Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 27-10-2020 9:32am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Bs. Lê Tiểu My

Thai giới hạn tăng trưởng chọn lọc (sIUGR) được định nghĩa là tình trạng bất tương xứng cân nặng hai thai hơn 25% và cân nặng ước đoán của thai nhỏ dưới bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 10 – 15% thai kỳ song thai một bánh nhau và là một trong những tai biến có khả năng làm tăng bệnh suất và tử vong chu sinh.

Phân loại sIUGR có 4 nhóm, trong đó nhóm III chiếm khoảng 1/5 các trường hợp sIUGR. Đặc điểm chẩn đoán sIUGR nhóm III trên siêu âm bao gồm đảo ngược hoặc mất sóng cuối tâm trương động mạch rốn ở thai nhỏ. Quản lý lâm sàng đối với phân nhóm này thật sự là một thử thách khó khăn vì tỷ lệ tử vong cao (15-20%), ngay cả khi hai thai sống, khả năng tổn thương não cũng cao. Tuy nhiên, sIUGR nhóm III khá hiếm, dữ liệu hoặc nghiên cứu lớn đánh giá về quản lý và kết cục thai kỳ vẫn còn ít, do đó vẫn chưa có bằng chứng xác định chiến lược quản lý tối ưu.

Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đa trung tâm được thực hiện, nhằm đánh giá lại nguy cơ tử vong thai và biến chứng của sIUGR nhóm III theo tuổi thai. Nhóm nghiên cứu tổng hợp dữ liệu của tất cả các trường hợp sIUGR ở song thai một bánh nhau được quản lý tại 9 trung tâm trong khoảng thời gian 12 năm. Kết cục bất lợi tổng hợp ở trẻ sơ sinh được đánh giá là tử vong sơ sinh, thông khí xâm lấn sau thời gian hồi sức, nhiễm trùng huyết có kết quả cấy máu, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não thất (IVH)> độ I, bệnh võng mạc do sinh non từ giai đoạn II trở lên hoặc tổn thương não do thiếu máu cục bộ.

Tổng cộng có 328 trường hợp song thai (656 thai nhi). Sau khi loại trừ các trường hợp có giảm chọn lọc (n = 18, 5,5%), có 51 (8,3%) thai chết trong tử cung ở 35 trường hợp (11,3%). Tử vong đơn thai xảy ra ở 19 (5,8%) trường hợp và tử vong cả hai thai xảy ra ở 16 ca (4,9%). Nguy cơ tử vong thai giảm từ 8,1% (95% CI 5,95-10,26) khi 16 tuần, giảm còn dưới 2% (95% CI 0,59‐2,79) sau 28,4 tuần và xuống dưới 1% (95% CI ‐0,30 ‐1,89) sau 32,6 tuần. Trong trường hợp sIUGR loại III không biến chứng thường được chấm dứt thai kỳ chủ động, chủ yếu là mổ lấy thai vào tuần thứ 32 thai kỳ, khi đó nguy cơ kết cục sơ sinh bất lợi tổng hợp là 29% (31/107 trẻ sơ sinh). Đối với những trường hợp song thai theo dõi đến 34 tuần, nguy cơ thai chết lưu rất thấp (0,7%) và nguy cơ kết cục bất lợi cũng thấp (11%).

Như vậy, trong đoàn hệ được đánh giá, nguy cơ thai chết lưu của sIUGR nhóm III thấp hơn so với các báo cáo đã từng công bố trước đây. Do đó cần xác định các yếu tố dự báo nguy cơ tử vong của thai nhi và chiến lược quản lý trước sinh tối ưu để có thể theo dõi thai kỳ an toàn đến sau 33 tuần tuổi thai. Các nhà nghiên cứu nhìn nhận nghiên cứu còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như dạng thiết kế hồi cứu, do đó cần thực hiện những thử nghiệm sâu hơn, đánh giá theo chiều dọc về tăng trưởng, dịch ối, các chỉ số Doppler để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng kết cục thai kỳ chính xác hơn.
 
Lược dịch từ: Outcomes of monochorionic twin pregnancies complicated by Type-III selective fetal growth restriction. Ultrasound in Obstetrics & Gynecology – Oct 2020. https://doi.org/10.1002/uog.23515
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK