Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 26-11-2020 2:00pm
Viết bởi: Administrator

CVPH. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Chuyển phôi là bước cuối cùng nhưng quan trọng ảnh hưởng đến kết cục điều trị của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Hai yếu tố tiên quyết cho sự thành công của kỹ thuật này là độ chấp nhận của nội mạc tử cung (NMTC) và lựa chọn phôi, vì thế đòi hỏi có sự kết hợp nhịp nhàng giữa lâm sàng và labo phôi học. Trong chu kỳ điều trị, phôi được chuyển ở 2 trạng thái là phôi tươi (ET) hay phôi trữ lạnh (FET). Trước đây, có những quan ngại về trữ -rã sẽ làm ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của phôi và sự phát triển của trẻ sỉnh ra sau khi FET. Chính vì thế, chuyển phôi trữ (FET) đã được nghiên cứu so sánh nhiều về kết quả điều trị và tính an toàn cho cả mẹ và trẻ sinh ra so với ET. Bài viết này sẽ tổng hợp các hiệu quả lâm sàng và tính an toàn của FET.
  1. Sơ lược về chuyển phôi trữ
Chuyển phôi tươi là phôi sau khi nuôi đến ngày 3 hay 5 từ ngày chọc hút noãn sẽ được chuyển ngay vào tử cung. Còn chuyển phôi trữ là các phôi của chu kỳ chọc hút được trữ lạnh không chuyển liền sau 3 hay 5 ngày nuôi cấy, mà đến khi bệnh nhân quay lại chuẩn bị nội mạc tử cung thuận lợi thì phôi mới được rã đông rồi chuyển. Trữ phôi cho phép chuyển các phôi tiếp tục nếu chuyển phôi tươi bị thất bại. Ngoài ra, xu hướng trữ phôi toàn bộ đã đem lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân bị quá kích buồng trứng, NMTC không thuận lợi để chuyển phôi tươi, xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ, hoặc bệnh nhân muốn lựa chọn thời điểm chuyển phôi, …

Bên cạnh đó, cùng với sự tiến bộ vượt trội của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, quy trình trữ-rã phôi đã trở thành quy trình thường quy tối ưu tại một labo TTTON. Tỉ lệ phôi sống sau rã rất cao (xấp xỉ 100%) và trữ - rã phôi không ảnh hưởng đến khả năng sống, cũng như tiềm năng phát triển sau này của phôi.
  1. Hiệu quả lâm sàng của chuyển phôi tươi hay phôi trữ
Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu tiến cứu ngẫu nhiên (RCT) và các phân tích cộng gộp những RCT này nhằm so sánh hiệu quả lâm sàng của FET với ET. Một nghiên cứu RCT của Chen và cộng sự (2016) đã ghi nhận được ở nhóm bệnh nhân buồng trứng đa nang, FET cho tỉ lệ trẻ sinh sống lần chuyển phôi thứ nhất cao hơn đáng kể so với ET (49,3% so với 42,0%, RR=1,17; 95% CI: 1,05 -1,31; p=0,004), cũng như giảm nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng và nguy cơ tiền sản giật so với chuyển phôi tươi [1]. Còn theo RCT khác của Lan và cộng sự (2018) thực hiện tại trung tâm của chúng tôi đã cho thấy tỉ lệ thai diễn tiến (36,3% so với 34,5%; RR=1,05; 95% CI: 0,87-1,27; p=0,65) và trẻ sinh sống (33,8% so với 31,5%, RR 1,07; 95% CI: 0,88-1,31; p=0,54) là như nhau giữa 2 nhóm ở các bệnh nhân không bị buồng trứng đa nang [2]. Ngược lại, theo nghiên cứu của Wei và cộng sự (2019), ở nhóm chuyển đơn phôi nang trữ lạnh cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn so với chuyển đơn phôi nang tươi (50% so với 40%; RR=1,26; 95% CI: 1,14–1,41; p <0,0001) [3]. Bài tổng quan mới nhất năm 2019 phân tích 11 RCT gồm 5.379 bệnh nhân, thì tỉ lệ trẻ sinh sống lần chuyển thứ nhất và tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn ở nhóm FET cao hơn đáng kể so với chuyển phôi tươi ở tất cả các bệnh nhân điều trị IVF/ICSI (RR=1,12; 95% CI: 1,01-1,24). Tuy nhiên, FET cho tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn phôi tươi ở các bệnh nhân đáp ứng buồng trứng cao (RR = 1,16; 95% CI: 1,05–1,28) và trong chu kỳ PGT-A (RR = 1,55; 95% CI: 1,14–2,10); nhưng không có khác biệt đáng kể giữa tỉ lệ trẻ sinh sống ở các bệnh nhân đáp ứng buồng trứng bình thường (RR=1,03; 95% CI: 0,91-1,17) [4]. Theo phân tích cộng gộp 8 RCT được công bố từ năm 2011-2018, trong đó có 4 RCT (n = 3255 bệnh nhân) nhóm bệnh nhân đáp ứng buồng trứng bình thường và 4 RCT (n = 2010 bệnh nhân) ở nhóm bệnh nhân đáp ứng cao. Kết quả phân tích cho thấy, tỉ lệ trẻ sinh sống của FET cao hơn đáng kể ET ở nhóm bệnh nhân đáp ứng buồng trứng cao (RR= 1,18; 95% CI: 1,06–1,31; 3 RCT; n = 3398 bệnh nhân), nhưng không khác biệt ở nhóm đáp ứng buồng trứng bình thường (RR= 1,13; 95% CI: 0,90–1,41; 3 RCT; n = 1608 bệnh nhân). Nguy cơ quá kích buồng trứng của chu kỳ FET thấp hơn đáng kể ET ở cả 2 nhóm bệnh nhân này [5]. Theo nghiên cứu hồi cứu mới nhất năm 2020, cũng so sánh kết cục điều trị giữa FET và ET trên các nhóm bệnh nhân đáp ứng buồng trứng khác nhau, FET cho tỉ lệ sinh sống cộng dồn cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân có > 10 noãn chọc hút trong các chu kỳ KTBT so với ET, còn ở những nhóm bệnh nhân có số noãn chọc hút 1-5 noãn, 6-10 noãn thì không có sự khác biệt. Đồng thời, các kết cục sản khoa và chu sinh cũng không có sự khác biệt [6].

Xét về mặt hiệu quả chi phí điều trị thì FET có các chi phí phát sinh tăng thêm so với ET là chi phí trữ-rã phôi, chuẩn bị nội mạc tử cung, chi phí phi y tế khi quay lại chuẩn bị NMTC và FET (đi lại, chỗ ở)… Theo một nghiên cứu phân tích hiệu quả chi phí điều trị tại trung tâm IVFMD, thì FET tăng chi phí điều trị trung bình nhưng không khác biệt so với ET (3906 so với 3512 EUR; khác biệt tuyệt đối 393,6; 95% CI: −76,2 - 863,5; P = 0,1); cũng như tăng chi phí để có được trẻ sinh sống (8037 EUR so với 7425 EUR) [8].
  1. Biến chứng sản khoa và chu sinh của FET
Sự thành công và có trẻ sinh sống sau điều trị TTTON đều tồn đọng những biến chứng sản khoa và chu sinh không mong muốn. Nghiên cứu của Wei và cộng sự (2019) cho thấy nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng vừa hoặc nặng (0,5% so với 1,1%; p = 0,16), sẩy thai (23% so với 25,8%; p = 0,29), các biến chứng sản khoa khác (như sinh non) và tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ tương tự nhau giữa FET và ET một phôi nang. Vì thế, FET không loại trừ hoàn toàn nguy cơ quá kích buồng trứng sớm. Hơn nữa, chuyển đơn phôi nang trữ lạnh có liên quan đến tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, thai lớn hơn so với tuổi thai (LGA) và tiền sản giật hơn ET [3]. Sự gia tăng nguy cơ tiền sản giật trong FET được giải thích là do trong các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung nhân tạo bổ sung progesterone và estradiol, một số chất được tiết bởi hoàng thể bị thiếu hụt, dẫn đến tăng nguy cơ tiền sản giật so với chu kỳ ET. Hoàng thể không chỉ tiết progesterone và estradiol mà còn tiết các chất vận mạch như relaxin và các yếu tố tăng trưởng nội mạch (VGEF). 
FET còn làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ khác như tăng huyết áp thai kỳ (aOR 1,82; 95% CI: 1,24-2,68), tiền sản giật (aOR 1,32; 95% CI: 1,07- 1,63), và nhau cài răng lược (aOR 3,51: 95% CI: 2,04-6,05) cao hơn ET, nhưng không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ nhau tiền đạo (aOR 0,70; 95% CI: 0,46-1,08) [7]. 
  1. Tính an toàn đối với sự phát triển của trẻ sinh ra sau FET
FET đã được chứng minh là an toàn đối với sự phát triển của trẻ trong nghiên cứu RCT năm 2020. Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh sự an toàn của FET (n=113 trẻ) đối với sự phát triển của trẻ so với ET (n=99 trẻ), đặc biệt là về phát triển tâm thần (giải quyết vấn đề) và vận động của trẻ 2 tuổi trở lên. Kết quả nghiên cứu ghi nhận cân nặng lúc sinh của trẻ đơn thai sinh ra sau FET cao hơn đáng kể so với ET nhưng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên thì cân nặng của 2 nhóm trẻ không có sự khác biệt. Trẻ từ 2 tuổi trở lên ở nhóm FET có điểm số giải quyết vấn đề cao hơn có ý nghĩa thống kê và điểm số vận động tinh cũng có xu hướng cao hơn nhóm trẻ ET [9].
  1. Kết luận
Tóm lại, FET cho kết quả điều trị thành công (trẻ sinh sống) tương đương như ET cũng như FET không gây nên kết cục bất lợi nào về sự phát triển của trẻ sinh ra. Nhưng bên cạnh đó, FET có thể làm tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian điều trị, tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng tỉ lệ thai lớn hơn so với tuổi thai, cũng như không loại trừ hoàn toàn nguy cơ quá kích buồng trứng sớm. Trong tương lai, vẫn cần thêm các nghiên cứu mới nhằm khẳng định hiệu quả điều trị và an toàn của FET đối với sự phát triển của trẻ sinh ra sau này. Vì thế, tuỳ vào từng trường hợp đặc điểm của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cho họ có thể chuyển phôi trữ hoặc phôi tươi khi điều trị TTTON.

Tài liệu tham khảo
[1]      Z. J. Chen et al., “Fresh versus frozen embryos for infertility in the polycystic ovary syndrome,” N. Engl. J. Med., vol. 375, no. 6, pp. 523–533, 2016.
[2]      L. N. Vuong et al., “IVF transfer of fresh or frozen embryos in women without polycystic ovaries,” Obstet. Gynecol. Surv., vol. 73, no. 4, pp. 214–215, 2018.
[3]      D. Wei et al., “Frozen versus fresh single blastocyst transfer in ovulatory women: a multicentre, randomised controlled trial,” Lancet, vol. 393, no. 10178, pp. 1310–1318, 2019.
[4]      M. Roque et al., “Fresh versus elective frozen embryo transfer in IVF/ICSI cycles: A systematic review and meta-analysis of reproductive outcomes,” Hum. Reprod. Update, vol. 25, no. 1, pp. 2–14, 2019.
[5]      J. K. Bosdou et al., “Higher probability of live-birth in high, but not normal, responders after first frozen-embryo transfer in a freeze-only cycle strategy compared to fresh-embryo transfer: a meta-analysis,” Hum. Reprod., vol. 34, no. 3, pp. 491–505, 2019.
[6]      F. K. Boynukalin et al., “Impact of elective frozen vs. fresh embryo transfer strategies on cumulative live birth: Do deleterious effects still exist in normal & hyper responders?,” PLOSONE, vol. 15, no. 6, pp. 1–15, 2020.
[7]      M. Roque et al., “Obstetric outcomes after fresh versus frozen-thawed embryo transfers: A systematic review and meta-analysis,” JBRA Assist. Reprod., vol. 22, no. 3, pp. 253–260, 2018.
[8]      K. D. Le et al., “A cost-effectiveness analysis of freezeonly or fresh embryo transfer in IVF of non-PCOS women,” Hum. Reprod., vol. 33, no. 10, pp. 1907–1914, 2018.
[9]      L. N. Vuong et al., “Development of children born from freeze-only versus fresh embryo transfer : follow-up of a randomized controlled trial,” Fertil. Steril., pp. 1–8, 2020.
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK