Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 30-11-2018 3:41pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Kể từ khi có thủy tinh hóa, tỉ lệ trữ rã phôi nang tăng lên đáng kể. Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo tỉ lệ sống sau rã của phôi nang lên đến >95% và có mối liên quan đến sự tái phục hồi khoang phôi nang, hình thái phôi, tỉ lệ làm tổ. Ngoài ra, việc gây sụp khoang phôi trước trữ được ghi nhận là quy trình có lợi, trong khi mối liên quan giữa tỉ lệ sống sau rã và việc sinh thiết phôi vẫn chưa rõ ràng.

Vậy liệu sinh thiết các tế bào lá nuôi phôi hoặc các đặc điểm khác trước khi trữ lạnh phôi nang (bằng thủy tinh hóa) có liên quan đến những biến đổi của phôi nang sau rã (như thoái hóa, tái hồi phục khoang phôi và tỉ lệ sinh sống sau khi chuyển đơn phôi)?

Một nghiên cứu của nhóm tác giả Rienzi báo cáo vào tháng 6/2018, thực hiện ở 2 trung tâm IVF (1 và 2), gồm 2129 chu kì chuyển 1 phôi nang có và không thực hiện PGT-A chia thành 3 nhóm:
(1) không sinh thiết và không gây sụp khoang phôi nhân tạo (tại trung tâm IVF 1)
(2) sinh thiết và trữ lạnh trong vòng 30 phút (IVF 1 và 2)
(3) không sinh thiết nhưng có gây sụp khoang phôi nhân tạo (IVF 2)
Kết quả chính là tỉ lệ thoái hóa sau rã đông. Phôi nang sau rã sẽ được đánh giá sau 1.5h nuôi cấy. Đánh giá thoái hóa chia làm 2 cấp độ: cấp độ I: không có vùng nào bị thoái hóa và cấp độ II: có 1 số vùng trên phôi bị thoái hóa. Đánh giá khả năng hồi phục theo 3 cấp độ: I: nở rộng hoàn toàn (80-100%), II: độ nở rộng 20-80% và III: độ nở rộng 0-20%.

Kết quả như sau:
  • Tỉ lệ phôi thoái hóa sau rã là 1%. Việc gây sụp khoang phôi nang làm giảm tỉ lệ thoái hóa sau rã (OR [95% CI] = 0.26 [0.09–0.79]). Ngược lại, chất lượng hình thái phôi và việc mất đến 7 ngày để đạt được trạng thái phôi nở hoàn toàn là các yếu tố làm tăng nguy cơ phôi thoái hóa sau rã (lần lượt OR [95% CI] = 11.67 [3.42–39.83] và 4.43 [1.10–20.55]).
  • Nguy cơ phôi không thể hồi phục khoang sau 1.5h nuôi cấy tăng cao đối với phôi đang thoát màng hoặc đã thoát màng hoàn toàn. Giả thuyết đưa ra là nếu như độ nở rộng khoang phôi càng lớn, thể tích dịch khoang phôi càng nhiều thì nguy cơ cao phôi không thể hồi phục lại sau quá trình rã đông. Nguyên nhân do ZP đã biến mất hoặc rất mỏng tạo điều kiện cho CPA xâm nhập vào tế bào do đó cần nhiều thời gian hơn để hồi phục khoang phôi nang sau rã đông.
  • Đồng thời việc sinh thiết TE không liên quan gì đến tỉ lệ thoái hóa sau rã. Nhìn chung có 2.5% phôi nang thất bại trong việc hồi phục khoang phôi sau rã. Thông số có liên quan đến khả năng hồi phục khoang phôi là hình thái phôi trung bình hoặc kém và chúng cần đến 7 ngày để hồi phục khoang phôi.
  • Đặc điểm sau rã của phôi (sự thoái hóa, sự khôi phục khoang phôi và chất lượng hình thái) không có mối liên quan nào đến tiềm năng phôi nang thủy tinh hóa (ví dụ tỉ lệ sinh sống). Đáng chú ý, chất lượng phôi nang kém trước trữ có tỉ lệ sống sau rã cao (92.8%) nhưng tỉ lệ sinh sống lần lượt chỉ chiếm 2.1% và 7.3% sau khi chuyển 1 phôi không sinh thiết và 1 phôi nguyên bội sau sinh thiết.
Nghiên cứu này khẳng định hiệu quả của thủy tinh hóa trong trữ lạnh phôi, đồng thời chứng minh các thao tác thực hành trong phòng thí nghiệm không gây ảnh hưởng lên đặc điểm và tiềm năng phôi nang sau rã đông.

Nguyễn Thị Minh Anh – Chuyên viên phôi học - IVFMD Tân Bình
Nguồn: Associations of blastocyst features, trophectoderm biopsy and other laboratory practice with post-warming behavior and implantation. Human Reproduction/ 10.1093/humrep/dey291
 

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK