Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 07-07-2020 10:30am
Viết bởi: Khoa Pham
ĐD Hoàng Thị Thanh- IVFAS

Vô sinh không phải là căn bệnh đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị vô sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó, việc quyết định điều trị của các cặp vợ chồng có rất nhiều trở ngại, nhất là về vấn đề tâm lý. Trong điều trị vô sinh, người ta thường nghĩ người phụ nữ chịu ảnh hưởng nhiều về cả thể chất và tinh thần mà xem nhẹ người nam [2, 5]. Vậy tâm lý nam giới liệu có thực sự ít ảnh hưởng hơn phụ nữ không?



Ảnh hưởng tâm lý từ cuộc sống
Tâm lý của con người là sự tác động của nhiều yếu tố xung quanh tạo thành. Cuộc sống có nhiều lo lắng hay stress cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Công việc cần trình độ cao thì mức độ ảnh hưởng càng tăng lên. Từ những áp lực nhỏ tích lũy trong công việc đến những mối quan hệ khác trong xã hội có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến tâm lý nam giới [3]. Với vị thế là người trụ cột trong gia đình, người đàn ông phải gánh vác trách nhiệm những công việc nặng nhọc và kinh tế. Ngoài ra, người đàn ông bị ảnh hưởng nhiều từ áp lực do sự kì thị của xã hội và định kiến vô sinh vẫn chưa được xóa bỏ [4, 5].

Ảnh hưởng tâm lý từ chẩn đoán vô sinh
Vô sinh là vấn đề không còn mới, tuy nhiên tâm lý tiếp nhận thông tin của nam giới không được thoải mái. Họ xem đó là điều rất kinh khủng và khó chấp nhận. Nó tác động mạnh mẽ đến tâm lý gây ra cảm giác khủng hoảng trong một thời gian dài cho đến khi họ dần dần chấp nhận sự thật. Do đó, việc điều trị vô sinh đối với đa số nam giới là vấn đề rất nhạy cảm [5]. Họ thường thấy xấu hổ và mặc cảm khi vấn đề vô sinh xuất phát từ phía họ thậm chí ngay cả khi xuất phát từ đối tác nữ của họ. Khi đối diện với các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như trong công việc, họ thường có tâm lý che giấu. Điều này gây ra rất nhiều trở ngại đến quyết định cũng như trong suốt quá trình điều trị. Một số người không muốn đến các cơ sở điều trị hay việc gặp bác sĩ điều trị cũng làm họ rất căng thẳng. Tuy nhiên, đối với những nam giới không chịu nhiều áp lực tâm lý che giấu thì họ cũng bị áp lực về việc điều trị cũng như kết quả điều trị như nữ giới.

Ảnh hưởng tâm lý trong quá trình điều trị
Điều trị vô sinh là sự hợp tác từ cả hai bên giữa nam và nữ. Trong đó, việc điều trị cho người phụ nữ thường được quan tâm nhiều hơn vì họ là người tiếp xúc nhiều hơn trong quá trình điều trị. Họ có nhiều lưu ý như việc tiêm thuốc mỗi ngày, tiêm thuốc đúng giờ, việc nhịn ăn uống trước khi làm thủ thuật lấy noãn hay thậm chí là những lưu ý sau khi chuyển phôi, mang thai... Và ngược lại, việc người chồng bị bỏ quên được giải thích bởi sự đóng góp của họ đơn giản hơn trong quá trình điều trị [2]. Đó là người chồng chỉ cần cung cấp tinh trùng (cả tinh trùng lấy bằng thủ dâm hay phẫu thuật lấy tinh trùng). Điều này làm cho nam giới còn nhiều xa cách và chưa có sự kết nối trong điều trị [3].

Theo một nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 50 người đàn ông vô sinh tại các bệnh viện ở Fayoum, Ai Cập. Bảng câu hỏi gồm có 2 phần: Thứ nhất là đặc điểm xã hội học, lối sống của người tham gia, hành vi tình dục và tiền sử vô sinh. Thứ hai là trầm cảm-Lo âu-Stress. Và kết quả của nghiên cứu cho thấy 42% đối tượng nghiên cứu bị trầm cảm. Tuy nhiên, 36% có mức độ lo lắng vừa phải, 46% đối tượng có căng thẳng nghiêm trọng. Như vậy có thể thấy, trạng thái tâm lý của đàn ông vô sinh cũng rất nghiêm trọng và tình trạng tâm lý xã hội của nam giới bị ảnh hưởng tăng dần theo phương pháp và thời gian điều trị vô sinh [6].

Theo một cuộc khảo sát khác năm 2008 ở Đan Mạch có 210 người đàn ông tham gia điều trị khả năng sinh sản với bảng câu hỏi về 3 vấn đề: ý thức cá nhân về vấn đề điều trị vô sinh nam, vấn đề bình đẳng giới trong điều trị và giao tiếp với các chuyên gia y tế trong phòng bệnh. Và kết quả có 28% tin rằng chất lượng tinh trùng giảm của họ ảnh hưởng nhận thức của họ về nam tính, 46% cho rằng sự tham gia bình đẳng giữa vợ và chồng là yếu tố quan trọng trong điều trị, 63% nói rằng các chuyên gia y tế giao tiếp chủ yếu với vợ của họ, 62% nhận thấy cần có một cuộc đối thoại sâu sắc hơn với y tá liên quan đến vô sinh nam và 72% thiếu thông tin về hậu quả tâm lý vô sinh nam [8].

Vì vậy, vai trò của người nam trong quá trình điều trị vô sinh cần được lưu ý. Bởi vấn đề điều trị cũng ảnh hưởng đến tâm lý của họ khá nhiều. Sự mong muốn được đối xử bình đẳng trong quá trình điều trị sẽ mang đến sự ổn định về mặt tâm lý cũng như những quyết định tích cực hơn trong điều trị.

Ảnh hưởng tâm lý từ kết quả điều trị
Mặc dù, nam giới được xem là phái mạnh, tuy nhiên về mặt tâm lý thì cả nam giới và nữ giới đều có những tổn thương nhất định khi đối diện với kết quả điều trị thất bại. Có nhiều nghiên cứu về tâm lý đau khổ khi người nam tiếp nhận thất bại sau điều trị [1]. Và tâm lý đau khổ này có thể kéo dài hơn 12 tháng sau thất bại đó [7]. Đối với người nam có tâm lý muốn che giấu việc bản thân cần được hỗ trợ trong điều trị vô sinh. Nhóm này tâm lý sẽ nặng nề hơn khi không đạt được kết quả mong muốn vì vừa che giấu vừa hy vọng kết quả tốt để sớm thoát khỏi tâm lý che giấu. Đối với người nam quan tâm đến hiệu quả điều trị và mong muốn được công nhận vai trò ngang với phụ nữ trong quá trình điều trị thì khi không đạt được kết quả trong điều trị, họ cũng là người bị tổn thương nặng nề, nhất là khi nguyên nhân vô sinh xuất phát từ phía họ.

Kết luận
Như vậy có thể thấy, người nam vô sinh cần được quan tâm nhiều hơn vì sự tham gia của họ cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị. Không những thế, sự quan tâm này phải ngang bằng với người nữ. Những áp lực về tâm lý của họ cũng không hề nhỏ hơn người phụ nữ như chúng ta vẫn xem nhẹ [3]. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định và sự hợp tác tích cực của họ trong điều trị vô sinh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Jane RW Fisher, Karin Hammarberg. Psychological and social aspects of infertility in men: an overview of the evidence and implications for psychologically informed clinical care and future research. Asian journal of andrology 14 (1), 121, 2012.
  2. Lorraine Culley, Nicky Hudson, Maria Lohan. Where are all the men? The marginalization of men in social scientific research on infertility. Reproductive biomedicine online 27 (3), 225-235, 2013.
  3. Rikke Lund, Camilla Sandal Sejbæk, Ulla Christensen, Lone Schmidt. The impact of social relations on the incidence of severe depressive symptoms among infertile women and men. Human Reproduction 24 (11), 2810-2820, 2009.
  4. James F Smith, Thomas J Walsh, Alan W Shindel, Paul J Turek, Holly Wing, Lauri Pasch, Patricia P Katz, Infertility Outcomes Program Project Group. Sexual, marital, and social impact of a man's perceived infertility diagnosis. The journal of sexual medicine 6 (9), 2505-2515, 2009.
  5. Esmée Hanna, Brendan Gough. The social construction of male infertility: a qualitative questionnaire study of men with a male factor infertility diagnosis. Sociology of Health & Illness 42 (3), 465-480, 2020.
  1. Wafaa Mostafa Ahmed Gamel, Hanan Elzeblawy Hassan, Alyaa Abdallah El-ezazy. Male Infertility and Psychological Repercussions: Α Neglected Problem in Northern Upper Egypt. International Journal of Studies in Nursing 4 (4), 1, 2019.
  2. Laura A Peronace, Jacky Boivin, Lone Schmidt. Patterns of suffering and social interactions in infertile men: 12 months after unsuccessful treatment. Journal of Psychosomatic Obstetrics & Gynecology 28 (2), 105-114, 2007.
  3. Psychological aspects of male fertility treatment (Alice Toft Mikkelsen RN MCN, Svend Aage Madsen MSc PhD LCP,Peter Humaidan MD DMSc) 2012.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Trữ lạnh tinh trùng số lượng ít - Ngày đăng: 26-06-2020
Viêm gan siêu vi B và thai kỳ - Ngày đăng: 23-06-2020
Lối sống và khả năng sinh sản - Ngày đăng: 22-06-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK