Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 07-07-2021 4:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Nguyễn Thị Ngọc Nữ - Đơn vị HTSS, Bệnh viện Mỹ Đức

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là rối loạn nội tiết phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các đặc điểm lâm sàng của PCOS bao gồm rối loạn phóng noãn, cường androgen và hình thái buồng trứng dạng đa nang. PCOS có liên quan chặt chẽ đến khả năng sinh sản, bệnh lý chuyển hoá, bệnh tim mạch, gây tăng gánh nặng tinh thần và kinh tế. Thông thường, hiếm muộn ở nhóm phụ nữ có PCOS là do rối loạn phóng noãn và các ảnh hưởng nội tiết – chuyển hoá liên quan đến tình trạng thừa cân – béo phì. Các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng PCOS có liên quan chặt chẽ với béo phì. Sự tương tác của PCOS và béo phì có thể gây nhiều bất lợi cho khả năng thụ thai cũng như các kết cục của thai kỳ.

Với đặc tính phương pháp điều trị đơn giản, không xâm lấn và chi phí thấp, phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) có thể được chỉ định thực hiện kết hợp với gây phóng noãn. Nghiên cứu của Quan và cs vừa công bố năm 2021 đã cung cấp các thông tin liên quan đến các yếu tố tiên lượng thành công cho kỹ thuật IUI ở phụ nữ có PCOS; từ đó, giúp mang lại những cải thiện nhằm tăng kết quả thai sau IUI.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu dựa trên dữ liệu của các cặp vợ chồng đã thực hiện IUI từ tháng 1 năm 2008 đến tháng 3 năm 2019 tại Trung tâm Lâm sàng Y học Sinh sản, Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Liên Vân Cảng, Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tiêu chuẩn nhận của nghiên cứu gồm: bệnh nhân có kết quả chụp tử cung - ống dẫn trứng cản quang (HSG) bình thường, tinh dịch đồ có kết quả bình thường; được chẩn đoán có PCOS theo tiêu chuẩn Rotterdam năm 2003; không thành công sau 3-6 chu kỳ gây phóng noãn và quan hệ tự nhiên. Tiêu chuẩn loại bao gồm: tắc ống dẫn trứng, kết quả tinh dịch đồ bất thường; có bằng chứng viêm nhiễm vùng chậu; lạc nội mạc tử cung. 

Có 451 cặp vợ chồng thỏa điều kiện, được nhận vào nghiên cứu, bao gồm 831 chu kỳ IUI được thực hiện. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 28 tuổi, có 58 chu kỳ (7%) được thực hiện ở nhóm bệnh nhân có độ tuổi ≥35 tuổi. Tỷ lệ thai lâm sàng là 22,6% theo chu kỳ điều trị và 41,7% theo số cặp vợ chồng. Tỷ lệ sẩy thai là 10,6% với chỉ có 1,1% số chu kỳ kết thúc bằng tình trạng thai ngoài tử cung. Có 98,9% thai kỳ là đơn thai và chỉ có 1,1% thai kỳ là song thai.

Để khảo sát ảnh hưởng của chỉ số khối cơ thể - BMI lên kết quả điều trị, các bệnh nhân trong nghiên cứu được chia thành bốn nhóm dựa trên trọng lượng cơ thể: BMI thấp (2,0%), bình thường (36%), thừa cân (38,6%) và béo phì (23,3%). So với nhóm cân nặng bình thường, các nhóm béo phì và thừa cân đòi hỏi liều lượng hMG cao hơn đáng kể với số ngày kích thích buồng trứng nhiều hơn. Tỷ lệ sẩy thai ở nhóm bệnh nhân có cân nặng bình thường thấp hơn so với nhóm bệnh nhân thừa cân và béo phì; tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Đáng chú ý, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở nhóm béo phì cao hơn rõ rệt so với ba nhóm còn lại. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê liên quan đến tình trạng tăng huyết áp thai kỳ và thai to giữa bốn nhóm.

Tỉ lệ thai lâm sàng và sinh sống trong nhóm dùng hMG, clomiphene citrate + hMG và letrozole + hMG cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chỉ dùng clomiphene citrate hay letrozole. Phân tích hồi quy đơn, đa biến ghi nhận loại hiếm muộn là yếu tố tiên lượng độc lập kết quả thai; trong đó, nhóm bệnh nhân hiếm muộn thứ phát có cơ hội mang thai cao hơn so với nhóm hiếm muộn nguyên phát.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ béo phì cần tổng liều hMG nhiều hơn với thời gian điều trị dài ngày hơn. Khi BMI tăng, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ cũng tăng lên theo. Số chu kỳ điều trị và loại vô sinh có thể có giá trị tiên lượng kết cục thai.
 
Nguồn: Guan HJ, Pan LQ, Song H, Tang HY, Tang LS. Predictors of pregnancy after intrauterine insemination in women with polycystic ovary syndrome. J Int Med Res. 2021 May;49(5):3000605211018600. doi: 10.1177/03000605211018600. PMID: 34038202; PMCID: PMC8161844.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Mối quan hệ giữa stress và vô sinh - Ngày đăng: 02-07-2021
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK