Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-07-2021 4:06pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVFMD Vạn Hạnh

Chuyển phôi trữ (frozen embryo transfer – FET) đang được áp dụng rộng rãi do nhiều nguyên nhân như tỉ lệ thai cao, tỉ lệ sinh non hay nhẹ cân cũng như tỉ lệ tử vong chu sinh thấp. Mặt khác, xu hướng trữ lạnh toàn bộ phôi đang được áp dụng rộng rãi, góp phần cải thiện hiệu quả ứng dụng trong thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization – IVF). Nghiên cứu của Jiayi Wu và các cộng sự được thực hiện và công bố vào tháng 11/2019 nhằm đánh giá tỉ lệ thai, tỉ lệ sinh sống giữa trữ phôi toàn bộ - chuyển phôi trữ và chuyển phôi tươi ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung nặng.

Nghiên cứu được thực hiện trên 1651 bệnh nhân, gồm 506 bệnh nhân ở nhóm phôi trữ và 255 bệnh nhân ở nhóm phôi tươi từ tháng 3/2006 đến tháng 3/2017, với tiêu chuẩn nhận bao gồm: 1) bệnh nhân được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, xếp loại từ III đến IV theo hệ thống ASRM, 2) có thực hiện chu kì chuyển phôi tươi hoặc trữ vào ngày 3 ở các ca thực hiện IVF lẫn ICSI, 3) được theo dõi cho đến cuối thai kì. Tiêu chuẩn loại gồm: 1) chuyển đồng thời phôi của nhiều chu kì kích thích buồng trứng khác nhau, 2) bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang, 3) các bệnh liên quan đến tử cung như polyp lòng tử cung, u xơ tử cung.

Phôi được đánh giá vào D3, chỉ những phôi giai đoạn phân chia có chất lượng tốt (có ít nhất 6 phôi bào cùng tỉ lệ phân mảnh ≤ 20%) mới được chọn để chuyển. Ở nhóm phôi tươi, tất cả bệnh nhân được chọn phôi để chuyển trước, phôi còn lại sẽ được trữ lạnh trong khi ở nhóm phôi trữ, tất cả phôi D3 có chất lượng tốt sẽ được trữ lạnh và chuyển phôi sau đó.

Các đặc điểm nền giữa hai nhóm không tương tự nhau, do đó, để khắc phục sự khác biệt này, nhóm nghiên cứu thực hiện hồi quy logistic và tìm ra 16 đặc điểm chung của 2 nhóm bao gồm: tuổi, chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI), thời gian vô sinh, thai kỳ, đặc điểm nội tiết (FSH, LH, E2, P, và số lượng nang noãn thứ cấp), các nguyên nhân vô sinh (nam và nữ), phương pháp thực hiện, số noãn chọc hút, số phôi hữu dụng, số phôi đã chuyển.
Nghiên cứu tập trung vào tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống. Tỉ lệ làm tổ được tính dựa trên số túi thai hình thành/tổng số ca chuyển phôi. Tỉ lệ thai lâm sàng được tính dựa trên số túi thai có tim. Tỉ lệ trẻ sinh sống được tính dựa trên số lượng bệnh nhân sinh thành công ít nhất 1 trẻ. Sẩy thai được tính khi thai mất vào trước 12 tuần.

Tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm chuyển phôi trữ cao hơn so với nhóm phôi tươi, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, lần lượt là OR 1.60 (95% CI, 1.26 – 2.02; P < 0.001), OR 1.69 (95% CI, 1.25–2.30; P < 0.001), OR 1.74 (95% CI, 1.27–2.39; P < 0.001). Mặt khác, khi số noãn chọc hút hơn 15 thì tỉ lệ thai lâm sàng (61.6% vs 21.7%; OR 5.79; 95% CI, 2.49–13.46, P < 0.001), tỉ lệ trẻ sinh sống (57.5% vs. 21.7%; OR 4.88; 95% CI, 2.10–11.30, P < 0.001) ở nhóm phôi trữ cao có ý nghĩa so với nhóm phôi tươi. Các tỉ lệ khác gồm tỉ lệ thai sinh hóa, tỉ lệ sẩy thai, thai ngoài tử cung, đa thai không khác biệt giữa 2 nhóm. Các đặc điểm trẻ sinh sống như đơn thai, đa thai, giới tính, cân nặng lúc sinh… không có sự khác biệt giữa hai nhóm.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng phân tích tỉ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) và tỉ lệ trẻ sinh (live birth rate – LBR) dựa trên phương pháp thụ tinh là IVF hoặc ICSI (bao gồm ICSI và IVF+ICSI). Ở nhóm IVF, CPR và LBR có khác biệt giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ (P < 0.001). Tuy nhiên, kết quả CPR và LBR nhóm ICSI lại có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Từ kết quả đã ghi nhận, nghiên cứu cho thấy đối với nhóm bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung nặng, phương pháp chuyển phôi trữ giúp cải thiện tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống so với chuyển phôi tươi.

Lược dịch từ: Wu, J., Yang, X., Huang, J., Kuang, Y. and Wang, Y., 2019. Fertility and neonatal outcomes of freeze-all vs. fresh embryo transfer in women with advanced endometriosis. Frontiers in endocrinology, 10, p.770.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK