạm vi mong đợi. Mặc dù việc sử dụng calcimycin hoặc inomycin có thể làm tăng tính thấm của màng đối với Ca2+ ngoại bào nhưng vẫn chưa có báo cáo nào tìm thấy tương quan với bất thường nhiễm sắc thể. Gần đây, Chen và cộng sự cho thấy nồng độ cao inomycin làm tăng tổn thương DNA và giảm tỷ lệ phôi nang ở chuột, điều này gợi ý rằng AOA có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của phôi tiền làm tổ. Các mô hình động vật có thể không phản ánh được chính xác tình trạng thực tế ở người. Cho đến hiện tại bằng chứng về tác động thượng di truyền của AOA lên người vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu này cho thấy sự thay đổi mức độ methyl hóa ở giai đoạn phôi phân chia cho thấy tại giai đoạn này phôi dễ bị tác động bởi AOA. Đối với giai đoạn phôi nang và nhau thai, giữa hai nhóm AOA và NAOA không có sự khác biệt, tác động của AOA có thể giảm tới mức tổi thiểu sau khi phôi phát triển tiếp đến các giai đoạn sau.
 
Nghiên cứu tồn tại một số hạn chế: (i) kích thước cỡ mẫu nhỏ, (ii) chỉ đánh giá trên ba gen in dấu di truyền, cần thêm nhiều gen để tăng độ tin cậy cho nghiên cứu và (iii) phôi và nhau thai trong nghiên cứu đến từ các cặp vợ chồng khác nhau, các gen in dấu có thể khác nhau giữa các cá thể.
 
Tóm lại, so với ICSI thông thường, AOA đã làm thay đổi mức độ methyl hóa ở gen mang dấu ấn di truyền H19 và SNRPN giai đoạn phôi phân chia nhưng không ảnh hưởng tới giai đoạn phôi nang và nhau thai. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất nên cân nhắc chuyển phôi giai đoạn phôi nang cho bệnh nhân thực hiện AOA trong điều trị hỗ trợ sinh sản.
 
Tài liệu tham khảo: Liang, R., Fang, F., Li, S., Chen, X., Zhang, X., & Lu, Q. (2022). Is there any effect on imprinted genes H19, PEG3, and SNRPN during AOA?. Open Medicine17(1), 174-184.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK