Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 11-11-2020 8:49pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 
Hoạt hóa noãn là một bước quan trọng trong quá trình thụ tinh bình thường và hình thành phôi sau này. Quá trình này được gây ra bởi sự dao động canxi làm tăng nồng độ canxi nội bào trong noãn, cần thiết cho một loạt các thay đổi đối với nhân và tế bào chất trước khi hình thành tiền nhân. Hoạt hóa noãn nhân tạo (AOA) đã được sử dụng để tăng hiệu quả kết quả lâm sàng ở các cặp vợ chồng hiếm muộn với khả năng thụ tinh kém hoặc không thụ tinh, phôi kém phát triển và vô sinh do yếu tố nam nghiêm trọng. Hiện tại, việc sử dụng chất phản ứng hóa học là lựa chọn chính để thực hiện AOA. Hai ionophores canxi, ionomycin và A23187, là chất phản ứng hóa học AOA được sử dụng rộng rãi nhất. Mặc dù thời gian tiếp xúc của ionophores canxi ngắn và nồng độ của nó trong môi trường nuôi cấy thấp, khả năng ảnh hưởng có hại của AOA trên phôi sau khi làm tổ và sự phát triển của thai nhi cần được nghiên cứu và theo dõi. Một nghiên cứu của Montag và cộng sự cho thấy rằng 25 trẻ sinh ra sau AOA với canxi ionophore A23187 không bị dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, hai nghiên cứu đa trung tâm khác cho thấy khi sử dụng AOA với canxi ionophore A23187, 32 và 35 trẻ em khỏe mạnh được sinh ra từ các cặp vợ chồng có vấn đề về thụ tinh và vô sinh do yếu tố nam nghiêm trọng. Cho đến nay, kết quả thai và sơ sinh, đặc biệt là dị tật bẩm sinh khi sử dụng AOA, hầu như không được báo cáo. Ngoài ra, tất cả trẻ sơ sinh trong các nghiên cứu AOA đã được công bố đều từ chu kỳ chuyển phôi tươi và không có trẻ nào được sinh ra từ AOA với chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (FET) được báo cáo. Do đó, Bin Li và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của AOA đối với kết quả thai và sơ sinh ở những bệnh nhân vô sinh với chu kỳ chuyển phôi đông lạnh.

Nghiên cứu hồi cứu thực hiện trên 5686 bệnh nhân được chuyển phôi từ phương pháp ICSI thường quy và 194 bệnh nhân được chuyển phôi từ phương pháp ICSI kết hợp với AOA (ICSI-AOA). Hoạt hóa noãn nhân tạo được thực hiện với ionomycin. Phôi được đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa, Sau đó, bệnh nhân được thực hiện chu kỳ chuyển phôi đông lạnh.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai sinh hóa, thai lâm sàng, làm tổ, sẩy thai, thai ngoài tử cung, đa thai và sinh sống giữa nhóm ICSI thường quy và ICSI-AOA (P > 0,05). Đánh giá kết quả sơ sinh cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ dị tật bẩm sinh, cân nặng sơ sinh, tuổi thai, tỷ lệ sinh non, tỷ lệ tử vong sơ sinh sớm và tỷ lệ giới tính thai nhi giữa hai nhóm (P > 0,05).

Nghiên cứu cho thấy hoạt hóa noãn nhân tạo với ionomycin không gây ra tác dụng phụ trên kết quả thai và sơ sinh ở những bệnh nhân vô sinh trải qua chu kỳ chuyển phôi đông lạnh. Điều này mang lại lợi ích cho bác sĩ lâm sàng khi tư vấn cho bệnh nhân về các nguy cơ, rủi ro của AOA.

Nguồn: Bin Li (2019), “Pregnancy and neonatal outcomes of artificial oocyte activation in patients undergoing frozen–thawed embryo transfer: a 6‑year population‑based retrospective study”, Archives of Gynecology and Obstetrics, https://doi.org/10.1007/s00404-019-05298-3.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK