Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 20-09-2021 2:48pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
 

CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh
 
Từ đầu thập niên 1990, các nhà nghiên cứu xem xét hình dạng tinh trùng như là một chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng vô sinh và chứng minh mối quan hệ giữa tinh trùng dị dạng (teratozoospermia) với kết cục thụ tinh kém trong thụ tinh ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF). Các nghiên cứu sau đó đã xác nhận kết quả kém hơn ở các bệnh nhân, bao gồm sự phát triển phôi, tiềm năng làm tổ và tỷ lệ thai lâm sàng thấp. Do đó, hình dạng tinh trùng là một trong những chỉ số để đánh giá nam giới vô sinh cũng như tiên lượng tỷ lệ mang thai trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology - ART). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác tranh cãi về kết cục mang thai ở bệnh nhân teratozoospermia điều trị ART. Bằng chứng từ các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, không có sự khác biệt về kết quả IVF và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI) ở nam giới bị teratozoospermia. Một phân tích tổng hợp kết luận rằng, không có mối liên hệ giữa teratozoospermia và việc giảm tỷ lệ thai lâm sàng trong IVF/ICSI. Cho đến nay, vai trò của hình dạng tinh trùng trong IVF vẫn còn là vấn đề tranh luận.

Đối với những bệnh nhân có chỉ số tinh dịch đồ rất thấp hoặc từng thất bại IVF, việc áp dụng ICSI có thể mang lại kết cục lâm sàng tốt hơn. Nhiều nghiên cứu báo cáo rằng, bệnh nhân teratozoospermia có tỷ lệ thụ tinh và mang thai tương tự so với nam giới có tinh trùng hình dạng bình thường. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho rằng, tinh trùng hình dạng bất thường có ảnh hưởng bất lợi đến khả năng phát triển phôi sau ICSI, dẫn đến giảm sự phát triển và chất lượng phôi nang. Do đó, chưa có sự thống nhất về ảnh hưởng của hình dạng tinh trùng trong điều trị ART và phương pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân này. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này (2021) là đánh giá tác động của teratozoospermia lên kết cục mang thai và tình trạng của trẻ sơ sinh sau IVF/ ICSI.

Phương pháp: Nghiên cứu thực hiện trên 2202 chu kỳ IVF (734 chu kỳ teratozoospermia và 1468 chu kỳ tinh trùng bình thường) và 2574 chu kỳ ICSI (1287 chu kỳ với teratozoospermia và 1287 chu kỳ với tinh trùng bình thường), từ 06/2013 – 06/2018. Teratozoospermia được định nghĩa là tỷ lệ tinh trùng bình thường <4% theo tiêu chuẩn của WHO. Tiêu chuẩn nhận: (1) tinh trùng dị dạng, (2) cặp vợ chồng có karyotype bình thường, (3) bệnh nhân nữ < 35 tuổi và có ít nhất 4 noãn chọc hút được. Tiêu chí loại trừ là bệnh nhân sử dụng tinh trùng thủ thuật, có các bệnh phụ khoa (như hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung…), các khối u ác tính và bệnh tự miễn.

Kết quả: Teratozoospermia và kết quả IVF: Việc sử dụng tinh trùng trữ lạnh ở nhóm teratozoospermia cao hơn so với nhóm tinh trùng bình thường, nhưng thể tích và tổng tinh trùng di động trước lọc không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm (P > 0,05). Nhóm teratozoospermia cho thấy giảm nhẹ tỷ lệ thụ tinh sau IVF, tuy nhiên, không có sự khác biệt so với nhóm tinh trùng bình thường (P>0,05). Mặc dù tỷ lệ mang thai thấp và tỷ lệ bất thường khi mang thai cao hơn ở nhóm teratozoospermia, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Bệnh nhân trong nhóm teratozoospermia có tỷ lệ tăng huyết áp thai kỳ cao hơn đáng kể (4,04% so với 1,95%, P <0,05). Ngoài ra, nhóm teratozoospermia có liên quan đến tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân ở các ca sinh ba (3/3 so với 0/6 , P<0,05).

Teratozoospermia và kết quả ICSI: Nhóm teratozoospermia sử dụng nhiều tinh trùng trữ lạnh hơn so với nhóm tinh trùng bình thường và chất lượng tinh dịch trước lọc rửa tương đối kém (P <0,05). Teratozoospermia không ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh và phát triển phôi trong ICSI, do việc lựa chọn tinh trùng được tối ưu và bước thụ tinh nhân tạo qua trung gian kỹ thuật ICSI. Bên cạnh đó, teratozoospermia không có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả mang thai, bao gồm tỷ lệ thụ tinh, tạo phôi, làm tổ và mang thai (P>0,05) và không liên qua đến các biến chứng thai kỳ sau ICSI. Ngoài ra, không có khác biệt giữa hai nhóm về tuổi thai, khối lượng sơ sinh, tỷ lệ sinh non hoặc tỷ lệ dị tật bẩm sinh (P>0,05).

Tóm lại, teratozoospermia có giá trị tiên lượng giới hạn cho kết cục mang thai trong IVF/ICSI. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về sự an toàn cho trẻ được sinh từ các bệnh nhân này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có thông số đơn lẻ nào có thể đóng vai trò là một yếu tố tiên lượng cho kết quả ART một cách đầy đủ. Ngoài hình dạng tinh trùng, cần phải xem xét toàn diện đối với việc điều trị lâm sàng trường hợp teratozoospermia.
 
Nguồn: Zhou, W. J., Huang, C., Jiang, S. H., và cộng sự (2021). Influence of sperm morphology on pregnancy outcome and offspring in in vitro fertilization and intracytoplasmic sperm injection: a matched case-control study. Asian Journal of Andrology.

Từ khóa: thụ tinh ống nghiệm, ICSI, kết cục sơ sinh, kết cục mang thai, teratozoospermia

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK