Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 28-07-2021 8:54pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Nguyễn Thị Minh Phượng, Chuyên viên phôi học – IVFMD Tân Bình

Ghép mô buồng trứng trữ lạnh (OTCT) là một chiến lược đầy hứa hẹn để bảo tồn phục hồi chức năng sinh sản và nội tiết tố ở nữ giới. Phương pháp này hướng đến nhóm đối tượng đang điều trị bằng các liệu pháp gây độc lên tuyến sinh dục, điển hình là điều trị ung thư (Anderson và cs, 2018; Donnez và Dolmans, 2017; Rivas và cs, 2019). Bắt đầu từ thành công đầu tiên vào năm 2004 cho đến cho đến nay, đã có khoảng 200 trẻ được sinh ra từ kỹ thuật này trên toàn thế giới và nó dần trở nên phổ biến (Donnez và cs, 2004, Dolmans và cs, 2020). Bảo quản mô buồng trứng đã được thực hiện thường quy ở 12 quốc gia ở châu Âu, ước tính thực hiện khoảng 2500-6500 ca mỗi năm (Van der Ven và cs, 2016). Các chuyên viên thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu và phòng thí nghiệm phải được trang bị các chuyên dụng. Để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, các liên kết trong hoặc ngoài nước được hình thành với mục đích tạo ra các hướng dẫn trong lĩnh vực này.

Hầu hết các mẫu mô buồng trứng sẽ được vận chuyển đến các trung tâm chuyên biệt với ngân hàng trữ lạnh tập trung vì vậy việc bảo quản vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nên được duy trì khoảng 4°C (Kyoya và cs, 2014 ; Raffelet và cs, 2020Vilela và cs, 2020). Nhiệt độ thấp này đảm bảo rằng sự trao đổi chất của tế bào bị giảm ở các mô/ cơ quan. Do đó, nhu cầu và tiêu thụ oxy giảm (chỉ còn khoảng 10% so với bình thường) từ đó có thể tăng khả năng tồn tại của các mô sau khi tách rời khỏi cơ thể (Beckmann và cs, 2019).

Mặc dù đã có những khuyến cáo về nhiệt độ vận chuyển, tuy nhiên thời gian vận chuyển tối đa có thể chấp nhận được là bao nhiêu? Nghiên cứu sâu hơn về vận chuyển là cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại của mô buồng trứng sau quá trình vận chuyển. Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích đánh giá tác động của việc vận chuyển và bảo quản trong 24 hoặc 48 giờ ở 4 –8°C trước khi bảo quản lạnh.  

Phần vỏ buồng trứng từ 9 bệnh nhân (31,56 ± 3,167 tuổi) mắc bệnh ung thư ác tính được thu nhận bằng phương pháp sinh thiết trước khi bệnh nhân thực hiện điều trị gây độc cho tuyến sinh dục, bảo quản trong 0 giờ, 24 giờ và 48 giờ ở 4 – 8°C trước khi trữ. Khả năng tồn tại của nang, hình thái, quá trình apoptosis của mô, nồng độ các gốc oxy hóa tự do (ROS) và khả năng kháng oxy hóa (TAC) được đánh giá ở mô buồng trứng thu nhận. Sau các thời gian bảo quản khác nhau, phần mô thu nhận sẽ được trữ bằng phương pháp đông lạnh chậm. Quá trình trữ lạnh kéo dài trung bình 7-8 tháng, khả năng tồn tại của nang noãn, quá trình apoptosis, mức độ biểu hiện mRNA của các gen điển hình được đánh giá khi thực hiện nuôi cấy 4 ngày sau rã đông.

Một số kết quả thu nhận được:
  • Khả năng tồn tại: không có sự khác biệt đáng kể giữa ba nhóm (0h, 24h, 48h) trong nhóm mô buồng trứng tươi cũng như trong các nhóm sử dụng buồng trứng đông lạnh- rã đông (0h, 24h, 48h).
  • Tương tự, kết quả ROS, TAC, hấp thụ glucose, quá trình apoptosis cũng không khác biệt khi so sánh giữa các nhóm trong mô buồng trứng tươi và đông lạnh- rã đông.
  • Biểu hiện mRNA ở vỏ buồng trứng đông lạnh- rã đông:
  • Mức độ biểu hiện mRNA của TNFa, HIF-1a hoặc BMP15 giữa 3 nhóm
  • mRNA của các gen GDF9 và BAX / BCL-2 lần lượt thấp hơn và cao hơn ở 48 giờ so với 0 giờ.
  • Tuy nhiên, biểu hiện protein của BCL-2, CASPASE-3, GDF9 và BMP15 không khác nhau giữa các nhóm.
(Trong đó: các gen BCL-2, BAX, TNFa, HIF-1a biểu hiện quá trình apoptosis, quá trình phát triển nang noãn được biểu hiện thông qua gen BMP15GDF9.)

Tóm lại, trong nghiên cứu này việc vận chuyển 4 - 8°C trong 24 giờ hoặc 48 giờ dường như không làm tổn thương mô buồng trứng; tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu về việc vận chuyển mô buồng trứng trong thời gian dài hơn 48 giờ để đưa ra thêm một số kết luận.

Nguồn: Jiaojiao, C., Xiangyan, R., Qi, Z., Yanglu, L., Juan, D., Fengyu, J., ... & Mueck, A. O. (2021). Long-time low-temperature transportation of human ovarian tissue before cryopreservation. Reproductive BioMedicine Online.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK