BS Vũ Thiên Ân
Dịch tả là một bệnh nguy hiểm, mức độ lan nhanh và có thể gây tử vong. Nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ lớn hơn ở người lớn. Ở nước ta, bệnh thường xảy ra vào mùa nóng khô. Đây là bệnh cần báo dịch khi phát hiện. Trong những năm gần đây, ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hải Phòng đã xảy ra các vụ dịch tả rải rác (2008 - 2009). Trong năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một số trường hợp dịch tả, trong đó có một gia đình toàn bộ bị dịch tả, bé trai 5 tuổi trong gia đình này đã tử vong. Mùa nóng sắp đến, nguy cơ bùng phát dịch tả lại xuất hiện. Vì vậy, cần hết sức cẩn thận đề phòng, nhất là ở trẻ em.
Tóm tắt
-
Dịch tả là bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn Vibrio Cholera gây ra.
-
Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
-
Trên thế giới mỗi năm ước tính có 3 đến 5 triệu trường hợp mắc bệnh tả với 100.000 – 120.000 trường hợp tử vong.
-
80% trường hợp tả được điều trị thành công chỉ bằng bù nước thích hợp.
-
Phòng ngừa tả tốt nhất bằng cách ăn chín, uống sạch và giữ vệ sinh.
-
Khẩu hiệu: “ Nấu chín, uống chín, lột bỏ vỏ hoặc không ăn”.
I/ Định nghĩa – Đường lây truyền:
Bệnh tả là bệnh tiêu chảy cấp do nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae. Đây là một phẩy khuẩn Gram âm thuộc họ Enterobacteriacea, di chuyển nhanh chóng nhờ lông ở một cực. Thời gian ủ bệnh ngắn từ 2 giờ đến 5 ngày tùy số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể.
Vi khuẩn tả được thải ra theo phân và lây nhiễm vào nguồn nước và môi trường chung quanh, từ đó tiếp tục lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, bệnh tả hay gây thành dịch ở những nơi dân cư đông đúc, thiếu cung cấp nước và vệ sinh môi trường kém như các trại tập trung, trại di tản... Tuy nhiên, gần đây ghi nhận thấy các trường hợp tả ở đô thị trên các đối tượng chưa từng tiếp xúc với vi khuẩn tả, không có miễn dịch với vi khuẩn tả nên dễ nhiễm bệnh.
II/ Dịch tễ:
Trong thế kỷ 19, một trận dịch tả lớn đã lan rộng trên thế giới bắt nguồn từ thung lũng Ganges ở Ấn Độ. Sáu trận dịch tiếp theo bắt nguồn từ trận dịch này đã giết chết hàng triệu người trên khắp các lục địa. Các trận dịch lớn gần nhất được ghi nhận ở Nam Á năm 1961, ở Châu Phi năm 1971 và ở Châu Mỹ năm 1991. Hiện tại vẫn ghi nhận nhiều trường hợp tả lẻ tẻ ở các nước trên thế giới.
Những trường hợp tả được Tổ Chức Y Tế Thế Giới ghi nhận có chiều hướng tăng lên. Số trường hợp tả trong giai đoạn 2004 – 2008 cao hơn 24% so với số trường hợp tả trong giai đoạn 2000 – 2004. Trong năm 2008, có 190.130 trường hợp được ghi nhận từ 56 quốc gia với 5143 bệnh nhân tử vong. Đây chỉ là mặt nổi của tảng băng. Số ca tả chưa được báo cáo ước tính cao hơn nhiều do hệ thống giám sát chưa chặt chẽ. Ước tính số trường hợp bệnh tả thật sự vào khoảng 3–5 triệu ca mỗi năm với khoảng 100.000 - 120.000 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, gần đây, trong năm 2008 -2009 ghi nhận có một số trường hợp dịch tả ở Hải Phòng. Trong những tháng đầu năm 2010, ghi nhận có một số trường hợp dịch tả ở Bến Tre.
III/ Vi khuẩn học
Hai nhóm huyết thanh V. cholerae gây các vụ dịch tả thường gặp là nhóm O1 và nhóm O139. Trước đây, nhóm O1 là nguyên nhân chính gây dịch tả. Gần đây, trong các trận dịch tả tại Nam Á, nguyên nhân gây bệnh ghi nhận là V. cholerae nhóm huyết thanh O139, được phân lập lần đầu tiên ở Bangladesh năm 1992. Các nhóm huyết thanh khác chỉ gây tiêu chảy nhẹ và không gây thành dịch lớn.
Hiện tại, một số biến thể khác của vi khuẩn tả đã được phát hiện ở nhiều vùng ở Châu Á và Châu Phi. Người ta lo ngại rằng các biến thể này có thể gây dịch tả nặng với tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, người ta luôn theo dõi sát các chủng vi khuẩn tả đang lưu hành để phát hiện kịp thời các biến thể mới.
Người là nguồn chứa V. cholerae chính trong tự nhiên. Các nguồn nước như nước lợ và nước ở cửa sông cũng có chứa vi khuẩn tả, liên quan đến các loại tảo ở các nguồn nước này. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự nóng lên của khí hậu làm tảo phát triển nhiều tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn tả phát triển. Vi khuẩn tả không lây truyền qua xác người chết.
IV/ Triệu chứng
Các triệu chứng xuất hiện sau nhiễm Vibrio cholerae từ 6 giờ đến 5 ngày, thường 2 – 3 ngày. Vibrio cholerae có độc lực cao, có thể gây tử vong cho cả trẻ em và người lớn nếu không được điều trị thích hợp. Nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ lớn hơn ở người lớn.
Tuy nhiên, 75% số người nhiễm V. cholerae không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, được gọi là người lành mang bệnh. Những người này vẫn thải vi khuẩn tả qua phân trong 7 – 14 ngày, từ đó lây nhiễm cho những người khác.
Trong số những người nhiễm tả có biểu hiện triệu chứng, 80% biệu hiện bệnh lý nhẹ hoặc trung bình. 20% còn lại có biểu hiện tiêu chảy nặng và mất nước trầm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Trong một số trường hợp nặng, tiêu chảy với tốc độ thải phân rất cao, phân nước xối xả đục như nước vo gạo, lợn cợn vẩy trắng, mùi tanh đặc trưng. Nhóm có nguy cơ bệnh nặng là những người có tình trạng miễn dịch giảm như suy dinh dưỡng, nhiễm HIV hoặc những tình trạng suy giảm miễn dịch khác.
V/ Phòng ngừa và kiểm soát
Kiểm soát tả tốt nhất là phòng ngừa không cho dịch xảy ra.
Có nhiều biện pháp phòng ngừa: Quan trọng nhất là có hệ thống theo dõi sát sao, kiểm soát kỹ, phát hiện dịch, thông báo dịch nhanh chóng đồng thời kiểm soát dịch kịp thời ở tất cả các vùng, các nước trên toàn thế giới. Bệnh tả là một trong các bệnh bắt buộc phải được thông báo ngay cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới khi phát hiện.
Cách phòng ngừa bệnh tả cho từng cá nhân rất đơn giản: ăn chín, uống sạch, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh.
Khi có dịch tả, cần cách ly người bệnh, điều trị người bệnh và người lành mang trùng nhanh chóng. Xử lý nguồn nước và môi trường nghi ngờ chứa vi trùng tả với hoá chất thích hợp, cung cấp đủ nước sạch. Điều trị dự phòng cho những đối tượng có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng nếu nhiễm tả.
VI/ Điều trị
Tả là một bệnh nhiễm khuẩn dễ điều trị. Quan trọng nhất là bù nước: 80% trường hợp tả được điều trị thành công chỉ bằng bù nước thích hợp bằng dung dịch ORS uống (WHO/UNICEF). Rất ít trường hợp cần bù nước bằng truyền dịch. Điều quan trọng là phải bù nước nhanh chóng, kịp thời.
Cần cho kháng sinh để làm giảm thời gian tiêu chảy, từ đó giảm lượng dịch cần bù đồng thời làm giảm thời gian thải V. cholera qua phân của người bệnh à giảm nhiễm khuẩn cho môi trường xung quanh. Không cần kết hợp nhiều kháng sinh vì vi trùng tả dễ bị tiêu diệt chỉ với một loại kháng sinh thích hợp sử dụng trong thời gian ngắn. Mặt khác, kết hợp thuốc sẽ gây nên nguy cơ đề kháng cao. Các kháng sinh được khuyến cáo sử dụng như: Tetracyclin, Erythromycine hoặc Trimethoprim-Sulfamethoxazole (cho trẻ nhỏ và phụ nữ có thai), Chloramphenicole…
Nếu được điều trị thích hợp, tỷ lệ tử vong < 1%.
VII/ Vaccin ngừa bệnh tả?
Vaccin ngừa tả được sử dụng cho những người du lịch hay đến làm việc tại các vùng, các quốc gia được ghi nhận có bệnh tả. Tuy nhiên, các vaccin này chỉ có hiệu quả một phần (hiệu quả bảo vệ khoảng 50%) và chỉ có hiệu quả bảo vệ trong vòng 3-6 tháng.
Có 2 loại vaccin ngừa tả. Đây đều là vaccin làm từ tế bào vi khuẩn tả đã chết nên không có khả năng gây bệnh tả, một loại có thêm phó đơn vị kết hợp B, một loại không có (Dukoral và Shanchol). Cả 2 loại đều được chỉ định 2 liều vaccin (uống) vào 6 tuần và 7 ngày trước khi du lịch đến vùng khuyến cáo có lưu hành bệnh tả.
Tài Liệu tham khảo
1. CDC. Cholera.
http://www.cdc.gov/nczved/divisions/dfbmd/diseases/cholera/
2. CDC. Cholera prevention
http://wonder.cdc.gov/wonder/prevguid/p0000002/p0000002.asp
3. Infection Disease. Cholera - Vibrio Cholera Infection
http://infectiousdiseases.about.com/od/diseasesbyname/a/cholera.htm
4. Medecine Net. Cholera.
http://www.medicinenet.com/cholera/page2.htm#5isa
5. WHO. Cholera.
http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs107/en/
6. Wisconsin Department of Health Services. Cholera Fact Sheet.
http://dhs.wisconsin.gov/communicable/factsheets/CHOLERA.HTM
7. Wrong Diagnosis. Cholera.
http://www.wrongdiagnosis.com/c/cholera/intro.htm#whatis
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ