Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-09-2021 12:38am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình

Đa thai đang là vấn đề được quan tâm tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản, nguyên nhân là do đa thai làm tăng các biến cố bất lợi ở trẻ sơ sinh cũng như các biến chứng sản khoa của người mẹ. Vì vậy hiện nay, để giảm tỷ lệ đa thai, việc chuyển đơn phôi (Single Embryo Transfer - SET) đang được khuyến khích sử dụng. Chất lượng phôi là một yếu tố quan trọng liên quan đến sự thành công trong một chu kỳ chuyển đơn phôi. Theo nghiên cứu của Oron và cộng sự (2014) tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống sau khi chuyển một phôi chất lượng tốt cao gấp đôi so với chuyển một phôi chất lượng xấu.
 
Hiên nay việc chuyển hai phôi vẫn được áp dụng khi chất lượng phôi giảm mặc dù tỷ lệ đa thai đang ở mức cao. Theo nghiên cứu của hai nhóm tác giả Wintner và cộng sự (2017) và Li và cộng sự (2018) đã đánh giá hiệu quả lâm sàng của các chu kỳ IVF/ICSI khi chuyển phôi chất lượng tốt cùng với chất lượng kém đã cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống không có sự khác biệt khi so sánh với các chu kỳ chuyển hai phôi tốt, nhưng hai nghiên cứu này chỉ được thực hiện trong các chu kỳ chuyển phôi tươi. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu của Dobson và cộng sự (2018) đã cho thấy khi đánh giá ảnh hưởng của việc chuyển hai phôi, bao gồm một phôi chất lượng tốt và một phôi chất lượng kém trong chu kỳ chuyển phôi tươi và phôi trữ thì tỷ lệ sinh sống không tăng nhưng tỷ lệ đa thai lại tăng so với chu kỳ chuyển đơn phôi. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ bao gồm chuyển phôi giai đoạn phôi nang với cỡ mẫu nhỏ được chia thành 5 phân nhóm dựa trên số lượng và chất lượng phôi. Do đó, tác động của chu kỳ chuyển hai phôi và chuyển đơn phôi trên kết quả IVF ở các chất lượng phôi khác nhau trong giai đoạn phôi phân chia và phôi nang cần được đánh giá trong các nghiên cứu có cỡ mẫu lớn hơn.
 
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá sự khác biệt về mối tương quan giữa kết quả mang thai và số lượng phôi chuyển theo chất lượng phôi trong các chu kỳ chuyển phôi trữ ở cả hai giai đoạn phôi phân chia và phôi nang.
 
 
 
Thiết kế nghiên cứu: Đây là một nghiên cứu hồi cứu (2020), được thực hiện trên 26.676 phụ nữ (tuổi trung bình là 31,72 tuổi) trải qua chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên (FET) từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 12 năm 2017. Các bệnh nhân được chia thành 5 phân nhóm:
  • Chuyển đơn phôi với chất lượng tốt (SET-GQE, 2.235 bệnh nhân chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia và 756 bệnh nhân chuyển phôi nang),
  • Chuyển đơn phôi chất lượng xấu (SET-PQE, 148 bệnh nhân chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia và 362 bệnh nhân chuyển phôi nang)
  • Chuyển hai phôi chất lượng tốt (DET-2GQE, 20.461 bệnh nhân chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia và 519 bệnh nhân chuyển phôi nang)
  • Chuyển hai phôi với một phôi chất lượng tốt và một phôi chất lượng xấu (DET-GQE+PQE, 1.541 bệnh nhân chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia và 266 bệnh nhân chuyển phôi nang)
  • Chuyển hai phôi chất lượng xấu (DET-2PQE, 228 bệnh nhân chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia và 160 bệnh nhân chuyển phôi nang).
 
Kết quả: Tỷ lệ sinh sống cao hơn đáng kể ở nhóm DET-GQE+PQE so với SET-GQE khi chuyển phôi giai đoạn phân chia [574/1541 (37,25%) so với 571/2235 (25,55%)], không có sự khác biệt đáng kể nào được tìm thấy giữa DET-GQE+PQE và SET-GQE ở giai đoạn phôi nang [143/266 (53,76%) so với 325/756 (42,99%)]. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh sống của nhóm DET-GQE+PQE thì cao nhất ở cả hai giai đoạn phôi phân chia [134/1541 (8,70%)] và phôi nang [46/266 (17,29%)] khi so  sánh với bốn nhóm còn lại. Tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm SET-PQE thấp hơn đáng kể so với SET-GQE [chuyển phôi giai đoạn phân chia: 18/148 (12,16%) so với 571/2235 (25,55%); chuyển phôi nang: 107/362 (29,56%) so với 325/756 (42,99%)] và tỷ lệ này thì cao hơn đáng kể ở nhóm DET-2GQE so với SET-GQE [giai đoạn phôi phân chia: 9357/20.461 (45,73%) so với 571/2235 (25,55%); giai đoạn phôi nang: 313/519 (60,31%) so với 325/756 (42,99%)]. Tỷ lệ sinh sống cũng không khác biệt giữa DET-2PQE và SET-GQE khi chuyển phôi giai đoạn phân chia và chuyển phôi nang [ giai đoạn phôi phân chia: 75/228 (32,89%) so với 571/2235 (25,55%); giai đoạn phôi nang: 74/160 (46,25%) so với 325/756 (42,99)].
 
Kết luận: Từ dữ liệu của nhóm nghiên cứu cho thấy để giảm tỷ lệ đa thai, không nên chuyển hai phôi bao gồm một phôi tốt và một phôi xấu so với chuyển đơn phôi chất lượng tốt, đặc biệt là giai đoạn phôi nang. Tuy nhiên, nhược điểm của nghiên cứu này là ko có sự đa dạng đặc điểm nền bệnh nhân vì tỷ lệ bệnh nhân trên 35 tuổi tương đối thấp hơn so với nhóm trẻ tuổi (12,07% bệnh nhân từ 36–39 tuổi và 7,31% bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên).
 
Nguồn: Zhu, Q., Lin, J., Gao, H., Wang, N., Wang, B., Wang, Y., & Kuang, Y. (2020). The Association Between Embryo Quality, Number of Transferred Embryos and Live Birth Rate After Vitrified Cleavage-Stage Embryos and Blastocyst Transfer. Frontiers in Physiology, 930.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK