Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 08-08-2021 8:19pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh

Trong tự nhiên, hệ sinh dục của người phụ nữ có khả năng bảo vệ giao tử và phôi khỏi những tổn thương tiềm ẩn từ môi trường bên ngoài, như ánh sáng nhìn thấy và không nhìn thấy được. Trong các quy trình thụ tinh ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) như tìm noãn, chuẩn bị tinh trùng, kiểm tra thụ tinh, giao tử và phôi phải tiếp xúc với nhiều nguồn ánh sáng khác nhau như ánh sáng từ xung quanh labo phôi học, tủ thao tác vô trùng, kính hiển vi hoặc từ máy ảnh của tủ cấy Time-lapse.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, ánh sáng ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng sinh lý, gây tổn thương cho noãn, tinh trùng và phôi của động vật có vú. Tác hại của ánh sáng có liên quan đến việc hình thành H2O2 trong peroxisomes và ti thể. Flavin trong tế bào nếu hấp thụ ánh sáng có bước sóng <500nm sẽ có khả năng hình thành các gốc oxy hoá tự do (Reactive Oxygen Species – ROS). Ánh sáng cũng có thể tạo ra ROS thông qua quá trình quang hoá các sắc tố trên màng tế bào. Sự hình thành ROS làm thay đổi trạng thái oxy hoá khử và biến đổi cấu trúc của màng tế bào. H2O2 và các sản phẩm chuyển hoá, gốc hydroxyl, có thể gây rối loạn chức năng ti thể và tổn thương tế bào. Ánh sáng cũng có thể ảnh hưởng đến tế bào thông qua kích hoạt các gene gây stress hoặc làm tổn thương DNA trực tiếp thông qua quá trình ion hoá.

Tác hại của ánh sáng phụ thuộc vào thành phần quang phổ. Ánh sáng có bước sóng từ 400 – 500 nm (ánh sáng xanh) đã được chứng minh là nguy hiểm hơn so với những ánh sáng có bước sóng dài hơn của quang phổ nhìn thấy được. Ánh sáng đỏ (625 nm, 0,34 W/m2) được sử dụng trong hệ thống tủ Time-lapse, không làm giảm sự phát triển và chất lượng của phôi nang. Ảnh hưởng sinh học của ánh sáng phụ thuộc vào bước sóng của nó, vì thế, trang bị bộ lọc ánh sáng có thể giúp giảm tác hại của nhân tố môi trường này trong labo IVF. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu là giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn của việc tiếp xúc với ánh sáng trong quy trình IVF.

Phương pháp:
Nghiên cứu được thực hiện từ 01/2016 – 02/2018, các bệnh nhân thực hiện chuyển phôi tươi ở giai đoạn phôi nang ngày 5. Nghiên cứu so sánh kết quả IVF giữa nhóm nghiên cứu (có tránh ánh sáng; n=540) và nhóm thường quy (không có tránh ánh sáng; n=454). Không có sự khác nhau về đặc điểm lâm sàng và dữ liệu labo giữa hai nhóm bệnh nhân. Để bảo vệ giao tử và phôi khỏi nguy cơ tiềm ẩn của ánh sáng, các dụng cụ trong suốt được che bằng một lá nhôm, trang bị bộ lọc màu đỏ lên đèn trong IVF workstation và bộ lọc tia cực tím hay tia hồng ngoại lên nguồn sáng từ kính hiển vi, lazer hỗ trợ thoát màng.

Kết quả:
Về tỷ lệ thụ tinh: Tỷ lệ thụ tinh sau ICSI cao hơn đáng kể (p <0,05) trong nhóm được che ánh sáng (57,5%) so với nhóm thường quy (53,1%). Không có sự khác biệt giữa hai nhóm trong quy trình IVF cổ điển.

Về tỷ lệ phát triển phôi nang: Trong nhóm thực hiện IVF cổ điển, tỷ lệ phát triển phôi nang cao hơn đáng kể ở nhóm nghiên cứu (47,7% ; p <0,001) so với 26,8% trong nhóm được xử lý theo cách thông thường. Trong nhóm thực hiện ICSI, tỷ lệ phát triển phôi nang là 70,3% ở nhóm nghiên cứu, trong khi ở điều kiện thông thường, tỷ lệ phôi nang phát triển chỉ đạt 31,7% (p <0,001).

Về tỷ lệ mang thai lâm sàng: Trong nhóm nghiên cứu, tỷ lệ mang thai lâm sàng (30,8%) cao hơn so với nhóm thường quy (20,9%; p<0,05) ở các trường hợp chỉ định thực hiện ICSI. Trong trường hợp IVF cổ điển, không có sự khác biệt giữa hai nhóm.

Kết luận:
Ánh sáng nhìn thấy được, đặc biệt là ánh sáng xanh dương, là nhân tố môi trường cần được chú ý đến trong quá trình xử lý, vận chuyển giao tử và phôi trong labo IVF. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tránh sáng có ảnh hưởng tích cực lên tỷ lệ thụ tinh và tăng sự hình thành phôi nang cũng như tỷ lệ thai lâm sàng. Việc áp dụng phương pháp tránh sáng này tại các trung tâm IVF có thể cải thiện tỷ lệ thành công.
 
Nguồn: Bódis, J., Gödöny, K., Várnagy, A và cộng sự, (2020); How to reduce the potential harmful effects of light on blastocyst development during IVF; Medical Principles and Practice29(6), 558-564.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK