Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 07-07-2021 4:21pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Duy Tùng - IVFMD Tân Bình

Nuôi phôi nang ngày 5 và chuyển đơn phôi giúp vẫn đảm bảo tỷ lệ làm tổ và có thai của bệnh nhân cũng như hạn chế những rủi ro của việc mang đa thai. Do đó, lựa chọn phôi nang có tiềm năng làm tổ cao để chuyển vô cùng quan trọng. Hiện nay, phương pháp lựa chọn phôi chủ yếu dựa trên các đánh giá qua hình thái từ đó xác định phôi ưu tiên để chuyển. Đây là một phương pháp hiệu quả về mặt kinh tế do có thể sử dụng những trang thiết bị cơ bản của một trung tâm IVF và đã có những báo cáo cho thấy mối tương quan giữa hình thái phôi đến thành công của một chu kỳ IVF. Tuy nhiên, phương pháp này mang tính chủ quan và phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của chuyên viên phôi học dẫn đến việc đánh giá chất lượng phôi không nhất quán và chính xác.

Nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang đang dần trở thành xu hướng trong nhiều trung tâm IVF dựa trên hai cơ sở: phôi nang có khả năng phát triển tốt hơn so với phôi phân chia và đánh giá hình thái phôi nang có giá trị tiên lượng chính xác hơn do dựa trên những đặc điểm hình thái phức tạp hơn. Tuy vậy, khi kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phát triển, nhiều nghiên cứu cho rằng ra việc nuôi cấy phôi dài ngày có thể làm giảm sức sống của phôi do làm tăng nguy cơ phôi phát triển bất thường, do nhận thấy tỷ lệ phôi nguyên bội giảm đi khi nuôi phôi từ ngày 3 đến ngày 5 trong khi số lượng phôi nguyên bội không thay đổi. Đa số các trung tâm IVF hiện nay sử dụng tiêu chuẩn đánh giá của Gardner và Schoolcraft để đánh giá phôi nang trên 3 tiêu chí là độ nở rộng của khoang phôi, hình thái khối tế bào nội mô (ICM) và hình thái tế bào lá nuôi (TE). Mỗi đặc điểm này đều có sự liên kết đến quá trình phát triển của phôi, trong đó, độ nở rộng khoang phôi tiên lượng mức độ đồng bộ của phôi và nội mạc tử cung trong sự làm tổ, ICM sẽ phát triển thành thai và TE sẽ phát triển thành bánh nhau.

Trong những nghiên cứu đầu tiên, báo cáo thường tập trung vào mối tương quan giữa đánh giá hình thái phôi nang kết hợp cả 3 tiêu chí thành chất lượng tốt, trung bình, kém và có thể sử dụng được với tỷ lệ làm tổ hoặc trẻ sinh sống. Những nghiên cứu tiếp theo tập trung vào xác định giá trị tiên lượng của từng yếu tố và kết quả thường thấy từ những nghiên cứu này là một yếu tố sẽ không có giá trị tiên lượng cao như những yếu tố còn lại mặc dù cả 3 yếu tố (độ nở rộng khoang phôi, chất lượng ICM và TE) đều ít nhiều có khả năng tiên lượng làm tổ. Trong các nghiên cứu về IVF cổ điển, cả 3 yếu tố đều có khả năng tiên lượng cao về tỷ lệ trẻ sinh sống. Đối các nghiên cứu về chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfer – FET), chỉ có độ nở rộng khoang phôi và chất lượng TE được xác định là có khả năng tiên lượng tỷ lệ trẻ sinh sống. Hơn nữa, trong các chu kỳ FET, những đặc điểm phụ khác như tuổi phôi, khả năng nở lại khoang của phôi cũng có khả năng cung cấp thêm thông tin để lựa chọn phôi chính xác hơn. Đây là một trong những đặc điểm được báo cáo là có thể dự đoán khả năng làm tổ của phôi trong các chu kỳ FET.

Sự phát triển của công nghệ đã giúp cải thiện tỷ lệ phôi làm tổ nhờ vào việc cải thiện tỷ lệ sống và phát triển của phôi nang sau trữ đông ở các chu kỳ FET. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định khả năng tiên lượng của từng yếu tố được sử dụng để đánh giá phôi nang cũng như những yếu tố bổ sung như đã đề cập ở trên nhằm dự đoán tỷ lệ làm tổ của phôi nang trong những chu kỳ FET đối với những chu kỳ trữ lạnh phôi toàn bộ.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện trên những chu kỳ chuyển đơn phôi nang đối với những bệnh nhân trữ phôi toàn bộ từ 2017 đến 2020 tại một trung tâm IVF. Tại đây, gần như toàn bộ các chu kỳ IVF đều thực hiện trữ đông phôi toàn bộ, sử dụng noãn/tinh trùng của bệnh nhân, kỹ thuật thực hiện là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), trữ lạnh phôi nang bằng phương pháp thủy tinh hóa và chuyển phôi đông lạnh có dùng thuốc. Trong các chu kỳ chuyển phôi trữ của bệnh nhân, nhóm chỉ sử dụng dữ liệu của lần chuyển phôi đầu tiên và tất cả bệnh nhân chỉ tham gia nghiên cứu một lần. Nghiên cứu không bao gồm các trường hợp bệnh nhân >42 tuổi, thực hiện PGT hoặc bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Nghiên cứu tập trung vào kết quả thai lâm sàng của bệnh nhân và mối tương quan đến tuổi phôi, chất lượng phôi được đánh giá trước và sau khi rã đông, khả năng phục hồi của phôi sau rã đông. Sử dụng hồi quy tuyến tính từng bước để xác định khả năng tiên lượng của các yếu tố này kết hợp với các yếu tố khác từ bệnh nhân như tuổi, số nang tiền hốc trên siêu âm (Antral Follical Count - AFC).

Kết quả trên 1795 phôi nang được chuyển (1057 phôi ngày 4, 716 phôi ngày 5 và 22 phôi ngày 6) với tỷ lệ làm tổ trung bình 50,9%. Trong tất cả những thông tin của bệnh nhân được thu thập, nhóm nhận thấy có những đặc điểm khác biệt đáng kể giữa bệnh nhân có thai và không, bao gồm: độ tuổi, AFC, thời gian vô sinh, vô sinh nguyên phát, giảm dự trữ buồng trứng, tổng liều FSH kích thích buồng trứng, số nang 14nm trên siêu âm, phương pháp gây phóng noãn, số lượng noãn thu nhận và số lượng phôi nang phát triển được. Hình thái phôi cũng có tương quan đến tỷ lệ làm tổ. Nhìn chung tỷ lệ làm tổ cao nhất đối với phôi ngày 4 và giảm dần đến phôi ngày 5 và thấp nhất là phôi ngày 6.

Khi kết hợp giữa tuổi phôi và đánh giá hình thái phôi nhóm nghiên cứu nhận thấy:
  • Phôi ngày 4 có tỷ lệ phôi làm tổ cao hơn so với phôi ngày 5 dù tỷ lệ phôi có độ nở khoang <3 trước khi chuyển cao hơn đáng kể (47,9% so với 21,1%).
  • Tỷ lệ phôi làm tổ tăng rõ rệt khi phôi có độ nở rộng khoang ≥3 đối với cả phôi ngày 4 và ngày 5 (49,0% lên 71,2% cho phôi ngày 4 và 25,2% lên 64,3% cho phôi ngày 5).
  • Phôi có chất lượng AA hoặc BA (độ nở rộng ≥3) không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ làm tổ (66,2 so với 66,7%), nhưng phôi có chất lượng AB lại có tỷ lệ làm tổ thấp hơn (58,9%).
  • Nếu có sự thay đổi chất lượng của phôi về độ nở rộng khoang và khối tế bào nội mô (inner cell mass – ICM) trước khi trữ đông so với trước khi chuyển phôi trữ đều cải thiện tỷ lệ làm tổ, ngoại trừ trường hợp tăng chất lượng của tế bào lớp lá nuôi (trophectoderm – TE).
  • Tỷ lệ phôi làm tổ cao hơn đáng kể trong những trường hợp trữ phôi toàn bộ khi có nhiều hơn 2 phôi nang được trữ lạnh.
Nghiên cứu còn tồn tại những hạn chế về thiết kế hồi cứu, tính chủ quan của quá trình đánh giá hình thái phôi, không bao gồm những phôi có chất lượng loại C và chỉ phân tích ở những chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên. Nhìn chung, các yếu tố về tuổi mẹ, tuổi phôi, độ nở rộng khoang phôi, hình thái lá nuôi phôi và số lượng phôi nang trữ lạnh có mối quan hệ mật thiết đến sự phát triển của phôi. Mặc dù còn tồn tại nhiều hạn chế nhưng nghiên cứu khẳng định lại khả năng tiên lượng của hình thái phôi (độ nở rộng và TE) và một yếu tố quan trọng khác là tuổi phôi trong việc lựa chọn phôi chuyển cho bệnh nhân.

Nguồn: Ozgur K, Berkkanoglu M, Bulut H, Donmez L, Isikli A, Coetzee K. Blastocyst age, expansion, trophectoderm morphology, and number cryopreserved are variables predicting clinical implantation in single blastocyst frozen embryo transfers in freeze-only-IVF. J Assist Reprod Genet. 2021;38(5):1077-1087.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Mối quan hệ giữa stress và vô sinh - Ngày đăng: 02-07-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK