BS. Nguyễn An Nghĩa
I. Giới thiệu
Sốt là một trong những triệu chứng lâm sàng mà các nhân viên y tế thường phải đối mặt nhất, theo một số đánh giá, sốt hiện diện trong 1/3 các ca trẻ bệnh đến khám tại cơ sở y tế.
Sốt cũng là triệu chứng “ám ảnh” nhiều bậc phụ huynh, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng bệnh lý sợ sốt. Thông thường, bố mẹ trẻ luôn mong muốn thân nhiệt con mình được duy trì ở mức “bình thường” trong đợt bệnh. Nhiều người còn điều trị hạ sốt ngay cả khi trẻ sốt rất nhẹ hoặc thậm chí không sốt. Trong một nghiên cứu trên 340 trẻ bệnh kèm sốt, 85% phụ huynh trẻ cho biết đã đánh thức trẻ dậy chỉ để uống hạ sốt. Điều đáng tiếc là khoảng 50% trong số họ lại cho trẻ dùng sai liều thuốc; khoảng 15% cho quá liều acetaminophen hoặc ibuprofen. Những phụ huynh nào hiểu được rằng liều thuốc sẽ phụ thuộc vào cân nặng hơn là vào tuổi hay chiều cao thường khó có khả năng cho liều thuốc sai. Điều này cho thấy việc cung cấp thông tin cơ bản về sốt và điều trị hạ sốt đóng vai trò rất quan trọng.
Bài này cung cấp một số quan niệm hiện tại về điều trị sốt.
II. Phân biệt sốt và tình trạng tăng thân nhiệt
Sốt: một đáp ứng sinh lý bình thường và thường gặp do giá trị của "điểm điều nhiệt" vùng hạ đồi gia tăng nhằm đáp ứng lại các pyrogens nội sinh và ngoại sinh. Sốt giúp hạn chế sự tăng trưởng và sinh sản của tác nhân gây bệnh, đồng thời gia tăng sản xuất neutrophil và tăng sinh tế bào T, dẫn đến những phản ứng pha cấp của cơ thể. Vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sốt làm gia tăng nguy cơ tổn thương não.
Tình trạng tăng thân nhiệt: một tình trạng hiếm gặp, đây là một đáp ứng bệnh lý do thất bại trong điều chỉnh hằng định nội môi dẫn đến nhiệt lượng được sản xuất quá khả năng bù trừ của cơ thể (điểm “điều nhiệt” vùng hạ đồi không thay đổi). Lâm sàng thường gặp biểu hiện da nóng, khô, rối loạn chức năng thần kinh trung ương như sảng, hôn mê.
III. Điều trị
III.1. Mục tiêu
• Cần nhấn mạnh đến việc làm giảm mức độ khó chịu và các dấu hiệu bệnh nặng cho trẻ hơn là “bình thường hóa” thân nhiệt. Một trẻ sốt có thể biểu hiện kém chơi, ngủ nhiều, thay đổi hành vi, ăn uống kém. Tuy vậy, vẫn chưa rõ liệu việc dùng thuốc hạ sốt có làm cải thiện các khó chịu này hay không, vì các biện pháp làm mát bên ngoài, như tắm mát chẳng hạn, có thể làm giảm sốt nhưng lại được chứng tỏ không giúp trẻ dễ chịu hơn.
• Việc dùng nước pha rượu để tắm cho trẻ không được khuyến cáo
• Cần tư vấn kỹ người chăm sóc trẻ trong việc theo dõi mức độ chơi, ăn uống, các dấu hiệu nặng ở trẻ
III.2. Các thuốc thường dùng
a) Acetaminophen
Thường được sử dụng để hạ sốt ở trẻ với liều 10-15mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ (tham khảo thêm bảng 1)
Chưa có bằng chứng nào cho thấy liều cao hơn sẽ cho hiệu quả tốt hơn, nhưng tác dụng phụ gây tổn thương gan do quá liều đã được chứng minh
Không nên dùng các dạng thuốc acetaminophen dành cho người lớn để điều trị ở trẻ do nguy cơ dùng quá liều sẽ gia tăng
Bảng 1: thông tin về thuốc hạ sốt
Thông số |
Acetaminophen |
Ibuprofen |
Mức giảm thân nhiệt (oC) |
1-2 |
1-2 |
Thời gian bắt đầu tác dụng (giờ) |
<1 |
<1 |
Thời gian tác dụng đỉnh (giờ) |
3-4 |
3-4 |
Thời gian tác dụng (giờ) |
4-6 |
6-8 |
Liều (mg/kg) |
10-15, mỗi 4 giờ |
10, mỗi 6 giờ |
Liều tối đa mỗi ngày (mg/kg) |
90mg/kga |
40mg/kg |
Tuổi giới hạn (tháng)b |
3 |
6 |
a: thông thường là 75mg/kg, 90mg/kg/ngày chỉ nên dùng giới hạn không quá 3 ngày liên tiếp b: chỉ dùng dưới tuổi này nếu có chỉ định đặc biệt của nhân viên y tế, và chỉ dùng khi đã được nhân viên y tế thăm khám |
b) Ibuprofen
Ibuprofen được sử dụng ngày càng thông dụng do khả năng làm hạ sốt kéo dài hơn khi so với acetaminophen (xem thêm bảng 1). Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy mức độ cao của sốt và tuổi của trẻ (hơn là loại thuốc nào được dùng) có thể là những yếu tố quyết định hiệu quả điều trị. Những trẻ sốt cao và lớn hơn 6 tuổi thường có đáp ứng hạ sốt kém hơn các trẻ còn lại.
Vẫn chưa có đủ thông tin so sánh hiệu quả giữa acetaminophen và ibuprofen trong việc cải thiện hành vi và mức độ khó chịu ở trẻ.
Vẫn chưa có đủ thông tin cho thấy sự khác biệt trong độ an toàn giữa acetaminophen và ibuprofen ở trẻ từ 6 tháng-12 tuổi có bệnh lý kèm sốt (khỏe mạnh trước đợt bệnh). Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp báo cáo có xuất huyết, viêm dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, thực quản liên quan với điều trị NSAIDs, trong đó có ibuprofen.
Cần lưu ý nguy cơ tổn thương thận khi điều trị ibuprofen, đặc biệt ở trẻ có dấu mất nước hoặc có điều trị phối hợp các thuốc có khả năng gây tổn thương thận khác.
Không khuyến cáo dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
c) Điều trị kết hợp
Mặc dù có một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp hai thuốc hạ sốt trên trong điều trị có thể giúp làm giảm thân nhiệt tốt hơn và kéo dài hơn, vẫn chưa có bằng chứng nào chứng tỏ việc kết hợp này cải thiện được tiên lượng cho trẻ. Mặt khác, các nghiên cứu trên cũng còn giới hạn ở số ca tham gia để có thể đảm bảo an toàn khi áp dụng vào lâm sàng. Bên cạnh đó, nguy cơ sai sót trong điều trị cũng tăng lên.
Nếu chọn phương pháp này để điều trị, nhân viên y tế cần phải tư vấn kỹ cho thân nhân bệnh nhi về dạng thuốc sử dụng, liều dùng, và khoảng cách liều, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu giúp trẻ dễ chịu thay vì mục tiêu giảm sốt.
Đối với thân nhân trẻ
• Cần phải nắm kỹ các thông tin về thuốc sử dụng (dạng, liều, khoảng cách liều)
• Không nên tự ý dùng các chế phẩm kết hợp cho trẻ, chẳng hạn các dạng thuốc kết hợp giữa thuốc ho, sổ mũi với thuốc hạ sốt
• Với trẻ quen uống thuốc dưới dạng syrup, chỉ nên chọn một loại syrup để dùng
• Nên có tủ chứa thuốc an toàn ngoài tầm với của trẻ
IV. Tóm tắt
Một cuộc tư vấn về sốt đạt yêu cầu khi:
• Giúp thân nhân bệnh nhi hiểu được rằng bản thân sốt không nguy hiểm ở một trẻ bình thường khỏe mạnh, ngược lại, sốt còn mang lại một số lợi ích cho trẻ. Vì vậy, mục tiêu của việc điều trị không phải là bình thường hóa thân nhiệt mà là giúp trẻ loại bỏ các triệu chứng khó chịu, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
• Acetaminophen hoặc ibuprofen, khi được dùng với liều phù hợp, được xem khá an toàn và hiệu quả trong điều trị hạ sốt. Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng trong sử dụng để hạn chế tối đa tác dụng phụ và nguy cơ ngộ độc thuốc.
• Kết hợp hai thuốc acetaminophen và ibuprofen trong điều trị có thể làm tăng nguy cơ sai liều và nguy cơ tác dụng phụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Janice ES, Henry CF, et al; Clincal report – Fever and antipyretic Use in Children. Pediatrics 2011; 127:580-587
2. Bilenko N, Tessler H, Okbe R, Press J, Gorodischer R. Determinants of antipyretic misuse in children up to 5 years of age: a crosssectional study. Clin Ther. 2006;28(5): 783–793
3. Jaffe DM. Assessment of the child with fever. Rudolph’s Pediatrics.21st ed. New York, NY: McGraw-Hill; 2002:302–309
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...