Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 27-09-2022 10:34am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Các tế bào giết tự nhiên (natural killer cells - NK) là loại tế bào miễn dịch được tìm thấy nhiều nhất tại màng rụng (decidua) của tử cung, trong suốt quá trình làm tổ và trong ba tháng đầu của thai kỳ. Các tế bào NK tử cung (uterine natural killer cells - uNK) có vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển sớm của nhau thai, đặc biệt là đối với sự xâm nhập của hợp bào lá nuôi và sự biến đổi xoắn lại của các tuyếnTrong một số trường hợp, tế bào NK có thể liên quan đến suy giảm khả năng sinh sản, như sẩy thai liên tiếp (recurrent miscarriage - RM) hoặc thất bại làm tổ liên tiếp (recurrent implantation failure - RIF). Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào tế bào NK ngoại vi (peripheral NK cells - pNK), đã có nhiều bằng chứng cho thấy sự khác biệt về kiểu hình và chức năng giữa pNK và uNK. Một số giả thuyết cho rằng mức uNK cao hơn bình thường có thể làm gia tăng sự sản xuất các yếu tố tạo mạch, dẫn đến tăng lưu lượng máu trong quá trình làm tổ và gây strress oxy hóa quá mức đối với các nguyên bào lá nuôi. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về miễn dịch giữa mẹ - thai nhi đặc biệt tập trung và chuyển hướng sang uNK. Bài báo này tóm tắt bằng chứng từ các nghiên cứu được công bố trên uNK ở phụ nữ có RM/RIF, qua đó đánh giá sự khác biệt về mức độ uNK; kết quả mang thai; mối tương quan giữa uNK, pNK và sự khác biệt trong hoạt động uNK ở phụ nữ có RM/RIF so với nhóm chứng.
 
Các nghiên cứu liên quan từ lúc bắt đầu đến tháng 12/2020 được tìm kiếm trên MEDLINE, EMBASE, Web of Science và Cochrane Trials Registry. Các phân tích gộp được thực hiện để đánh giá mức uNK, kết quả mang thai, mối tương quan giữa uNK/pNK, hoạt động của uNK giữa nhóm nghiên cứu và nhóm chứng. Nhóm nghiên cứu bao gồm những phụ nữ sẩy thai liên tiếp (RM) (sẩy thai ít nhất 2 lần trước đó) và thất bại làm tổ liên tiếp (RIF) (thất bại làm tổ sau ít nhất hai lần chuyển phôi tươi hoặc phôi đông lạnh chất lượng tốt). Rủi ro sai lệch (risk of bias) được đánh giá thông qua tiêu chuẩn ROBINS-I và sai lệch xuất bản (publication bias) được đánh giá thông qua thử nghiệm Egger.
 
Kết quả chính thu được như sau:
- Kết quả tìm kiếm với 4636 bài báo, trong đó, 60 bài báo đã được đưa vào đánh giá.
- Mức uNK (với marker CD56+) cao hơn đáng kể ở phụ nữ RM so với nhóm chứng (Chênh lệch trung bình chuẩn (standardized mean difference - SMD) = 0,49, 90% KTC, p = 0,02, I2 = 88%, 1100 phụ nữ).
- Mức uNK cũng cao hơn đáng kể ở phụ nữ RIF so với nhóm chứng (SMD = 0,49, 98% KTC, p = 0,046, I2= 84%, 604 phụ nữ).
- Không có sự khác biệt đáng về kết quả mang thai giữa phụ nữ có RM/RIF trong các phân nhóm với mức uNK khác nhau, không có mối tương quan giữa mức pNK và uNK ở phụ nữ có RM/RIF.
- Các nghiên cứu về hoạt động của uNK còn nhiều khác biệt. Các nghiên cứu phần lớn khác biệt về kết quả bài tiết cytokine và hầu hết các nghiên cứu cho thấy biểu hiện thấp hơn của các thụ thể ức chế và tăng biểu hiện của các yếu tố tạo mạch ở phụ nữ mắc RM.
 
Kết luận: Kết quả từ tổng quan hệ thống và phân tích gộp cho thấy mức uNK tăng lên đáng kể trong nội mạc tử cung ở những phụ nữ có RM và RIF, sự xáo trộn trong hệ thống miễn dịch diễn ra có thể dẫn đến kết quả cuối cùng là sự thất bại sau chuyển phôi. Đo lường mức độ hay hoạt động uNK có thể mang lại lợi ích như một công cụ để chẩn đoán, tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm thiết lập phạm vi tham chiếu chuẩn hóa, trước khi đưa vào sử dụng trong lâm sàng.
 
Nguồn: Von Woon, Ee, et al. Number and function of uterine natural killer cells in recurrent miscarriage and implantation failure: A systematic review and meta-analysis. Human reproduction update, 2022; 28(4): 548-582.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK