Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 22-08-2024 2:01am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology – ART) đã trở thành phương pháp điều trị vô sinh hiệu quả, với sự gia tăng số lượng trẻ em được sinh ra bằng công nghệ này. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ gia tăng các kết cục bất lợi xuất hiện ở trẻ sinh ra từ ART, chẳng hạn như sinh non (Preterm birth - PTB), nhẹ cân (Low birth weight - LBW) và nhỏ so với tuổi thai (Small for gestational age - SGA) so với trẻ sinh từ phương thức tự nhiên. Việc chuyển nhiều phôi đạt được tỉ lệ thai tốt hơn, tuy nhiên, dẫn đến tỉ lệ đa thai cao và các bất lợi về kết cục chu sinh. Hiện nay, các trung tâm đều hướng tới giảm số lượng phôi chuyển. Nhiều nghiên cứu cho rằng chuyển đơn phôi nang có kết quả lâm sàng cao hơn so với phôi giai đoạn phân chia.
 
Chất lượng phôi có vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả mang thai. Tuy nhiên, chỉ một số nghiên cứu tập trung về ảnh hưởng chất lượng phôi đối với cân nặng khi sinh và kết quả các nghiên cứu không nhất quán. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy tốc độ phát triển phôi nang nhanh có mối tương quan tích cực đến tiềm năng phát triển của phôi. Tuy nhiên, cũng có rất ít dữ liệu về ảnh hưởng tốc độ phát triển phôi nang đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Cân nặng của trẻ sơ sinh là thước đo sức khoẻ của trẻ. Trẻ sơ sinh nhỏ hơn so với tuổi thai (SGA) hoặc lớn hơn so với tuổi thai (large for their gestational age - LGA) có khả năng bất thường về tim mạch dẫn đến nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và béo phì trong tương lai. Do đó, nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu ảnh hưởng của tốc độ phát triển và chất lượng phôi nang đến cân nặng khi sinh trong chu kỳ chuyển đơn phôi nang đông lạnh sau rã đông (Frozen-thawed blastocyst transfer - FBT).
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu tổng hợp, phân tích hồi cứu các kết quả của chu kỳ FBT tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2021. Tiêu chí lựa chọn gồm: phụ nữ <40 tuổi, chu kỳ FBT đơn, mang thai đơn, phôi nang độ nở rộng 4. Những bệnh nhân có thực hiện PGT, bất thường về tử cung, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn tuyến giáp bị loại khỏi nghiên cứu này.
 
Dựa vào tốc độ phát triển và chất lượng phôi nang (theo tiêu chuẩn Gardner), các chu kỳ FBT được chia thành bốn nhóm:
  • Nhóm A: phôi D5 chất lượng tốt; n=243
  • Nhóm B: phôi D5 chất lượng kém; n=51
  • Nhóm C: phôi D6 chất lượng tốt; n=76
  • Nhóm D: phôi D6 chất lượng kém; n=50
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 22.0).
 
Kết quả
Tổng cộng có 420 bệnh nhân tham gia nghiên cứu và tất cả chu kỳ đều sinh đơn thai. Không có sự khác biệt về cân nặng khi sinh giữa các nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, nhóm A có cân nặng cao nhất (3382,1 ± 489,2g; p>0,05) và thấp nhất ở nhóm D (3258,8 ± 475,7g; p>0,05). Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm trẻ sơ sinh về các chỉ số: LBW (cân nặng khi sinh thấp), VLBR (cân nặng khi sinh rất thấp), LGA (lớn so với tuổi thai), SGA (nhỏ so với tuổi thai). Ngoài ra, có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ giới tính giữa bốn nhóm (p<0,05) với tỉ lệ con trai cao nhất ở nhóm A (58,8%) và thấp nhất ở nhóm D (36,0%). 
 
 
Phân tích đa biến cho thấy kết quả sơ sinh bao gồm PTB, VPTB, LBW, VLBW, SGA và LGA là tương tự nhau giữa các nhóm trẻ sơ sinh (p>0,05). Ngoài ra nghiên cứu thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính, kết quả chỉ ra rằng không có mối tương quan giữa cân nặng khi sinh và tốc độ phát triển cũng như chất lượng của phôi nang.
 
 
Bàn luận
Các nghiên cứu trước đây cho rằng, phôi phát triển chậm ảnh hưởng đến kết quả sơ sinh. Những phôi nang D6 phát triển chậm có tỉ lệ mang thai và tỉ lệ sinh sống thấp hơn, tỉ lệ cân nặng khi sinh cao hơn so với phôi nang D5, và trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc tình trạng LGA cao. Tuy nhiên, cơ chế mà tốc độ phát triển của phôi nang ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh vẫn chưa rõ ràng.
 
Nghiên cứu này cho thấy, tốc độ phát triển và chất lượng phôi nang không ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh khi so sánh giữa bốn nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, việc chuyển phôi nang phát triển chậm, chất lượng kém sẽ làm tăng cơ hội sinh con gái. Nguyên nhân có thể là vì các phôi nang nam phát triển nhanh hơn và có điểm số hình thái tốt hơn so với các phôi nang nữ ở cùng một giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra mức độ ảnh hưởng của tốc độ phát triển phôi đến tỉ lệ giới tính trẻ em.
 
Nghiên cứu này có một số hạn chế. Đầu tiên đây là nghiên cứu hồi cứu, một số yếu tố gây nhiễu có liên quan với cân nặng khi sinh chưa thể loại bỏ do bản chất hồi cứu. Thứ hai, đánh giá phôi nang mang tính chủ quan nhất định. Thứ ba, phôi nang có chất lượng tốt được ưu tiên chuyển cho bệnh nhân để đảm bảo tỉ lệ thai lâm sàng, tuy nhiên không chọn ngẫu nhiên phôi để chuyển trong nghiên cứu này. Cuối cùng, nghiên cứu gồm những bệnh nhân <40 tuổi, không áp dụng cho phụ nữ lớn tuổi. Cần có thêm nghiên cứu đa trung tâm để phân tích dữ liệu với quy mô lớn.
 
Nguồn: Wang X, Xiao Y, Sun Z, Tao T. Effect of development speed and quality of blastocyst on singleton birthweight in single frozen-thawed blastocyst transfer cycles. Front Endocrinol (Lausanne). 2024;14:1307205. Published 2024 Jan 15. doi:10.3389/fendo.2023.1307205.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK