Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 30-10-2015 11:54pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM


Sử dụng quá nhiều kháng sinh trong giai đoạn sớm của thời thơ ấu có thể dẫn tới tăng cân, tăng phát triển xương và làm biến đổi hệ vi khuẩn ruột, theo một nghiên cứu mới được đăng trên “Nature Communications”.

                           

Trung bình trẻ em tại Hoa Kỳ nhận 3 đợt kháng sinh khi trẻ 2 tuổi và
10 đợt kháng sinh khi trẻ lên 10 tuổi.
 
Theo nhóm nghiên cứu, bao gồm TS. Martin Blaser của Trường Y khoa NYU Langone tại Trung tâm Y khoa NYU Langone ở New York, Hoa Kỳ, có 262 triệu đợt kháng sinh được kê toa cho bệnh nhân ngoại trú tại Hoa Kỳ vào năm 2011 – tương đương với 842 đợt trên 1000 người mỗi năm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy việc sử dụng kháng sinh nhiều nhất ở trẻ dưới 10 tuổi, với trung bình trẻ em ở Hoa Kỳ nhận 3 đợt kháng sinh khi trẻ 2 tuổi và 10 đợt kháng sinh khi trẻ lên 10 tuổi.
 
Những nghiên cứu trước đây đều gợi ý rằng việc phơi nhiễm kháng sinh sớm có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Vào năm 2014, một nghiên cứu báo cáo rằng việc sử dụng nhiều kháng sinh trước 2 tuổi có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ béo phì ở giai đoạn sớm của thời thơ ấu, trong khi đó một nghiên cứu khác cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng kháng sinh khi trẻ còn nhỏ với sự gia tăng nguy cơ viêm khớp mạn thiếu niên vô căn.
 
Tuy nhiên, TS. Blaser và các đồng nghiệp lưu ý rằng những kết quả thu được từ những nghiên cứu trước đây thông qua phân tích những hậu quả của việc sử dụng nhiều kháng sinh liều thấp trên động vật, trong khi đó con người nhận nhiều loại kháng sinh ở liều cao hơn gấp gần 10 đến 100 lần. Do đó, theo nhóm nghiên cứu, có thể đặt nghi vấn cho tính xác thực của các nghiên cứu này trên con người. Chính vì vậy, nhóm quyết định tiến hành nghiên cứu việc sử dụng kháng sinh khi còn nhỏ trên chuột.
 
Nhóm nghiên cứu cho chuột cái còn nhỏ 3 đợt kháng sinh ngắn ngày của các kháng sinh phổ biến: amoxicillin, tylosin – loại kháng sinh gần đây không được kê toa cho trẻ em nhưng tương tự một nhóm kháng sinh, gọi là macrolide – hoặc kết hợp cả hai loại kháng sinh. Những con chuột trên được cho cùng số lượng toa kháng sinh với cùng một liều mà trung bình trẻ nhận được trong 2 năm đầu tiên, và nhóm chuột này được so sánh với nhóm chứng bao gồm những con chuột không được cho kháng sinh.
 
So sánh với nhóm chuột chứng, những con chuột điều trị với amoxicillin hoặc tylosin hoặc kết hợp cả hai đều được ghi nhận thấy tăng cân nhiều hơn và phát triển xương to hơn. Hơn thế nữa, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy cả hai loại kháng sinh đều gây ảnh hưởng tới hệ vi sinh đường ruột – thành phần của vi khuẩn ruột – của chuột. Kháng sinh tác động lên những loài vi khuẩn đang hiện diện, cũng như số lượng gen liên quan đến các chức năng chuyển hoá nhất định.
 
“Kháng sinh làm biến đổi hệ sinh thái vi sinh liên quan tới sự phong phú của các sinh vật, tính đa dạng, và cũng như cái mà chúng tôi gọi là cấu trúc cộng đồng, hoặc bản chất tự nhiên của các thành phần” – TS. Blaser giải thích. Các phát hiện cũng cho thấy tylosin có ảnh hưởng mạnh mẽ lên độ trưởng thành của hệ vi khuẩn ruột hơn amoxicillin, và hậu quả này sẽ tăng lên nếu gia tăng số đợt kháng sinh sử dụng. Đồng tác giả chính của nghiên cứu, TS. Laura Cox, của Khoa Y tại Trường Y khoa NYU Langone, phát biểu: “Chúng tôi ghi nhận một sự gián đoạn nhỏ của quá trình trưởng thành sau đợt sử dụng kháng sinh thứ 2, và sau đó chúng tôi nhận thấy sự gián đoạn này ngày càng gia tăng sau 3 đợt kháng sinh”.
 
Hơn thế nữa, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hệ vi khuẩn ruột của chuột được cho kháng sinh biểu hiện khả năng thích nghi với những biến đổi trong môi trường thấp hơn. Ví dụ như, khi chuột chuyển từ chế độ ăn chuẩn sang chế độ ăn nhiều mỡ, hệ vi khuẩn ruột của những con chuột chứng sẽ thích nghi với môi trường mới trong vòng 1 ngày. Tuy nhiên, một vài con chuột được cho amoxicillin lại mất tới hàng tuần mới có thể thích nghi được. TS. Cox cho biết: “Ở những con chuột được điều trị với tylosin, một số hệ vi khuẩn không đáp ứng với chế độ ăn nhiều mỡ cho tới hàng tháng sau”.
 
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, vẫn còn chưa rõ những sự biến đổi cho hệ vi khuẩn ruột có ý nghĩa gì và liệu chúng có liên quan tới sự gia tăng cân nặng và phát triển xương hay không. Hơn thế nữa, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng các kết quả họ tìm thấy được là trên chuột chứ không phải trên người.
 
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện của họ nhấn mạnh ảnh hưởng tiêu cực của việc phơi nhiễm kháng sinh sớm trong giai đoạn tuổi nhỏ có thể tiếp tục gia tăng: “Bởi vì những kháng sinh chúng tôi sử dụng đại diện cho những nhóm kháng sinh được kê toa rộng rãi nhất cho trẻ em, và rằng những phát hiện của chúng tôi phù hợp với những hậu quả của việc phơi nhiễm kháng sinh dưới điều trị trong giai đoạn tuổi nhỏ, mô hình mới này bổ sung vào các giả thuyết cho rằng phơi nhiễm kháng sinh trong giai đoạn tuổi nhỏ có thể gây ra những hậu quả trên chuyển hoá và phát triển lâu dài, như các nghiên cứu dịch tễ học ở mô hình động vật và con người đã gợi ý”.

(Nguồn: medicalnewstoday 07/2015)
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK