Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 15-12-2020 3:12pm
Viết bởi: Administrator

CVPH. Trương Văn Hải – IVFMD Tân Bình
  1. Mở đầu
Tháng 12/2019, một căn bệnh hô hấp nghiêm trọng lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, và lây lan ra nhiều quốc gia, gây những thiệt hại vô cùng to lớn về nhân mạng và các khía cạnh kinh tế xã hội. Đại dịch này được tổ chức Y tế thế giới đặt tên là COVID 19, do một chủng virus có tên là SARS-COV-2 gây nên. Tính đến thời điểm ngày 12/08/2020, thế giới có 67.940.857 trường hợp mắc COVID 19, trong đó có 1.550.303 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh là 1.367 người, tử vong 35 người. COVID 19 ảnh hưởng đến hệ hô hấp, và người bệnh có những triệu chứng như ho khan, mệt mỏi, khó thở, viêm phổi và tử vong. Virus SARS-COV-2 xâm nhập vào tế bào vật chủ thông qua liên kết với thụ thể ACE2 – biểu hiện ở nhiều mô và cơ quan bao gồm phổi, ruột, thận, tinh hoàn, ...  

Đối với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản (HTSS), chủ đề “nóng” xuất hiện trong dịch COVID 19 lần này là liệu rằng virus có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người không? Những phụ nữ mang thai không may mắc bệnh thì nguy cơ biến chứng và tử vong có tăng không, hoặc thai nhi sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Một câu hỏi quan trọng khác là khả năng virus lây truyền theo chiều dọc từ mẹ sang con hoặc ngược lại như thế nào?
  1. Ảnh hưởng COVID 19 đối với sinh sản nam
Nhiễm virus được coi là nguyên nhân có thể gây vô sinh nam, một số nghiên cứu đã chứng minh các loại virus như: virus gây u nhú ở người (HPV), Herpes Simplex Virus (HSV), virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV), virus viêm gan B (HBV), virus viêm gan C (HCV), virus orthorubulla gây quai bị (MuV) gây các tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản nam giới và ảnh hưởng đến các thông số chất lượng tinh dịch. Từ bối cảnh đó, hiện nay các lo ngại rằng COVID 19 sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nam giới là có cơ sở.

Một số nghiên cứu ban đầu tại Trung Quốc và Italy cho thấy nam giới dễ mắc COVID 19 hơn nữ giới. Tiếp theo đó, nghiên cứu tại nước Anh trên cỡ mẫu lớn là 20.000 bệnh nhân COVID 19 đã cho kết quả đáng báo động rằng 60% bệnh nhân mắc virus là nam giới (Docherty và cs., 2020). Phần lớn, nam giới mắc bệnh đều trong độ tuổi sinh sản, nên khả năng sinh sản của họ có thể bị tổn thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân nhiễm COVID 19 có các triệu chứng sốt cao, có thể ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch vốn rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Theo nghiên cứu của Sergerie và cộng sự, tổng số tinh trùng và khả năng di động, số lượng tinh trùng bình thường đã giảm đáng kể vào ngày thứ 15 đến 37 sau đợt sốt (Sergerie và cs., 2007); sự gia tăng phân mảnh DNA và thay đổi thành phần protein hạt nhân của tinh trùng cũng được ghi nhận sau khi sốt (Evenson và cs., 2000).
Phân tích biểu hiện tế bào ở cơ thể người mắc virus đã cho thấy SARS-COV-2 không những biểu hiện mạnh ở biểu mô phổi, mà còn ở các cơ quan khác, trong đó có thận và bàng quang. Thông qua phân tích biểu hiện protein cũng cho kết quả tương tự, đặc biệt hơn, biểu hiện cao nhất của ACE2 là ở tinh hoàn. Sự biểu hiện cao trong tinh hoàn gây nên lo lắng rằng SARS-COV-2 dễ dàng xâm nhập vào các tế bào tinh hoàn và gây tổn thương, do đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản. Vì vậy, cần có sự can thiệp kịp thời để bảo toàn tinh hoàn hoặc lưu giữ khả năng sinh sản ở các nhóm bệnh nhân trẻ (Fan và cs., 2020).

Để phân tích sâu hơn các loại tế bào nào ở tinh hoàn dễ tổn thương do virus, Wang đã nghiên cứu biểu hiện thụ thể ACE2 đơn bào trong tinh hoàn người. Kết quả chỉ ra rằng ACE2 chủ yếu được biểu hiện ở lớp tế bào sinh tinh, Leydig vào Sertoli. Ngược lại, các tinh bào và tinh tử có mức độ biểu hiện thấp (Wang và Xu, 2020). Từ đó, cho thấy rằng các tế bào trong tinh hoàn biểu hiện ACE2 có liên quan đến một số gen quan trọng trong quá trình xâm nhập và nhân lên của virus, đồng thời giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

Một nghiên cứu khác đánh giá tác động của COVID 19 đến sức khỏe sinh sản nam giới thông qua nồng độ các hormone sinh dục khi so sánh giữa nhóm bệnh nhân nhiễm SARS-COV-2 và nhóm khỏe mạnh. Các hormone sinh dục như testosterone (T), hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) đã được định lượng. Kết quả cho thấy, nồng độ Testosterone không khác nhau giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, nồng độ LH và FSH đã giảm đáng kể ở nhóm bệnh nhân COVID 19. Do đó, khả năng sản xuất hormone sinh dục đã giảm ở nhóm mắc virus (Ma và cs., 2020). Kết quả khác của nghiên cứu này cũng cho thấy nhóm bệnh nhân COVID 19 bị giảm số lượng, khối lượng, hình thái tốt và khả năng di động của tinh trùng. Tổng hợp từ những kết quả của nghiên cứu trên, có thể đi đến kết luận chắc chắn rằng ngoài ảnh hưởng đến hệ hô hấp thì COVID 19 còn gây ra những tác động xấu lên khả năng sinh sản ở nam giới.

Sự lây lan của SARS-COV-2 được cho là thông qua con đường hô hấp, tiếp xúc gần, đường phân, đường miệng. Tuy nhiên, một điều thú vị là trong nghiên cứu của Song và cộng sự, không tìm thấy sự hiện diện của virus trong tinh trùng và tinh dịch của người bệnh bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR, do đó có thể nói rằng SARS-COV-2 không lây qua đường tình dục (Song và cs., 2020).
  1. Ảnh hưởng COVID 19 đối với thai kì và sức khỏe của trẻ sơ sinh
Trong đại dịch SARS năm 2003, một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ tử vong đến 25%, cao hơn so với nhóm không mang thai (10%). Do đó, một câu hỏi được đặt ra rằng trong đại dịch COVID 19 hiện nay, liệu phụ nữ mang thai có thuộc nhóm nguy cơ cao bị tử vong hay không, và nguy cơ lây nhiễm chéo từ mẹ sang con hoặc ngược lại như thế nào.

Một số nghiên cứu từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc khi so sánh các đặc điểm lâm sàng của phụ nữ mang thai và phụ nữ không mang thai mắc virus đều cho kết quả tương tự nhau và không ghi nhận trường hợp nào tử vong (Cao và cs., 2020; Chen và cs., 2020; Yu và cs., 2020). Tuy nhiên, các nghiên cứu này đều so sánh trên cỡ mẫu nhỏ và người mẹ đều đã mang thai được hơn 3 tháng. Ngược lại, một nghiên cứu từ Iran đã báo cáo rằng phụ nữ mang thai nhiễm virus có nguy cơ tử vong cao (có 7 trên 9 bà mẹ tử vong). Trong nghiên cứu này, phụ nữ tử vong đều mang thai giai đoạn đầu hoặc giữa tháng thứ 3, và có 5 trên 7 người tử vong có độ tuổi >35 tuổi. Ngoài ra, có 4 trường hợp tử vong đã sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị COVID 19. Thuốc này có những tác dụng phụ như gây mù lòa, suy tim, suy thận và có thể tử vong (Hantoushzadeh và cs., 2020). Sự khác biệt về tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai mắc COVID 19 khác nhau giữa các nghiên cứu là do khác biệt về đặc điểm nền của bệnh nhân, phác đồ điều trị khác nhau và chất lượng y tế giữa các quốc gia. Vì chưa có sự thống nhất giữa các nghiên cứu đến hiện tại, do đó cần có thêm những nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và đặc điểm nền tương tự giữa các nhóm bệnh nhân để làm sáng tỏ vấn đề này.

Sức khỏe trẻ sơ sinh là một mối quan tâm khác khi các bà mẹ bị nhiễm COVID 19; liệu rằng khi bà mẹ mắc bệnh thì thai nhi có bị ảnh hưởng gì hay không. Một nghiên cứu từ Vũ Hán ghi nhận có 33 trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm COVID 19 không mang biến chứng sức khỏe nào nghiêm trọng (Zheng và cs., 2020). Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự, tuy nhiên có một số trường hợp trẻ nhẹ cân (<2.500 g) và sinh non (Cao và cs., 2020; Chen & Lou., 2020). Nghiên cứu khác từ Iran báo cáo rằng có 2/19 trường hợp trẻ tử vong (Hantoushzadeh và cs., 2020). Không có trường hợp sẩy thai nào được ghi nhận trong 3 tháng đầu. Nhìn chung, có vẻ như trẻ sơ sinh từ bà mẹ mắc COVID 19 không tăng nguy cơ biến chứng lâm sàng nào nghiêm trọng và thai kì diễn ra bình thường. Những trẻ có sức khỏe yếu đa phần đều do thể trạng người mẹ hơn là do nhiễm bệnh.

Nguy cơ lây truyền chéo SARS-COV-2 giữa mẹ và thai nhi trên lý thuyết có thể xảy ra khi thụ thể ACE2 được biểu hiện ở nhau thai và tử cung. Tuy nhiên, hầu hết các công bố đều không nhận thấy sự lây nhiễm chéo này, đa số các trẻ sơ sinh từ các bà mẹ nhiễm virus đều cho kết quả âm tính (Chen và cs, 2020; Yu và cs, 2020). Tuy nhiên, sự lây truyền của virus từ mẹ sang con có thể xảy ra sau khi sinh lúc trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm khác từ mẹ.
  1. Kết luận
Như vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới có nguy cơ mắc COVID 19 cao hơn nữ giới, và đa phần nam giới mắc bệnh đều trong độ tuổi sinh sản, do đó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Virus SARS-COV-2 tác động lên tinh hoàn, gây viêm tế bào và làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng và tác động xấu đến các thông số khác của tinh dịch. Ngòai ra, tình trạng sốt cao do virus cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Đối với bà mẹ mang thai, chưa có sự thống nhất giữa luận điểm rằng virus có ảnh hưởng đến thai kì và tăng nguy cơ tử vong hay không. Ngoài ra, đa số các nghiên cứu đều chỉ ra rằng sức khỏe trẻ sơ sinh không bị ảnh hưởng mặc dù bà mẹ nhiễm virus, và chưa nhận thấy sự lây nhiễm chéo từ mẹ sang con.
 
Tài liệu tham khảo

1. Cao, D., Yin, H., Chen, J., Tang, F., et al, 2020. Clinical analysis of ten pregnant women with COVID-19 in Wuhan, China: A retrospective study. International Journal of Infectious Diseases 95, 294–300. https://doi.org/10.1016/j.ijid.2020.04.047
2. Chen, H., Guo, J., Wang, C., Luo, et al, 2020. Clinical characteristics and intrauterine vertical transmission potential of COVID-19 infection in nine pregnant women: a retrospective review of medical records. The Lancet 395, 809–815. https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30360-3
3. Docherty, A.B., Harrison, E.M., Green, C.A., et al, 2020. Features of 16,749 hospitalised UK patients with COVID-19 using the ISARIC WHO Clinical Characterisation Protocol. medRxiv 2020.04.23.20076042. https://doi.org/10.1101/2020.04.23.20076042
4. Evenson, D.P., Jost, L.K., Corzett, M., Balhorn, R., 2000. Characteristics of human sperm chromatin structure following an episode of influenza and high fever: a case study. J Androl 21, 739–746.
5. Hantoushzadeh, S., Shamshirsaz, A.A., Aleyasin, et al, 2020. Maternal death due to COVID-19. American Journal of Obstetrics and Gynecology 223, 109.e1-109.e16. https://doi.org/10.1016/j.ajog.2020.04.030
6. Ma, L., Xie, W., Li, D., Shi, L., Mao, et al, 2020. Effect of SARS-CoV-2 infection upon male gonadal function: A single center-based study (preprint). Sexual and Reproductive Health. https://doi.org/10.1101/2020.03.21.20037267
7. Rising Concern on Damaged Testis of COVID-19 Patients - Urology [WWW Document], n.d. URL https://www.goldjournal.net/article/S0090-4295(20)30459-3/fulltext (accessed 12.6.20).
8. Fan C., Li K., Ding Y., Lu W. L., & Wang J. (2020). ACE2 expression in kidney and testis may cause kidney and testis damage after 2019‐nCoV infection. MedRxiv, 2020.02.12.20022418. 10.1101/2020.02.12.20022418 - DOI
9. Sergerie, M., Mieusset, R., Croute, F., Daudin, M., Bujan, L., 2007. High risk of temporary alteration of semen parameters after recent acute febrile illness. Fertility and Sterility 88, 970.e1-970.e7. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2006.12.045
10. Song, C., Wang, Y., Li, W., et al, 2020. Detection of 2019 novel coronavirus in semen and testicular biopsy specimen of COVID-19 patients. medRxiv 2020.03.31.20042333. https://doi.org/10.1101/2020.03.31.20042333
11. Wang, Z., Xu, X., 2020. scRNA-seq Profiling of Human Testes Reveals the Presence of the ACE2 Receptor, A Target for SARS-CoV-2 Infection in Spermatogonia, Leydig and Sertoli Cells. Cells 9, 920. https://doi.org/10.3390/cells9040920
12. Yu, N., Li, W., Kang, Q., et al, 2020. Clinical features and obstetric and neonatal outcomes of pregnant patients with COVID-19 in Wuhan, China: a retrospective, single-centre, descriptive study. The Lancet Infectious Diseases 20, 559–564. https://doi.org/10.1016/S1473-3099(20)30176-6
13. Zheng, M.H., Boni, L., Fingerhut, A., 2020. Minimally Invasive Surgery and the Novel Coronavirus Outbreak: Lessons Learned in China and Italy. Ann Surg. https://doi.org/10.1097/SLA.0000000000003924
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK