Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 02-04-2021 9:07am
Viết bởi: Khoa Pham
NHS Võ Dương Ý Như - IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức

Tổng quan
Béo phì là một trong những yếu tố có liên quan đến kết cục hỗ trợ sinh sản. Cho dù bệnh nhân béo phì có dự trữ buồng trứng tốt và trẻ tuổi đi nữa, họ thường có nguy cơ đáp ứng kém với kích thích buồng trứng và tăng nguy cơ sẩy thai sớm. Một phân tích gộp gần đây của tác giả Maheshwari A và cộng sự cho thấy bệnh nhân có BMI từ 25 kg/m2 trở lên có tỷ lệ mang thai thấp hơn so với phụ nữ có BMI bình thường (OR 0.71; 95% CI 0.62–0.81) (1).

Bệnh nhân béo phì có thể cần liều gonadotropin (FSH) cao hơn để đạt được đáp ứng buồng trứng thích hợp, có thể do sự gia tăng chất béo tích luỹ dưới da. Một nghiên cứu so sánh đường tiêm bắp với đường tiêm dưới da, dùng FSH tái tổ hợp (rFSH) cho phụ nữ béo phì điều trị TTTON đã không tìm thấy bằng chứng cho sự khác biệt đáng kể về nồng độ tối đa (Cmax), thời gian đạt nồng độ tối đa (Tmax), và mức độ của sự hấp thu (diện tích dưới đường cong [AUC]).

Tỷ lệ có thai lâm sàng thấp hơn ở phụ nữ béo phì có thể liên quan đến chất lượng noãn, hoặc nội mạc tử cung, hoặc cả hai. Chất lượng noãn kém hơn, tỷ lệ thụ tinh thấp hơn 45% ở phụ nữ béo phì so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Nghiên cứu của Wittemer C và cộng sự cho thấy ở phụ nữ dưới 35 tuổi, béo phì có ảnh hưởng xấu đến số phôi trung bình, số phôi hữu dụng và số phôi trữ (2).

Nghiên cứu từ các chu kỳ xin noãn ghi nhận, nếu chuyển phôi chất lượng tốt, người hiến noãn có BMI bình thường cho người xin noãn béo phì, tỷ lệ có thai vẫn giảm. Điều này cho thấy, béo phì có thể ảnh hưởng đến sự chấp nhận của nội mạc tử cung.
Chất lượng noãn kém và khiếm khuyết nội mạc tử cung ở bệnh nhân béo phì cũng có thể giải thích nguy cơ sẩy thai và sẩy thai liên tiếp tăng cao.

Mục đích của việc hỗ trợ sinh sản không chỉ đơn thuần là có được một thai kỳ lâm sàng, mà là có một thai sinh sống khỏe mạnh. Bệnh nhân béo phì có thai sau hỗ trợ sinh sản có nguy cơ mắc một số biến cố thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Ngoài sẩy thai sớm, còn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ và tăng huyết áp (cả hai tình trạng này được chứng minh là tỷ lệ thuận với BMI) và các biến chứng của thai nhi như nguy cơ dị tật về tim và ống thần kinh cao hơn.

Các khuyến cáo
Chìa khóa để cải thiện kết cục sinh sản ở một bệnh nhân béo phì là giảm cân. Ngay cả việc giảm 10% trọng lượng cơ thể cũng có thể dẫn đến sự cải thiện nhanh chóng về nội tiết tố và cải thiện cơ hội thụ thai.

Giảm cân nên đạt được chủ yếu thông qua thay đổi lối sống và hoạt động thể chất. Hiện tại, không đủ bằng chứng để khuyến nghị một chế độ ăn uống đặc biệt. Tương tự, không có bằng chứng nào hỗ trợ để khuyến nghị cho một chương trình hoạt động thể chất chính xác hàng ngày, mặc dù một nghiên cứu đã chứng minh rằng nguy cơ vô sinh giảm 5% với mỗi giờ, mỗi tuần hoạt động thể chất mạnh mẽ.

Thuốc để giảm cân cũng có thể được xem xét khi bệnh nhân không giảm được ít nhất 10% trọng lượng cơ thể mặc dù thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Loại thuốc hứa hẹn nhất trong nhóm bệnh nhân này là orlistat, một chất ức chế lipase. Lợi thế của thuốc này là ít có nguy cơ trên thai nhi. Hơn nữa, hiệu quả của nó trong việc phục hồi khả năng phóng noãn và bình thường hóa nội tiết tố đã được chứng minh trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.

Phẫu thuật giảm cân cũng là một lựa chọn cho những phụ nữ béo phì không thể giảm cân bằng các biện pháp khác. Các hướng dẫn của Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị, Vương Quốc Anh (NICE, UK) nói rằng “Phẫu thuật được khuyến cáo là lựa chọn điều trị cho những người mắc bệnh béo phì (chỉ số khối cơ thể bằng hoặc lớn hơn 40 kg/m2) hoặc với chỉ số BMI bằng hoặc lớn hơn 35 kg/m2 và có các bệnh đồng mắc mà có thể được cải thiện nhờ giảm cân”. Kỹ thuật phù hợp nhất cho phụ nữ mong con là băng dạ dày điều chỉnh bằng nội soi (LAGB) trong đó vòng băng có thể được điều chỉnh nới lỏng để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của thai kỳ ngày càng tăng. Mặc dù có bằng chứng tốt về kết quả mang thai sau kỹ thuật này, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có kết luận chắc chắn về sự an toàn của thủ thuật này đối với phụ nữ có vấn đề về sinh sản.

Để cải thiện đáp ứng với kích thích buồng trứng ở phụ nữ béo phì, có thể cần một liều gonadotropin cao hơn. Tuy nhiên, những bệnh nhân này có xu hướng đáp ứng quá mức với kích thích buồng trứng và do đó, cần thận trọng khi tăng liều, đặc biệt ở những phụ nữ béo phì có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) (3).

Tài liệu tham khảo
  1. Maheshwari A, Stofberg L, Bhattacharya S. (2007) Ef- fect of overweight and obesity on assisted reproductive technology: a systematic review. Hum Reprod Update 13, 433–44.
  2.   Wittemer C, Ohl J, Bailly M, Bettahar-Lebugle K, Nisand I. (2000) Does body mass index of infertile women have an impact on IVF procedure and outcome? J Assist Reprod Genet 17, 547–52.
  3. Mostafa Metwall and Bolarinde Ola (2012). The obese patient. In: Khaldoun Sharif and Arri Coomarasamy (eds). Assisted reproduction techniques: Challenges and management options. Blackwell Publishing Ltd.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Trữ lạnh tinh trùng số lượng ít - Ngày đăng: 26-06-2020
Viêm gan siêu vi B và thai kỳ - Ngày đăng: 23-06-2020
Lối sống và khả năng sinh sản - Ngày đăng: 22-06-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK