Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-09-2021 12:36am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình

Hiện nay xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ (PGT) đang là một phương pháp hiệu quả để thay thế các xét nghiệm chẩn đoán di truyền trước sinh, nhằm tránh các nguy cơ mắc bệnh di truyền cho thai nhi cũng như giảm các biến chứng sản khoa cho người mẹ. PGT giúp xác định các phôi có bất thường về số lượng, cấu trúc NST, các bất thường liên kết NST giới tính và đặc biệt là các bệnh lý rối loạn đơn gen. Cùng với sự phát triển của các kỹ thuật sinh học phân tử, ngày càng nhiều các bệnh lý đơn gen được phát hiện nhờ kỹ thuật PGT, điều này đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ đối với các bệnh đơn gen (PGT-M).
 
Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân thường gặp nhất gây sẩy thai và chiếm hơn 50% các trường hợp sẩy thai tự nhiên. Bên cạnh đó, lệch bội là một trong những nguyên nhân chính gây ra thất bại làm tổ. Tỷ lệ lệch bội tăng theo tuổi mẹ. Theo nghiên cứu của Ata B và cộng sự năm 2012 đã cho thấy  phụ nữ 35–39 tuổi có tỷ lệ phôi lệch bội khoảng 50%, từ 40-42 tuổi tỉ lệ này tăng lên 66,7% và ở nhóm phụ nữ > 42 tuổi có khoảng 80-90% phôi nang lệch bội. Vì vậy, việc chuyển phôi nguyên bội có thể làm tăng cơ hội mang thai lâm sàng, giảm tỷ lệ sẩy thai và cuối cùng làm tăng tỷ lệ sinh sống ở nhóm phụ nữ > 35 tuổi. Trong hai thập kỷ gần đây, việc sàng lọc lệch bội đã được quan tâm nhiều ở những bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả của PGT-A vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một nghiên cứu ngẫu nhiên đa trung tâm cho thấy PGT-A giúp cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sinh sống, giảm tỷ lệ sẩy thai ở nhóm phụ nữ từ 38 đến 41 tuổi sau lần chuyển phôi đầu tiên so với những phụ nữ được chuyển phôi mà không sàng lọc lệch bội; tuy nhiên, không có sự khác biệt về tỷ lệ sinh sống tích lũy giữa hai nhóm.
 
Mặc dù có nhiều nghiên cứu tập trung vào lợi ích của việc sàng lọc lệch bội ở phụ nữ lớn tuổi, nhưng rất ít nghiên cứu được thực hiện trên nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Cho đến nay, chỉ có một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã chứng minh được lợi ích của việc sàng lọc thể lệch bội đối với nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Trong nghiên cứu này, người ta thấy rằng sàng lọc phôi nang lệch bội có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ làm tổ và giảm nguy cơ sẩy thai trong các chu kỳ chuyển phôi trữ nhưng đây là nghiên cứu có cỡ mẫu nhỏ, và tỷ lệ sinh sống lại không được báo cáo.
 
Tuy nhiên PGT-A là một phương pháp chọn lọc phôi trước khi chuyển chứ không phải là phương pháp giúp cải thiện chất lượng phôi. Vì vậy PGT-A có thể làm tăng tỷ lệ làm tổ trong các chu kỳ chuyển phôi đầu tiên nhưng phôi cũng có thể bị tổn thương do quá trình sinh thiết và thủy tinh hóa, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ làm tổ, hoặc bệnh nhân có thể mất phôi do sai sót trong quá trình chẩn đoán hoặc do thể khảm. Vì vậy mục đích của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của việc tầm soát lệch bội ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi có thực hiện PGT-M đối với tỷ lệ thai diễn tiến/tỷ lệ sinh sống.
 
Thiết kế nghiên cứu: Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu (2019), được thực hiện từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017 với 569 chu kỳ chuyển phôi trữ. Bệnh nhân được chia làm hai nhóm. Nhóm tầm soát lệch bội (aneuploidy screening – AS) bao gồm 98 bệnh nhân thực hiện PGT-M kết hợp PGT-A. Tổng cộng có 105 chu kỳ chọc hút với 131 chu kỳ chuyển phôi trữ ở nhóm này. Nhóm thứ hai là nhóm non-AS bao gồm 266 bệnh nhân chỉ thực hiện PGT-M với 280 chu kỳ chọc hút và 438 chu kỳ chuyển phôi trữ.
 
Kết quả: Tầm soát lệch bội đã cải thiện đáng kể tỷ lệ thai diễn tiến/tỷ lệ trẻ sinh sống (61,22% so với 43,98%), tỷ lệ làm tổ (64,29% so với 50,38%) và tỷ lệ trẻ sinh sống (53,06% so với 36,09%) ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi thực hiện PGT-M trong chu kỳ chuyển phôi trữ đầu tiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ sẩy thai cũng giảm đáng kể (3,17% so với 11,94%). Trong các kết quả mang thai tích lũy, tỷ lệ cộng dồn tỷ lệ thai diễn tiến /tỷ lệ sinh sống trên mỗi lần chuyển và trên mỗi bệnh nhân cao hơn đáng kể ở nhóm AS (62,24% so với 50,38% và 79,59% so với 68,80%). Ngoài ra, sàng lọc lệch bội làm giảm khoảng thời gian từ lần chuyển phôi đầu tiên đến khi có thai.
 
Kết luận: Sàng lọc lệch bội giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ thai diễn tiến/tỷ lệ sinh sống ở nhóm phụ nữ trẻ mang bệnh đơn gen trong các chu kỳ FET đầu tiên.
 
Nguồn: Hou, W., Xu, Y., Li, R., Song, J., Wang, J., Zeng, Y., ... & Xu, Y. (2019). Role of aneuploidy screening in preimplantation genetic testing for monogenic diseases in young women. Fertility and sterility, 111(5), 928-935.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK