BS Vũ Nhật Linh
“Nạo hạch chậu hệ thống kèm hạch cạnh động mạch chủ có thể cải thiện thời gian sống so với nạo hạch chậu đơn thuần ở những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung có nguy cơ tái phát trung bình – cao”, theo kết quả của một nghiên cứu được báo cáo trên The Lancet ngày 25 tháng 2.
Yukiharu Todo, MD, Đại học Hokkaido thuộc trường Y ở Sapporo, Nhật Bản, và cộng sự cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi về hiệu quả trên thời gian sống của bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung sau nạo hạch chậu-cạnh động mạch chủ (SEPAL) nhằm mục đích xác định liệu việc nạo hạch hệ thống bao gồm cả hạch cạnh động mạch chủ có nên là một phần của phẫu trị cho những bệnh nhân nguy cơ tái phát trung bình và cao hay không, bởi lẽ nạo hạch chậu đơn thuần cho thấy không đem lại lợi ích trong điều trị ung thư nội mạc tử cung.”
Từ 1/1986 đến 6/2004 tại 2 trung tâm điều trị của Nhật, 671 bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung được điều trị với nạo hạch chậu hoàn toàn (n=325) hoặc kết hợp nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ (n=346). Xạ trị hay hóa trị bổ túc được chỉ định cho những bệnh nhân nguy cơ tái phát trung bình hoặc cao. Kết quả chính của nghiên cứu là thời gian sống.
So với nhóm nạo hạch chậu đơn thuần, nhóm nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ làm tăng có ý nghĩa thời gian sống (tỉ số rủi ro 0,53; khoảng tin cậy 95% 0,38-0,76; P = 0,0005). Mối liên quan này cũng được thấy ở những bệnh nhân nguy cơ trung bình hay cao (n=407; P=0.0009) nhưng không có ở những bệnh nhân nguy cơ thấp.
Ở những bệnh nhân có nguy cơ tái phát trung bình – cao, nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ làm giảm nguy cơ tử vong so với nạo hạch chậu đơn thuần (tỉ số rủi ro 0,44; độ tin cậy 95% 0,30-0,64; P<0.0001).
Trong 328 bệnh nhân có nguy cơ tái phát trung bình hoặc cao được điều trị với xạ trị hay hóa trị bổ túc, sự cải thiện thời gian sống còn ở những bệnh nhân được nạo hạch chậu kèm hạch cạnh động mạch chủ và hóa trị bổ túc thì độc lập với nhau.
“Kết hợp nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ được khuyến cáo cho những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung nguy cơ tái phát trung bình – cao”, theo các nhà nghiên cứu. “Khi thực hiện một nghiên cứu tiền cứu ngẫu nhiên hay nghiên cứu đoàn hệ so sánh để chứng minh hiệu quả điều trị của nạo hạch, nên thực hiện nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ ở những bệnh nhân nguy cơ tái phát trung bình – cao … Các kết quả cũng cho thấy hoá trị bổ túc cải thiện thêm thời gian sống còn của những bệnh nhân nguy cơ cao bị di căn hạch.”
Hạn chế của nghiên cứu bao gồm sự thiếu đồng nhất về sử dụng loại điều trị bổ túc và chỉ thực hiện ở 2 trung tâm điều trị tuyến 3.
Trong một bình luận đi kèm, Sean C.Dowdy và Andrea Mariani, thuộc Mayo Clinic, Rochester, Minnessota, đề nghị một số điểm cần chú ý khi tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để xác nhận những kết quả của nghiên cứu SEPAL, trong đó cần đánh giá sự khác nhau về tỉ lệ bệnh, chi phí điều trị và chất lượng cuộc sống.
“Thứ nhất, nghiên cứu chỉ nên tập trung vào những bệnh nhân nguy cơ cao tái phát”, theo Dowdy và Mariani. “Thứ hai, những bệnh nhân không được chỉ định nạo hạch cần được điều trị theo những tiêu chuẩn hiện hành dành cho những bệnh nhân không được đánh giá giai đoạn ung thư.”
“Thứ 3, cần dựa vào tình trạng hạch lympho để định hướng điều trị hậu phẫu cho những bệnh nhân được nạo hạch”, họ kết luận. “Nếu nạo hạch một cách đại trà bất kể tình trạng hạch thế nào, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh mà không hề cải thiện kết quả. Cuối cùng, nếu đã chỉ định nạo hạch thì cần nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ một cách hệ thống, bao gồm vùng trên động mạch mạc treo tràng dưới và đi lên đến tĩnh mạch thận”.
Nguồn: The Lancet
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...