Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 04-09-2015 3:06pm
Viết bởi: Administrator
CN. Hoàng Thị Bích Tuyền

ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hyaluronan – một loại glycoprotein, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phôi làm tổ lên nội mạc tử cung, từ đó cải thiện tỉ lệ có thai. Hyaluronan là hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong tử cung và vòi trứng, bề mặt của phôi người cũng có các thụ thể cho hyaluronan. Hyaluronan được cho là hỗ trợ quá trình làm tổ bằng nhiều cách: gia tăng sự bám dính của phôi vào nội mạc tử cung, tác động với các nhân tố tăng trưởng, thúc đẩy sự làm tổ, sự tạo mạch máu và có vai trò nhất định trong việc chuẩn bị nội mạc cho sự làm tổ để tăng tính chấp nhận đối với phôi.

Nghiên cứu của Schoolcraft và cộng sự (2002) ở Colorado, Hoa Kỳ cho thấy việc bổ sung hyaluronan vào môi trường chuyển phôi giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ làm tổ của phôi người. Một nghiên cứu gần đây cũng chứng minh có sự gia tăng về tỉ lệ có thai khi phôi được chuyển trong môi trường bổ sung hyaluronan đối với cả phôi trong giai đoạn phân chia và phôi blastocyst (Urman và cs., 2008). Nghiên cứu của Balaban và cộng sự (2004) cho thấy việc bổ sung hyaluronan vào môi trường chuyển phôi cũng giúp gia tăng tỉ lệ có thai ở những chu kỳ chuyển phôi trữ đông.


Embryo Glue là một loại môi trường có nồng độ hyaluronan cao, thường được sử dụng trong chuyển phôi cho các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi lựa chọn sẽ được cho vào môi trường Embryo Glue để ổn định một khoảng thời gian trước khi được load vào catheter chuyển phôi để đưa vào tử cung của bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến khoảng thời gian tối ưu load phôi vào Embryo Glue để ổn định trước khi tiến hành chuyển phôi. Nghiên cứu này của chúng tôi khảo sát sự khác biệt về kết quả có thai giữa 2 nhóm có thời gian load phôi vào Embryo Glue khác nhau, nhằm góp phần hoàn thiện qui trình chuyển phôi, giúp cải thiện tỉ lệ có thai ở các bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được tiến hành trên 198 trường hợp chuyển phôi trữ lạnh tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương từ tháng 08/2013 đến hết tháng 12/2013.
Tiêu chuẩn loại trừ: những chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh ngày 5, những chu kỳ rã phôi nhưng không có phôi để chuyển.

THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Mô tả cắt ngang.

PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH
Chuẩn bị nội mạc tử cung
Bệnh nhân được siêu âm kiểm tra vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh, bệnh nhân sử dụng estrogen (Progynova 2mg) từ 8 đến 12 ngày đến khi nội mạc tử cung đạt được kích thước >8mm. Bệnh nhân sẽ sử dụng progesterone (Utrogestan 600 mg/ngày chia 3 lần đặt âm đạo) trong 3 ngày trước chuyển phôi.

Lựa chọn phôi chuyển
Phôi được rã đông chủ yếu là phôi ngày 3. Những phôi được chọn để chuyển sau rã đông phải có các phôi bào đồng đều, bào tương có độ chiết quang sáng, tỉ lệ mảnh vỡ bào tương ≤25%. Những phôi tốt là phôi có 8 tế bào, tỉ lệ mảnh vỡ bào tương ≤10%.
Phôi sau rã đông được để ổn định trong môi trường ở 370C, 6% CO2. Tiến hành hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser, sau đó chuyển vào môi trường Embryo Glue và để ổn định ở 370C, 6% CO2 cho đến lúc tiến hành chuyển phôi. Ghi nhận thời gian từ lúc load phôi vào môi trường Embryo Glue đến lúc chuyển phôi. Chúng tôi chia 2 nhóm thời gian để so sánh: nhóm 1 (thời gian ≤60 phút) và nhóm 2 (thời gian >60 phút).

Đánh giá có thai
Định lượng β-hCG huyết thanh vào ngày 14 sau chuyển phôi. Siêu âm 4 tuần sau chuyển phôi.

PHÂN TÍCH SỐ LIỆU
Sử dụng phần mềm SPSS 18.0.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bảng 1. Đặc điểm bệnh nhân giữa 2 nhóm
  Nhóm 1 Nhóm 2 P-value
Tuổi trung bình (X ± SD) 32,31 ± 4,59 31,45 ± 4,77 0,744
Nội mạc tử cung (X ± SD) 9,57 ± 1,25 9,81 ± 1,53 0,250
Bảng 2. So sánh kết quả giữa 2 nhóm
  Nhóm 1 Nhóm 2 P-value
Vị trí chuyển phôi (X ± SD) 11,34 ± 2,78 11,80 ± 2,82 0,495
Số phôi chuyển (X ± SD) 2,85 ± 0,60 2,75 ± 0,56 0,934
Số phôi tốt (X ± SD) 0,62 ± 0,61 0,59 ± 0,63 0,426
Bảng 3. Kết quả có thai giữa 2 nhóm
Kết quả có thai Nhóm 1 Nhóm 2 P-value
Tỉ lệ β-hCG dương tính 37,31% (50/134) 51,56% (33/64) 0,041
Tỉ lệ thai lâm sàng 35,82% (48/134) 48,44% (31/64) 0,048

BÀN LUẬN
Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
Tuổi trung bình của bệnh nhân ở 2 nhóm lần lượt là 32,31 ± 4,59 ở nhóm 1 và 31,45 ± 4,77 ở nhóm 2, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tuổi trung bình ở 2 nhóm bệnh nhân khá trẻ, nằm trong độ tuổi sinh sản.
Các bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đều đạt độ dày niêm mạc tử cung trung bình vào ngày chuyển phôi ở 2 nhóm lần lượt là 9,57 ± 1,25 ở nhóm 1 và 9,81 ± 1,53 ở nhóm 2 (không khác biệt có ý nghĩa thống kê). Độ dày niêm mạc tử cung đều đạt tối thiểu trên 8mm, khá thuận lợi cho sự làm tổ của phôi.

Kết quả có thai
Các yếu tố liên quan đến quá trình chuyển phôi ở nhóm 1 và nhóm 2 như vị trí chuyển phôi (11,34mm so với 11,80mm), số phôi chuyển (2,85 so với 2,75) cũng như số phôi tốt (0,62 so với 0,59) đều không ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của nhóm 1 so với nhóm 2 về tỉ lệ có thai sinh hóa (37,31% so với 51,56%, P<0,05) cũng như tỉ lệ thai lâm sàng (35,82% so với 48,44%, P<0,05). Như vậy ở nhóm bệnh nhân có phôi nằm trong Embryo Glue từ 60 phút trở lên, tỉ lệ có thai sinh hóa cũng như tỉ lệ thai lâm sàng đều cao hơn so với nhóm bệnh nhân có phôi nằm trong Embryo Glue dưới 60 phút. Điều này chứng tỏ việc giữ phôi ổn định trong Embryo Glue với thời gian dài (tối thiểu trên 60 phút) trước khi chuyển phôi có xu hướng làm gia tăng khả năng làm tổ của phôi trên nội mạc tử cung.

Hyaluronan – thành phần chính trong Embryo Glue là một kết cấu đại phân tử có đặc tính ưa nước mạnh, giúp hình thành một dung dịch gel ngậm nước và thúc đẩy sự giãn rộng không gian ngoại bào, tạo thuận lợi cho sự di cư của tế bào và sự hình thành mạch máu. Nó tạo thành một lớp phủ xung quanh tế bào, làm ảnh hưởng sâu sắc đến đặc tính di cư và đặc tính kết dính của tế bào. Một điều cần ghi nhận là trên bề mặt phôi người có thụ thể CD44 – một thụ thể của hyaluronan.

Như vậy, khi để phôi trong Embryo Glue càng lâu, hyaluronan trong Embryo Glue sẽ bao bọc xung quanh phôi tạo thành một lớp bao phủ hoàn hảo để tăng tính kết dính của phôi lên trên niêm mạc tử cung, từ đó cải thiện khả năng gắn kết và làm tổ của phôi.

KẾT LUẬN
Những kết quả từ nghiên cứu này mở ra một cách nhìn nhận mới cho việc theo dõi, xác định thời điểm tối ưu để load phôi vào môi trường Embryo Glue trước khi chuyển phôi để giúp hoàn thiện qui trình chuyển phôi, góp phần cải thiện tỉ lệ có thai ở những bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Từ khóa: EMBRYO GLUE
Các tin khác cùng chuyên mục:
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung - Ngày đăng: 20-05-2015
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK