Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 09-11-2020 3:06pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Hiện nay, sẩy thai chiếm khoảng 15% trên tổng số thai kỳ lâm sàng. Mất thai trong khoảng thời gian từ khi thụ thai đến khi thai 24 tuần, từ 2 lần trở lên, được định nghĩa là sẩy thai liên tiếp. Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai tuy nhiên vẫn có tới 30% trường hợp sẩy thai chưa rõ nguyên nhân. Tinh trùng và noãn đóng vai trò tương đương nhau trong sự hình thành nên bộ gen của phôi và do đó có thể là nguyên nhân gây sẩy thai. Trong những nghiên cứu đã công bố, tính toàn vẹn DNA của tinh trùng được xem là có tương quan đáng kể đến nguy cơ sẩy thai trong tự nhiên và sau khi điều trị IVF/ICSI. Trong nghiên cứu này, Lesley Haddock và cộng sự sử dụng kỹ thuật Comet để so sánh các mức độ sai hỏng DNA với kết cục sẩy thai trên chu kỳ mang thai tự nhiên và điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.



Nghiên cứu hồi cứu trên 217 bệnh nhân có vợ đã từng sẩy thai ở tam cá nguyệt thứ nhất. Bệnh nhân được chia thành 5 nhóm: Một lần sẩy thai sau khi có thai tự nhiên; 2 lần sẩy thai sau khi có thai tự nhiên; 1 lần sẩy thai sau điều trị thụ tinh trong ống nghiệm; 2 lần sẩy thai sau khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và thai sinh hoá. Chỉ số phân mảnh được đánh giá kỹ thuật Alkaline Comet và so sánh 3 chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng là ACS (phân mảnh mức độ trung bình), LCS (phân mảnh ở mức độ thấp) và HCS (phân mảnh ở mức độ cao).
Đánh giá trên yếu tố lối sống cho thấy không có sự khác biệt về việc sử dụng rượu bia và thuốc lá ở cả 5 nhóm. Không có sự khác biệt về độ tuổi trung bình của nam giới ở 5 nhóm. Ở nhóm chứng, 90% nam giới có DNA ít phân mảnh trong khi tỉ lệ này chỉ chiếm 47% ở nhóm có vợ đã từng sẩy thai. Tỉ lệ phân mảnh ASC ở nhóm nghiên cứu với nhóm chứng lần lượt là 33,3 ± 0,6% với 14,9 ± 0,7%; p<0,001. So sánh trên 5 nhóm nhỏ cho thấy có sự khác biệt đáng kể về 3 chỉ số phân mảnh ACS, LCS và HCS (p<0,001). Cả 3 chỉ số này đều có khả năng tiên lượng cho sẩy thai và sẩy thai liên tiếp với ROC tương ứng là ACS ≥ 26%, 0,965; LCS≤ 70%, 0,969; HCS ≥ 2%, 0,883; p<0,0001.

Như vậy nghiên cứu này cho thấy chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng đo bằng kỹ thuật Alkaline Comet có thể là dấu ấn sinh học để dự đoán nguy cơ sẩy thai sau khi mang thai tự nhiên hoặc sau khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Nguồn: Sperm DNA fragmentation is a novel biomarker for Early Pregnancy Loss. Reproductive BioMedicine Online. 10.1016/j.rbmo.2020.09.016 2020

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK