Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-07-2020 11:21am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Thất bại làm tổ sau điều trị IVF hiện đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhóm nghiên cứu trên thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy tiền căn sẩy thai muộn, số lần sẩy thai trước đó cũng như số chu kỳ điều trị không thành công là yếu tố tiên lượng quan trọng cho kết quả điều trị ở chu kỳ tiếp theo. Kỹ thuật PGT-A ra đời cho phép lựa chọn phôi nguyên bội nhằm cải thiện kết cục điều trị đặc biệt là đối với những bệnh nhân trên 35 tuổi. Lệch bội là nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ nhiều lần, sẩy thai liên tiếp vì vậy PGT-A thường được chỉ định cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ lệch bội cao như trên. Tuy nhiên, chỉ định PGT-A cho những bệnh nhân trẻ tuổi hơn với ít nguy cơ có phôi lệch bội vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy Tianxiang Ni và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá mối tương quan giữa số lần thất bại mang thai trước đó (bao gồm thất bại làm tổ, thai sinh hoá, sẩy thai sớm/trễ) với phôi nang lệch bội và kết cục thai kỳ sau PGT-A.



Nghiên cứu hồi cứu thực hiện ICSI/ PGT-A từ tháng 01/2013 đến tháng 10/2018 trên 792 bệnh nhân từ 20-38 tuổi có chỉ định thực hiện PGT-A với chẩn đoán sẩy thai liên tiếp (RPL), thất bại làm tổ nhiều lần (RIF). Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Độ tuổi trung bình của những bệnh nhân trong nhóm là 32,36 ± 3,55. Tổng cộng có 2975 phôi nang được sinh thiết, trong đó khoảng 41% phôi lệch bội. Có 932 phôi nang được chuyển cho 709 bệnh nhân trên 919 chu kỳ. Kết cục điều trị cho thấy tỉ lệ làm tổ là 58,91%, tỉ lệ trẻ sinh sống là 48,42%, tỉ lệ sẩy thai sớm là 13,28% và tỉ lệ sinh sống trên số lần chuyển là 48,42%.

Đánh giá mối tương quan giữa tỉ lệ phôi nang lệch bội và kết quả thai sau PGT-A cho thấy tỉ lệ phôi nang lệch bội tăng dần theo số lượng thất bại làm tổ của các các chu kỳ trước, đặc biệt ở những bệnh nhân ≥ 4 lần thất bại làm tổ. Tỉ lệ phôi nang lệch bội và kết quả thai không có sự khác biệt giữa nhóm chứng và nhóm sẩy thai sinh hoá. Ở những phụ nữ ≥ 4 lần sẩy thai sớm có tỉ lệ phôi nang lệch bội cao hơn, tỉ lệ sẩy thai sớm cao hơn cũng như tỉ lệ sinh sống thấp hơn so với nhóm chứng sau khi chuyển phôi nguyên bội.

Như vậy, nghiên cứu này chỉ ra rằng bệnh nhân có tiền sử thất bại làm tổ hoặc sẩy thai giai đoạn sớm hay trễ đều có mối tương quan đáng kể với tỉ lệ phôi nang lệch bội và kết quả thai thấp sau PGT-A. Không có mối tương quan nào được tìm thấy về tỉ lệ phôi nang lệch bội với kết quả điều trị ở những bệnh nhân có tiền sử sẩy thai sinh hoá.

Nguồn: Comprehensive analysis of the associations between previous pregnancy failures and blastocyst aneuploidy as well as pregnancy outcomes after PGT-A. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-020-01722-9 2020.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Rubella và thai kỳ - Ngày đăng: 06-07-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK