Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 10-12-2020 2:26pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Đỗ Dương Ngọc – Phòng khám Ngọc Lan
 
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) chiếm 8-13% phụ nữ ở tuổi sinh sản. Phụ nữ có PCOS gia tăng nguy cơ bị hiếm muộn, mắc hội chứng chuyển hóa, rối loạn tâm lý. Tình trạng béo phì cũng làm trầm trọng hơn các triệu chứng của PCOS. Chính vì vậy, việc quản lý cân nặng (giảm cân, duy trì cân nặng hoặc ngăn sự tăng cân trở lại) hay thay đổi lối sống kết hợp với chế độ ăn kiêng, luyện tập thể dục và các can thiệp hành vi khác được cho là chiến lược điều trị đầu tay.

Để đánh giá hiệu quả của điều trị thay đổi lối sống đối với cải thiện khả năng sinh sản, Siew và cộng sự đã tiến hành một phân tích gộp từ hệ thống dữ liệu Cochrane được cập nhật đến tháng 3/2018, phân tích những thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng so sánh kết cục sinh sản ở phụ nữ có PCOS sau khi can thiệp thay đổi lối sống (kết hợp với ăn kiêng, tập thể dục, thay đổi hành vi) so với không can thiệp hoặc can thiệp tối thiểu.

Các thử nghiệm được đánh giá là độc lập trên các tiêu chí chất lượng bằng chứng, nguy cơ sai lệch và cách trích xuất dữ liệu. Kết quả chính được ghi nhận là tỷ lệ trẻ sinh sống, sẩy thai và có thai. Kết quả phân tích gộp đánh giá dữ liệu từ 15 nghiên cứu với 498 phụ nữ tham gia. Trong đó, có 10 nghiên cứu so sánh hoạt động thể chất với việc ăn kiêng kèm can thiệp hành vi hoặc không can thiệp, 5 nghiên cứu so sánh việc phối hợp ăn kiêng, tập thể dục và có can thiệp hành vi so với nhóm không can thiệp. Một nghiên cứu so sánh giữa có can thiệp hành vi với can thiệp tối thiểu.

Nguy cơ sai lệch trong các nghiên cứu là khác nhau: 8 nghiên cứu có thiết kế phù hợp, 7 nghiên cứu có bác sĩ lâm sàng hoặc người đánh giá kết quả phù hợp mù, 7 nghiên cứu không trình bày cách phân bố mẫu, 6 nghiên cứu có dữ liệu kết cục hoàn chỉnh và 6 nghiên cứu không có báo cáo chọn lọc. Không có nghiên cứu nào đánh giá kết quả tỷ lệ trẻ sinh sống và tỷ lệ sẩy thai. Không có nghiên cứu báo cáo về kết cục cải thiện chu kỳ kinh đều sau can thiệp.

Kết quả phân tích gộp cho thấy, can thiệp lối sống có thể làm giảm bớt tình trạng cường androgen qua đánh giá chỉ số FAI (free androgen index) (MD ‐1,11, 95% CI ‐1,96 đến ‐0,26, 6 RCTs, N = 204, I2 = 71%, mức độ chứng cứ thấp), giúp giảm cân nặng (MD ‐1,68 kg, 95% CI ‐2,66 đến ‐0,70, 9 RCTs, N = 353, I2 = 47%, mức độ chứng cứ thấp), giảm BMI (kg/m2) (‐0,34 kg/m2, 95% CI ‐0,68 đến ‐0,01, 12 RCTs, N = 434, I2= 0%, mức độ chứng cứ thấp). Kết quả chưa khẳng định được việc can thiệp lối sống có hiệu quả trong việc cải thiện chuyển hóa dung nạp đường hay không (mmol/L/phút) (SMD 0,02, 95% CI 0,38 đến 0,33, 3 RCTs, N = 121, I2 = 0%, mức độ chứng cứ thấp).

Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng can thiệp lối sống có thể cải thiện chỉ số FAI và BMI trên phụ nữ PCOS nhưng không khẳng định được hiệu quả của can thiệp lối sống trên chuyển hóa dung nạp đường. Không có nghiên cứu nào về hiệu quả của can thiệp lối sống về tỷ lệ sinh sống, sẩy thai hoặc kinh đều. Hầu hết các nghiên cứu trong báo cáo này đều có chất lượng thấp chủ yếu vì nguy cơ sai lệch cao hoặc không rõ ràng trên hầu hết các biến và do sự không đồng nhất về chỉ số FAI.

Nguồn: Siew S Lim, Samantha K Hutchison, Emer Van Ryswyk, Robert J Norman, Helena J Teede, Lisa J Moran. Lifestyle changes in women with polycystic ovary syndrome. Cochrane Database of Systematic Reviews 28 March 2019.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK