Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 07-09-2022 2:56pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 
Việc đông lạnh phôi trước khi chuyển đang dần trở thành xu hướng lựa chọn của các bác sĩ lâm sàng bởi khả năng làm tăng tỷ lệ mang thai tích lũy trong một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoàn chỉnh. Cụ thể, chuyển phôi đông lạnh làm giảm nguy cơ đa thai, hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS), tạo được nhiều chu kỳ chuyển phôi (ET). Ngoài ra, phôi đông lạnh thường được chỉ định cho các trường hợp không thích hợp chuyển phôi tươi, có thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, người có nguy cơ mắc OHSS cao, người bị tăng progesterone sớm và người có nhu cầu bảo tồn sinh sản.
 
Những khác biệt về kết quả chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh được giải thích là do ảnh hưởng của quá trình kích thích buồng trứng lên khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung và sự đồng bộ hóa giữa nội mạc tử cung và phôi thai. Một số báo cáo cho rằng kỹ thuật đông lạnh toàn bộ với việc trì hoãn ET dường như có thể cải thiện những ảnh hưởng trên cũng như hỗ trợ sự đồng bộ hóa tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa biết cần bao nhiêu thời gian để hệ vi môi trường của nội mạc tử cung trở lại trạng thái như trước khi kích thích buồng trứng. Hơn nữa, các bài nghiên cứu gần đây cho thấy việc trì hoãn ET ít nhất 1 chu kỳ sau khi kích thích buồng trứng cho tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR) tương tự hoặc thậm chí thấp hơn so với ET ngay trong chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi chọc hút noãn.
 
Dựa vào các bằng chứng liên quan có hai quan điểm về đông lạnh phôi lâu dài được đưa ra. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc đông lạnh phôi dài hạn có thể khiến chúng dễ bị nhiễm độc tiềm ẩn do chất bảo quản lạnh gây ra, dẫn đến giảm khả năng làm tổ, thai lâm sàng và LBR. Trái ngược với quan điểm trên, quan điểm thứ hai không cho thấy ảnh hưởng nào của việc đông lạnh phôi lâu dài lên tiềm năng làm tổ và LBR. Vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi và điều quan trọng là khoảng thời gian tối ưu giữa đông lạnh phôi và ET có thể bị bỏ sót. Do đó, mục tiêu của bài báo cáo này là điều tra mối tương quan giữa thời gian đông lạnh phôi và LBR ở những phụ nữ có chu kỳ đông lạnh phôi toàn bộ.
 
Hồi cứu thuần tập đơn trung tâm được thực hiện tại Bệnh viện thứ ba Đại học Bắc Kinh từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2019. Nghiên cứu chỉ phân tích trường hợp chuyển phôi đông lạnh đầu tiên thuộc các chu kỳ đông lạnh phôi toàn bộ. Loại trừ các trường hợp thời gian đông lạnh phôi không được ghi nhận hoặc người tham gia bị mất theo dõi. Phôi ngày 3, ngày 5 hoặc ngày 6 được đông lạnh theo phương pháp thủy tinh hóa. Sau đó, phôi đông lạnh được rã đông và chuyển vào ngày thứ 5-7 sau khi rụng trứng theo chu kỳ tự nhiên hoặc sau 7-9 ngày bổ sung progesterone trong chu kỳ điều trị thay thế nội tiết tố nhân tạo (hormonal replacement treatment – HRT). Kết cục chính là LBR, kết cục phụ là tỷ lệ thai sinh hóa, thai lâm sàng và sảy thai.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng có 14.928 phụ nữ đủ điều kiện tham gia phân tích. Phụ nữ với phôi chuyển có thời gian đông lạnh từ 2–5 tháng biểu hiện LBR cao hơn so với các nhóm khác. Kết quả này được xác nhận bởi một đường cong chữ U ngược trong khối giới hạn splines trước cũng như sau khi điều chỉnh hiệp biến với thời gian lưu trữ phôi từ 3–4 tháng có liên quan với LBR cao nhất. Trong khi đó, phân tích nhóm phụ chỉ ra rằng chỉ những phụ nữ có đáp ứng cao mới quan sát thấy mối quan hệ của đường cong U đảo ngược giữa thời gian lưu trữ phôi và LBR. Ngoài ra, khi phân tích độ nhạy ở những phụ nữ thực hiện chuyển phôi (<36 tuổi), có ít nhất một phôi chất lượng tốt hoặc có hai phôi ở giai đoạn phân chia cho thấy mối liên quan vẫn còn có giá trị. Tuy nhiên, có lẽ vì kích thước mẫu nhỏ mà mối liên quan bị suy yếu ở những phụ nữ chuyển một phôi nang.
 
Tóm lại, mối quan hệ đường cong chữ U ngược được tìm thấy giữa thời gian lưu trữ phôi và sự thành công trong điều trị ở những phụ nữ có đáp ứng buồng trứng cao trong các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Thêm vào đó, thời gian đông lạnh kéo dài > 6 tháng có liên quan đến việc giảm tỷ lệ có thai. Nhìn chung, phát hiện của nghiên cứu này cung cấp bằng chứng để hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định về thời điểm thích hợp để chuyển phôi đông lạnh theo chu kỳ trữ phôi toàn bộ.
 
Nguồn: Kai-Lun Hu, Sarah Hunt, Dan Zhang, Rong Li, Ben W. Mol. The association between embryo storage time and treatment success in women undergoing freeze-all embryo transfer. Fertility and Sterility, 2022, ISSN 0015-0282. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2022.06.003.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK