Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 17-05-2012 4:04am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Khác

mo_3TS. BS. Nguyễn Thành Như

Trưởng khoa Nam học, BV. Bình Dân, TP. HCM

 


ĐỊNH NGHĨA

Chuyển giới tính (CGT) là tình trạng mà một cá nhân có sự biệt hóa giới tính bình thường nhưng lại tin rằng họ là thành viên của giới tính kia. Điều này kết hợp với một yêu cầu điều trị phẫu thuật và nội tiết cấp bách, kiên định để thích ứng với giới tính kia.

Bốn tiêu chuẩn của CGT theo DSM-IV:

A. Ước muốn mạnh mẽ và bền bỉ về được sống và được chấp nhận như là một thành viên của giới tính kia.

B. Không thoải mái liên tục với giới tính của bản thân hay cảm giác không thích hợp với vai trò giới tính của giới tính của họ.

C. Sự rối loạn này không phải là triệu chứng của một bệnh lý lưỡng giới.

D. Sự rối loạn này gây ra những lo lắng, thiếu sót trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp hay những vấn đề quan trọng khác.

CGT là một tình trạng tự chẩn đoán, không có xét nghiệm nào khác ngoài sự bất an giới tính (gender dysphoria) kéo dài ít nhất 2 năm, chỉ giảm bớt khi về mặt tâm lý xã hội, giãi phẫu và nội tiết, người CGT được thừa nhận thuộc về giới tính kia. Tình trạng tự chẩn đoán được khẳng định bằng khảo sát tâm lý, bao gồm một giai đoạn thử nghiệm. Giai đoạn này bắt đầu khi người CGT bắt đầu được trị liệu nội tiết và họ được yêu sầu sống ngoài xã hội như một người thuộc giới tính kia, trước khi họ được phẫu thuật chỉnh giới không hồi phục.

NGUYÊN NHÂN VÀ TẦN SUẤT

Nguyên nhân vẫn chưa rõ. Tại châu Âu, khoảng 1/30.000 nam và 1/100.000 nữ yêu cầu được phẫu thuật chuyển giới. Thông tin mới nhất về tần suất CGT tại Hà Lan là 1/11.900 ở nam và 1/30.400 ở nữ.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Khám lâm sàng, định lượng nối tiết tố sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính chỉ giúp khẳng định giới tính sinh học bình thường mà không phát hiện gì lạ khác.

ĐIỀU TRỊ

Cần có một khoảng thời gian vừa đủ để người CGT và gia đình họ thích ứng với việc chuyển từ giới tính này sang giới tính kia. Bên cạnh lý do tâm lý, cơ thể cũng cần một thời gian để thích ứng với môi trường nội tiết mới. Thời gian này vào khoảng 2 năm.

Điều trị chuyển giới bằng hormone

Cần thực hiện trước khi phẫu thuật. Sự hài lòng với liệu pháp nội tiết giúp củng cố sự nhận dạng như là một thành viên của giới tính kia của người CGT. Sự không hài lòng với hiệu quả của hormone có thể báo hiệu sự không sẵn sàng của người CGT cho việc phẫu thuật. Một số người CGT hài lòng với liệu pháp nội tiết và không muốn phẫu thuật tạo hình.

Điều trị chuyển giới bằng hormone nhằm 2 mục đích:

1. Giảm các đặc tính sinh dục thứ phát do hormone gây ra càng nhiều càng tốt, nhưng hiếm khi loại bỏ được hoàn toàn các đặc tính này.

2. Tạo ra các đặc tính sinh dục thứ phát của giới tính kia.

Nam-thành-nữ

Antiandrogens

Cyproterone acetate (50 mg/ngày). Medroxyprogesterone acetate, 5–10 mg/ngày, kém hiệu quả hơn. Nonsteroidal antiandrogens (flutamide, và nilutamide) cũng có thể dùng, nhưng gây tăng tiết gonadotrophin, làm tăng tiết testosterone và estradiol. Spironolactone (100 mg 2 lần/ngày). Đồng vận GnRH, được dùng để ức chế sự tiết gonadotrophin. Finasteride (1–5 mg/ngày.

Estrogens

Estrogen có thể làm tăng kích thước vú, tái phân bố mỡ giống phân bố mỡ nữ giới, giảm sức cơ thân trên, da mịn, lông ít, giảm hay ngưng hói đầu, giảm thể tích tinh hoàn, cương dương yếu. Sau 2 năm, khoảng 40% - 50% người CGT hài lòng với điều trị. Tuy nhiên, các thuốc trên không ảnh hưởng tới giọng nói, nên người CGT nam-thành-nữ cần được trị liệu riêng về giọng nói.

Nữ-thành-nam

Prodestins (Medroxyprogesterone acetate, 5–10 mg/ngày), để ngưng hành kinh.

Testosterone

Giọng nói trở nên trầm sau 6–10 tuần, âm vật nở to, vú teo nhẹ, tăng lông mặt và thân và hói kiểu nam. Tăng sức cơ thân trên, tăng cân, tăng ham muốn hoạt động xã hội và tình dục, giảm mỡ hông.

Tác dụng phụ của liệu pháp nội tiết

Tử vong không cao hơn nhóm chứng. Tuy nhiên, liệu pháp nội tiết chuyển giới có thể có những tác dụng phụ sau:

Tăng khuynh hướng cục máu đông (thuyên tắc tĩnh mạch với nguy cơ thuyên tắc phổi) trên người CGT nam sinh học điều trị bằng estrogens và antiandrogens, phát triển u lành tuyến yên tăng tiết prolactine, vô sinh, tăng cân, tình cảm không ổn định, bệnh gan, ngủ gật, tăng huyết áp và tiểu đường.

Tác dụng phụ trên người CGT nữ sinh học được điều trị bằng testosterone là vô sinh, mụn trứng cá, tình cảm không ổn định, tăng ham muốn tình dục, hình ảnh lipit máu kiểu nam nên tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Điều trị chuyển giới bằng phẫu thuật

Bộ sinh dục ngoài và tuyến sinh dục của giới tính gốc phải được cắt bỏ.

CGT nam-thành-nữ: tinh hoàn và dương vật phải được cắt bỏ. Âm đạo mới thường được tạo thành từ da dương vật, và da bìu tạo thành môi lớn. Nếu vú không đủ to, cần phẫu thuật tạo hình vú với các túi nhân tạo.

CGT nữ-thành-nam: Vú, tử cung và buồng trứng phải được cắt bỏ. Núm vú được giữ lại và tạo hình thành kiểu nam. Dương vật có thể tạo hình đơn giản theo kiểu metaidoioplasty (dương vật âm vật), hoặc phổ biến hiện nay là tạo hình từ vạt da cẳng tay. Các phẫu thuật này giúp bệnh nhân có thể tiểu đứng. Bìu có thể được tạo hình từ môi lớn, với tinh hoàn giả. Phẫu thuật nhét thể hang giả có thể được thực hiện để tạo cương dương vật giúp người CGT có thể giao hợp được.

KẾT LUẬN

Mặc dù cần có thêm chứng cứ, điều trị đúng đắn rối loạn chuyển giới đem lại sự an toàn hơn cho người CGT không được điều trị, họ dễ bị trầm cảm và tự sát. Một đội ngũ các chuyên gia về rối loạn chuyển giới có thể đem lại sự chăm sóc tối ưu cho người CGT. Những người CGT cần sự hỗ trợ lâu dài trong trị liệu nội tiết, tâm lý và không nên bị phân biệt đối xử khi họ có yêu cầu được chăm sóc y tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  American psychiatric association. DSM-IV, 1994.

2.  Asscheman H, Gooren LJ. Hormone treatment in transsexuals. J Psychol Hum Sex 5:39, 1992

3.  Council of Europe. Transsexualism, medicine and law. XXIIIrd Colloquy on European, 1993.

4.  Giltay EJ. Effects of sex steroid on the vascular and immune systems, studies in transsexualsubjects and patients with rheumatic disease. PhD thesis. Amsterdam, 1999.

5.  Gooren L (1990) The endocrinology of transsexualism: a review and commentary. Psychoneuroendocrinology 15:3

6.  Hage JJ, Bloem JJAM, Suliman HM. Review of the litterature on the techniques for phalloplasty with emphasis on the applicability in female-to-male transsexuals. J urol, 150, 1093-1098, 1993.

7.  Jordan GH, Schlossberg SM. Surgery of the penis and urethra. In Campbell-Walsh urology, 9th ed, 2007.

8.  Karim RB. Vaginoplasty in transsexuals. PhD thesis. Amsterdam, 1996.

9.  T’Sjoen GGR. Problem: gender dysphoria and disorders of sexual differentition. In Andrology for the clinician, Springer, 2006.

10.  Van Kesteren PJ, Gooren LJ, Megens JA (1996) An epidemiological and demographic study of transsexuals in The Netherlands. Arch Sex Behav 25:589

11.  The World Professional Association for Transgender Health (http://www.wpath.org).

12.  Zhou JN, Hofman MA, Gooren LJ, Swaab DF (1995) A sex difference in the humanbrain and its relation to transsexuality. Nature 378:68


Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TỔNG QUAN VỀ BĂNG HUYẾT SAU SINH - Ngày đăng: 29-06-2009
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK