Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 09-11-2020 2:59pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH: Nguyễn Thụy Trà My - IVFAS

Tử cung ở người phụ nữ gồm 3 lớp: lớp màng tử cung, lớp cơ tử cung và lớp niêm mạc. Trong đó, lớp niêm mạc gồm có hai lớp: lớp chức năng nằm phía trên và lớp đáy nằm phía dưới. Vào mỗi chu kì kinh nguyệt, lớp chức năng sẽ bong ra, thải ra ngoài ở dạng máu kinh. Lúc này, lớp đáy có nhiệm vụ tái tạo lại lớp nội mạc chức năng đã bong ra. Hội chứng Asherman hay dính buồng tử cung có liên quan trực tiếp đến hai lớp nội mạc này. Việc can thiệp vào buồng tử cung khiến tử cung tổn thương hoặc nhiễm trùng dẫn đến việc hình thành các mô sẹo (chất kết dính) trong tử cung, đây là nguyên nhân dẫn đến dính buồng tử cung. Do đó, AS được định nghĩa là sự hiện diện của các chất kết dính trong tử cung khi quan sát qua nội soi buồng tử cung, điều này có thể khiến bệnh nhân đau bụng kinh, kinh nguyệt bất thường, vô sinh hay thậm chí là thường bị thai ngoài tử cung hay sẩy thai liên tục (Khan và Goldberg, 2018). Ở một số nghiên cứu cho thấy, bản chất của nhóm bệnh nhân AS thường có nội mạc tử cung mỏng (≤ 7mm) (Baradwan và cs, 2018).



Đo bề dày nội mạc tử cung (endometrial thickness (EMT) measurement) là một kỹ thuật được sử dụng để đánh giá lớp nội mạc tử cung kể cả ở những bệnh nhân có kích thích buồng trứng. Các nghiên cứu vẫn tiếp tục tập trung tìm ra mối tương quan thuận giữa EMT và tỷ lệ mang thai thành công trong IVF. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn đối lập giữa các nghiên cứu. Một số tác giả cho thấy, tỷ lệ mang thai lâm sàng sau IVF thấp hơn đáng kể ở những bệnh nhân có nội mạc tử cung mỏng (EMT ≤ 7mm). Trong thực tế thực hành lâm sàng hiện nay, các bác sĩ lâm sàng thường hủy chu kì chuyển phôi khi cảm thấy nội mạc tử cung quá mỏng. Trong báo cáo gần đây, khoảng 17,4% trường hợp hủy chu kì chuyên phôi với EMT < 8mm. Hơn nữa, rất nhiều nghiên cứu hiện nay đều loại nhóm bệnh nhân có bệnh lý ở tử cung như dính buồng tử cung. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi có nên đo bề dày nội mạc tử cung trước khi chuyển phôi ở tất cả bệnh nhân bị hội chứng Asherman (dính buồng tử cung)?

Nghiên cứu được thực hiện hồi cứu từ 1/2015 – 3/2019, gồm 45 bệnh nhân AS nhận vào nghiên cứu đã được nội soi gỡ dính và tiến hành điều trị IVF. Trong đó, dính buồng tử cung sẽ được chia ra nhiều mức độ: nhẹ (<25%), nặng (25-75%), rất nặng (>75%). Kết quả nghiên cứu được phân tích qua 90 chu kì chuyển phôi của 45 bệnh nhân và phân theo các nhóm đo bề dày nội mạc tử cung (với các kích thước khác nhau) và nhóm không đo EMT. Sau đó, tỷ lệ có/không có thai lâm sàng, tỷ lệ có/không làm tổ, tỷ lệ thai sinh hóa, tỷ lệ thai ngoài tử cung, tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ sinh sớm (< 37 tuần)/muộn (≥ 37 tuần) sẽ được phân tích giữa các nhóm. Nghiên cứu thực hiện phân tích hai biến (tuổi bệnh nhân và chu kì xin noãn) và phân tích đa biến để đánh giá mối liên hệ giữa EMT và kết quả thai lâm sàng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 32,2% (29/90) trường hợp có thai lâm sàng sau khi chuyển phôi (tươi/trữ) ở nhóm bệnh nhân AS. Bề dày nội mạc tử cung trung bình ở nhóm bệnh nhân AS trước chuyển phôi là 7,5 ± 1,6mm. Nghiên cứu cũng cho thấy không có mối tương quan thuận giữa EMT trước chuyển phôi và tỷ lệ có thai lâm sàng khi phân tích song biến (P = 0,84) và phân tích đa biến (OR = 0,91; P = 0,60).

Trong 90 chu kì chuyển phôi, 31,8% chu kì có EMT < 7mm, kết quả nghiên cứu không nhận thấy sự khác biệt giữa những nhóm có EMT < 7mm và EMT ≥ 7mm (P = 0,83). Ngoài ra, bề dày nội mạc tử cung được nhận thấy giảm khi mức độ dính buồng tử cung tăng.

Một trong những hạn chế của nghiên cứu đó là cỡ mẫu nhỏ. Do đó, kết quả cho thấy chưa có sự khác biệt đáng kể khi có/không thực hiện EMT trước khi chuyển phôi ở những bệnh nhân AS. Hơn nữa, bệnh nhân thu nhận vào nghiên cứu ở những trung tâm khác nhau nên có thể có khác biệt liên quan đến tính nhất quán khi thực hiện EMT giữa các bệnh nhân. Vì vậy, cần có những nghiên cứu được thiết kế chuẩn hơn và có thực hiện phân tích giá trị ngưỡng của EMT ở những bệnh nhân AS trước khi quyết định hủy chu kì chuyển phôi.

Nguồn: Peter Movilla et al. (2020), Endometrial thickness measurements among Asherman syndrome patients prior to embryo transfer, Human Reproduction, deaa273, https://doi.org/10.1093/humrep/deaa273.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK