Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-11-2021 10:33pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Ngày nay, việc tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm giàu năng lượng, đường và đồ uống có đường (sugar-sweetened beverages - SSB) ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi nhiều tác động xấu của đồ uống có đường đến sức khỏe đã được ghi nhận, bao gồm nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch, liệu SSB có thể tác động tiêu cực đến chức năng sinh sản nói chung và cụ thể là chức năng sinh sản của nam giới hay không. Một số nghiên cứu trước đây đã kiểm tra mối liên quan giữa lượng SSB tiêu thụ và chức năng tinh hoàn. Các báo cáo cho thấy có mối tương quan nghịch giữa lượng SSB tiêu thụ với một hoặc nhiều thông số tinh dịch, tuy nhiên có sự khác biệt giữa các nghiên cứu. Một nghiên cứu khác tại Mỹ thực hiện bởi Chiu và cộng sự (2014), cho thấy có mối tương quan nghịch giữa lượng SSB tiêu thụ với số lượng tinh trùng di động tiến tới và một báo cáo khác của tác giả Yang và cộng sự (2015) tại Trung Quốc, cho thấy thể tích tinh dịch thấp hơn khi lượng SSB tăng lên.
 
Mặc dù những tác động có hại đến sức khỏe của SSB đã được chú ý nhiều trong những năm gần đây, nhưng ảnh hưởng sức khỏe của các loại đồ uống khác có thể được sử dụng để thay thế SSB, chẳng hạn như đồ uống bổ sung chất làm ngọt nhân tạo (artificially sweetened beverages - ASB) thay cho đường tự nhiên và nước trái cây, ít được chú ý hơn. Thay vì đặc tính dinh dưỡng của chúng, SSB hay ASB có thể gây ảnh hưởng lên sức khỏe do bị nhiễm một số hợp chất khác, chẳng hạn như chất làm dẻo được sử dụng để bao phủ lớp lót bên trong của lon. Hơn nữa, trong khoảng một thập kỷ qua, nhiều loại nước tăng lực đã trở nên phổ biến rộng rãi, một số loại có hàm lượng đường tương đương với SSB nhưng khác biệt đáng kể về các khía cạnh khác như hàm lượng caffein của chúng. Do đó, bên cạnh SSB, rủi ro sức khỏe của các loại đồ uống này cũng nên được xem xét và cân nhắc. Để giải quyết khoảng trống kiến ​​thức này, đặc biệt là đối với sức khỏe sinh sản nam giới, tác giả FL Nassan và cộng sự (2021) đã kiểm tra mối tương quan giữa lượng SSB, ASB, nước tăng lực và nước trái cây tiêu thụ ở những nam giới trẻ tuổi tại Đan Mạch với các dấu hiệu về chức năng tinh hoàn bao gồm chất lượng tinh dịch, thể tích tinh hoàn và hormon nội tiết tố sinh sản.
 
Đây là một nghiên cứu cắt ngang từ năm 2008 đến năm 2017, với sự tham gia của 2.935 nam giới trẻ tuổi. Việc tiêu thụ SSB (bao gồm nước uống cola, nước giải khát, nước hương trái cây có đường), ASB (bao gồm các loại đồ uống được bổ sung chất làm ngọt nhân tạo thay cho đường), nước trái cây và nước tăng lực được đánh giá bằng một bảng câu hỏi ghi nhận tần suất sử dụng. Chức năng tinh hoàn được đánh giá thông qua các thông số chất lượng tinh dịch thông thường (thể tích tinh dịch, mật độ tinh trùng, tổng số tinh trùng, khả năng di động và hình dạng), thể tích tinh hoàn được đánh giá bằng siêu âm và nồng độ hormon sinh sản trong huyết thanh (testosteron toàn phần, testosteron tự do, E2, inhibin-B, LH, FSH, hormon giới tính gắn globulin (SHBG)) được ghi nhận.
 
Kết quả thu được như sau:
  • Tuổi trung bình của nam giới là 19 tuổi (19–20); BMI trung bình là 22 kg/m2 (21–24); tổng số tinh trùng là 140 triệu (133–146); thể tích tinh dịch là 3,2 ml (3,2–3,3) và nồng độ testosteron tổng là 18 nmol/l (18–18).
  • Trong số 2.935 nam giới, có 346 (12%) nam giới không tiêu thụ SSB, 1.891 (64%) nam giới không tiêu thụ ASB, 419 (14%) nam giới không tiêu thụ nước trái cây và 2.065 (70%) nam giới không tiêu thụ nước tăng lực.
  • Lượng tiêu thụ trung bình theo khẩu phần/ngày cao nhất cho mỗi loại đồ uống là 220 ml đối với SSB; 180 ml đối với ASB, 200 ml đối với nước trái cây và 80 ml đối với nước tăng lực.
  • Trong các phân tích dữ liệu thô, lượng SSB tiêu thụ có tương quan nghịch với mật độ tinh trùng, tổng số tinh trùng, inhibin-B huyết thanh và tỷ lệ inhibin-B/FSH; lượng ASB tiêu thụ có tương quan dẫn đến thấp hơn các giá trị về tổng tinh trùng di động, di động tiến tới, SHBG huyết thanh; và nước tăng lực có liên quan tích cực đến hình dạng tinh trùng bình thường, E2 và LH trong huyết thanh.
  • Trong các phân tích điều chỉnh đa biến, mật độ tinh trùng trung bình của nam giới trong nhóm tiêu thụ SSB cao nhất là 13,0 triệu/ml (95% KTC, -21,0 – -5,5) thấp hơn so với những người không tiêu thụ SSB (P = 0,001). Kết quả cũng tương tự đối với tổng số tinh trùng (-28 triệu, 95% KTC, -48 – -9); inhibin-B (–12 pg/ml, 95% KTC, –21– -4), và tỷ lệ inhibin-B/FSH (–9, 95% KTC, –18 – 0).
  • Nam giới thuộc nhóm tiêu thụ ASB cao nhất cũng cho các giá trị thấp hơn về tổng tinh trùng di động (-3,6, 95% KTC, -5,8 – -1,4); di động tiến tới (-3,5, 95% KTC, -5,8 – -1,2); và nồng độ SHBG huyết thanh (-2,2 nmol/L, 95% KTC, -3,2 – -1,2) so với người không tiêu thụ ASB.
  • Nam giới trong nhóm uống nhiều nước tăng lực nhất lại cho các giá trị cao hơn về tỷ lệ tinh trùng hình dạng bình thường (1,5, 95% KTC, 0,7–2,3); nồng độ E2 (4 pg/ml, 95% KTC, 0–8); và LH (0,4 IU/l, 95% KTC, 0,2–0,5) so với nam giới không uống nước tăng lực.
  • Nước trái cây và nước uống cho thấy không có sự tương quan đến bất kỳ kết quả nào được đánh giá.
  • Khi tăng lượng SSB tiêu thụ vào mỗi khẩu phần (200 ml)/ngày thay cho nước, dẫn đến mật độ tinh trùng thấp hơn (–3,4 triệu tinh trùng/ml, 95% KTC, -5,8 – -1,0) và nồng độ của inhibin-B thấp hơn (–7 pg/ml, 95% KTC, -11 – -3). Tương tự, tiêu thụ ASB thay vì nước dẫn đến tổng tinh trùng di động thấp hơn (–1,8, 95% KTC, -3,3 – -0,3); nồng độ cao hơn đối với E2 (6 pmol/l, 95% KTC, 2–9) và LH (0,4 IU/l, 95% KTC, 0,1–0,8).
 
Cho đến hiện tại, đây là nghiên cứu lớn nhất đánh giá sự ảnh hưởng của SSB và một số loại đồ uống khác lên chức năng tinh hoàn. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc tiêu thụ SSB có thể làm ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn thông qua làm giảm mật độ tinh trùng, tổng số lượng tinh trùng và tỷ lệ inhibin-B/FSH trong huyết thanh. Những phát hiện trong nghiên cứu cũng như các tài liệu hiện có về SSB cho thấy rằng việc thay thế SSB bằng nước có thể được khuyến khích để bảo vệ chức năng tinh hoàn. Nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ bất ngờ giữa việc tiêu thụ ASB và nước tăng lực lên khả năng di động và hình dạng tinh trùng, do chưa có bất kỳ tài liệu nào đề cập trước đó, đây chỉ có thể được xem như một giả thuyết tiên nghiệm của hai loại nước giải khát này với chức năng tinh hoàn, vẫn cần thêm những nghiên cứu khác để đưa ra kết luận chính xác.
 
Nguồn: Nassan, F. L., Priskorn, L., Salas-Huetos, A., Halldorsson, T. I., Jensen, T. K., Jorgensen, N., & Chavarro, J. E., Association between intake of soft drinks and testicular function in young men. Human Reproduction 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK