Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 14-08-2021 1:48pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) là một trong những bệnh nội tiết thường gặp nhất, ảnh hưởng đến khoảng 5% – 15% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Những triệu trứng phổ biến của PCOS là rụng trứng xảy ra  không thường xuyên, không rụng trứng, cường androgen và buồng trứng đa nang. Các bệnh nội tiết khác như kháng insulin và béo phì là những yếu tố quan trọng trong con đường bệnh sinh dẫn tới PCOS, đồng thời ảnh hưởng đến con đường biến dưỡng, gây sẩy thai hay tăng nguy cơ xảy ra biến chứng ở giai đoạn cuối thai kì. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đưa ra những đánh giá chính xác về các biến chứng thai kì thường gặp ở nhóm phụ nữ PCOS.

Nghiên cứu hồi cứu thực hiện phân tích trên tổng số 9074 bệnh nhân lần đầu tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2017. Đối tượng loại của nghiên cứu là những bệnh nhân bị nhiễm virus (HBV, HCV, HIV và giang mai), bệnh nhân trên 38 tuổi, những bệnh nhân được điều trị kích thích buồng trứng bằng GnRH-đối vận và một số trường hợp khác như thông tin phôi và thai không rõ ràng, bất thường nhiễm sắc thể, thai chết trong tử cung, phá thai, thai chết lưu hay thai ngoài tử cung. Bệnh nhân được chẩn đoán bị PCOS khi có từ 2 đến 3 đặc điểm sau: i) kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh, ii) cường androgen sinh hóa hoặc lâm sàng, iii) hình ảnh buồng trứng đa nang thông qua siêu âm. Kinh nguyệt không đều được định nghĩa là có ít hơn 8 chu kì kinh nguyệt trong 1 năm hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày. Không kinh nguyệt là hiện tượng không kinh kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Cường androgen lâm sàng được ghi nhận khi điểm theo thang điểm Ferriman-Galwey lớn hơn 6, cường androgen sinh hóa khi nồng độ testosterone từ 0,481 ng/ml trở lên. Buồng trứng được xem là đa nang khi số nang ≥ 12 nang, đường kính từ 2 – 9 mm và/hoặc thể tích mỗi buồng trứng tăng hơn 10 mL. Sau khi đã so sánh với tiêu chuẩn loại và nhận, số bệnh nhân PCOS là 666 người và số bệnh nhân nhóm đối chứng là 7012 người.

Các đánh giá liên quan đến kết quả thai gồm tỉ lệ làm tổ (implantation rate - IR), tỉ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) và tỉ lệ trẻ sinh sống (live birth rate – LBR). Những kết quả khác như sẩy thai, đa thai, sinh non, đái tháo đường thai kì và tăng huyết áp thai kì cũng được ghi nhận. Trong đó, đái tháo đường thai kì được đánh giá vào tuần thai thứ 24, khi nồng độ glucose máu > 10 mmol/L sau 2 giờ dung nạp 75 g glucose bằng đường uống. Tăng huyết áp thai kì được xác nhận sau 20 tuần mang thai, khi huyết áp tâm thu > 140 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương > 90 mmHg, kết hợp với hiện tượng có hoặc không có protein trong nước tiểu.
         
Đặc điểm của các đối tượng nghiên cứu
Tỉ lệ bệnh nhân PCOS chiếm 8,7% tổng số đối tượng khảo sát. Đặc điểm phổ biến của nhóm bệnh nhân PCOS là kinh nguyệt không đều và có buồng trứng đa nang. Cụ thể, tỉ lệ bệnh nhân PCOS có kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh là 85,7%, bị cường androgen là 61,4%, có buồng trứng đa nang là 78,7% và 25,8% bệnh nhân có đầy đủ 3 đặc điểm. Chỉ số BMI của bệnh nhân PCOS trong nghiên cứu nằm trong khoảng 14,88 – 31,25 kg/m2. Nhóm bệnh nhân PCOS có độ tuổi nhỏ hơn (30 tuổi và 31 tuổi, P < 0,001), chỉ số BMI cao hơn (22,3 và 20,7 kg/m2, P < 0,001) và thời gian vô sinh kéo dài hơn (3,8 và 3,7 năm, P < 0,001). Vô sinh nguyên phát thường gặp ở nhóm bệnh nhân PCOS so với nhóm đối chứng với tỉ lệ lần lượt là 66,8% và 51,2%; P < 0,001. Ngoài ra, các đặc điểm khác như vấn đề về rụng trứng (73,4% và 0,5%), nồng độ cao LH (5,8 và 3,6 IU/L) và nồng độ thấp FSH (5,1 và 5,6 IU/L) cũng được ghi nhận ở nhóm PCOS và so sánh với nhóm đối chứng (các giá trị đều có ý nghĩa thống kê, P < 0,001).

Khi so sánh với nhóm đối chứng, nhóm bệnh nhân PCOS có thời gian điều trị  thích buồng trứng với thời gian sử dụng gonadotropin dài hơn (10 với 9 ngày; P < 0,001), liều gonadotropin sử dụng ít hơn (1650 với 2400 IU; P < 0,001) và nồng độ E2 huyết thanh vào ngày tiêm hCG cao hơn (2602 với 2495 pg/ml; P=0,040). Giữa 2 nhóm nghiên cứu không có khác biệt về độ dày nội mạc tử cung vào trước ngày chuyển phôi (P=0,737).

Nhóm bệnh nhân PCOS có số trứng chọc hút nhiều hơn (15 với 13; P < 0,001), tỉ lệ thụ tinh cao hơn (12 với 10; P < 0,001), số phôi chuyển ít hơn (2,2 với 2,4; P < 0,001), phôi có chất lượng tốt hơn (97,6% với 95,0%; P = 0,002) so với nhóm đối chứng.
         
Các kết quả đánh giá liên quan đến khả năng phát triển của thai
Tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm PCOS cao hơn rõ rệt so với nhóm đối chứng (49,3% với 38,1%, 70,9% với 59,8%, 58,3% với 52.1%; P < 0,001, P < 0,001, P = 0,002). Bên cạnh đó, sẩy thai và đa thai xảy ra phổ biến hơn ở nhóm PCOS với tỉ lệ lần lượt là 16,5% và 42,0%, cao hơn so với nhóm còn lại (11,2% và 35,8%, các khác biệt có ý nghĩa thống kê). Ngoài ra, theo phân tích, tỉ lệ sinh non (< 37 tuần) và tăng huyết áp thai kì ở nhóm phụ nữ PCOS lần lượt là 26,5% và 3,9%, cao hơn so với nhóm đối chứng là 21,9% và 1,6% (P < 0,05). Tuy nhiên, khả năng mắc đái tháo đường thai kì giữa 2 nhóm là tương đương nhau.

Tóm lại, trong nghiên cứu này, khi so sánh với nhóm phụ nữ không mang hội chứng buồng trứng đa nang thì nhóm bệnh nhân PCOS có tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn ở chu kì đầu tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, họ lại đối mặt với nguy cơ cao xảy ra các biến chứng trong quá trình mang thai như sẩy thai, sinh non và tăng huyết áp thai kì.

Lược dịch từ: Liu, S., Mo, M., Xiao, S., Li, L., Hu, X., Hong, L., Wang, L., Lian, R., Huang, C., Zeng, Y. and Diao, L., 2020. Pregnancy outcomes of women with polycystic ovary syndrome for the first in vitro fertilization treatment: A retrospective cohort study with 7678 patients. Frontiers in endocrinology, 11.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK