Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 24-09-2022 11:14am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

NHS. Hồ Thị Nga – IVFMD Bình Dương

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý tăng sinh lành tính và mãn tính, do sự phát triển bên ngoài tử cung (thường gặp tại các cơ quan trong khung chậu và ổ bụng) của các mô tuyến và mô đệm của nội mạc tử cung. Các triệu chứng chính của lạc nội mạc tử cung là đau bụng kinh, vô sinh, khó chịu khi quan hệ tình dục và rối loạn kinh nguyệt, nhưng có khoảng 20-25% trường hợp không có triệu chứng. Khoảng 10-40% trường hợp lạc nội mạc tử cung bị đau vùng chậu hoặc có tiền sử vô sinh. Ở Đức, tỷ lệ mắc và tỷ lệ lưu hành tiêu chuẩn tương ứng là 3,5 và 8,1 trên 1000 phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ở phụ nữ có độ tuổi 35-44 là 12,8/1000 phụ nữ.

Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung sớm có thể giúp kiểm soát cơn đau và bảo tồn khả năng sinh sản, tuy nhiên, việc chẩn đoán thường bị chậm trễ (trung bình 6,7 năm). Chi phí chẩn đoán, điều trị cao và các triệu chứng không rõ ràng như: đau theo chu kỳ hay không theo chu kỳ là một trong những yếu tố thường gây trì hoãn. Các triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung bao gồm kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đau vùng chậu mãn tính và vô sinh, thường ảnh hưởng đến tâm lý và quan hệ xã hội của bệnh nhân khiến lạc nội mạc tử cung trở thành một tình trạng suy nhược ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và tình dục cũng như sức khỏe tâm thần của người bệnh.

Để làm rõ những ảnh hưởng bất lợi của lạc nội mạc tử cung lên kết quả thai, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu này bằng cách sàng lọc các bài báo liên quan với các cụm từ tìm kiếm là: “lạc nội mạc tử cung – mang thai – kết quả bất lợi” và được kết hợp với một số từ khóa khác như: sinh non, nhau tiền đạo, sẩy thai, tăng huyết áp thai kỳ, sinh mổ, tiền sản giật, nhau bong non, khả năng sinh sản, sản khoa, công nghệ hỗ trợ sinh sản, ART, thụ tinh trong ống nghiệm. Tiêu chuẩn nhận là các nghiên cứu có so sánh giữa nhóm phụ nữ lạc nội mạc tử cung và nhóm chứng là bệnh nhân khỏe mạnh, có hoặc không điều trị hỗ trợ sinh sản và so sánh các kết quả thai bất lợi giữa hai nhóm. Các nghiên cứu không có nhóm đối chứng, thiếu dữ liệu và chỉ báo cáo kết quả sau sinh hoặc báo cáo một ca không được nhận vào.

Dựa trên phương thức thụ thai, có 4 phân nhóm được phân tích gồm: ART (tất cả đều có thai sau hỗ trợ sinh sản), SART (spontaneous and ART - bao gồm có thai tự nhiên hoặc thai sau hỗ trợ sinh sản), NP (natural pregnancy - thai tự nhiên) và UC (unclear – không rõ).
Kết quả được phân tích trên 28 nghiên cứu đạt yêu cầu với trên 53.141 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 2.355.923 phụ nữ ở nhóm chứng. Kết quả phân tích so sánh giữa hai nhóm lạc nội mạc tử cung và nhóm chứng cho thấy:
  • Nguy cơ sinh non ở nhóm phụ nữ lạc nội mạc tử cung cao hơn đáng kể (RR 1,59 [KTC 95% 1,35–1,87]), đặc biệt ở nhóm có thai tự nhiên hoặc sau điều trị hỗ trợ sinh sản (RR 1,78 [95% CI 1,29–2,45]), NP (RR 1,62 [95% CI 1,30–2,02]) và UC (RR 1,40 [95% CI 1,03–1,90]) (theo 20 nghiên cứu trên 23.072 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 2.226.870 phụ nữ nhóm chứng).
  • Nguy cơ sẩy thai ở nhóm lạc nội mạc tử cung tăng đáng kể (RR 1,31 [KTC 95% 1,06–1,61] và tăng cao ở nhóm ART (RR 1,12 [95% CI 1,01–1,25]) và UC (RR 1,93 [95% CI 1,47–2,25]) (theo 9 nghiên cứu trên 33.935 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 127.224 phụ nữ ở nhóm chứng).
  • Nguy cơ nhau tiền đạo ở nhóm lạc nội mạc tử cung cao hơn đáng kể (RR 3,92 [KTC 95% 2,48–6,20]; Nguy cơ nhau tiền đạo cao hơn đáng kể ở nhóm ART (RR 3,12 [KTC 95% 1,06–9,21]), SART (RR 4,87 [95% CI 2,46–9,63]) và NP (RR 4,33 [95% CI = 1,25–15,02]) (theo 12 nghiên cứu trên 6.258 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 96.214 phụ nữ nhóm chứng).
  • Nhóm lạc nội mạc tử cung bị tăng nguy cơ sinh mổ đáng kể (RR 1,48 [KTC 95% 1,33–1,65]). Nguy cơ sinh mổ cao hơn đáng kể ở nhóm ART (RR 1,45 [95% CI 1,15–1,82]), SART (RR 1,46 [95% CI 1,22– 1,75]), NP (RR 1,86 [95% CI 1,13–3,06]) và UC (RR = 1,33 [95% CI = 1,07–1,65]) (theo 16 nghiên cứu trên 21.901 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 216.884 phụ nữ nhóm chứng).
  • Nhóm lạc nội mạc tử cung bị tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ (RR 1,30 [KTC 95% 1,02–1,65]; Nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ cao hơn đáng kể trong nhóm ART (RR = 1,78 [95% CI = 1,43–2,23]) (theo 11 nghiên cứu trên 7.119 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 636.681 phụ nữ nhóm chứng).
  •  Nhóm lạc nội mạc tử cung bị tăng nguy cơ tiền sản giật cao hơn đáng kể (RR 1,18 [KTC 95% 1,09–1,28] và đặc biệt ở nhóm ART (RR 1,16 [KTC 95% 1,06–1,27]) và SART (RR 1,25 [KTC 95% 1,03–1,53]) (theo 11 nghiên cứu với 16.901 phụ nữ lạc nội mạc tử cung và 1.579.453 phụ nữ nhóm chứng.
  • Nguy cơ nhau bong non không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm (RR 3,62 [KTC 95% 0,99–13,28]; tuy nhiên, tỷ lệ nhau bong non cao hơn đáng kể ở nhóm thai tự nhiên và sau điều trị hỗ trợ sinh sản (RR 10,94 [KTC 95% 1,17–102,38]) (theo 10 báo cáo trên 5.615 phụ nữ trên 8.907 phụ nữ nhóm chứng).
Dựa trên những bằng chứng có sẵn, phân tích tổng hợp cho thấy rằng phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung tăng nguy cơ mắc các biến cố bất lợi trong quá trình mang thai như sẩy thai, sinh non, nhau tiền đạo, tăng huyết áp thai kỳ, mổ lấy thai và tiền sản giật.
 
Tài liệu tham khảo: Jian-qing Wang, Jia-miao Zhang, Bin Qian (2021) “Adverse pregnancy outcomes for women with endometriosis: a systematic review and meta-analysis”. Ginekologia Polska.2021. DOI: 10.5603 / GP.a2021.0081
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK