Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 12-07-2021 12:48pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Chu Thị Phương Trang – Phòng khám Ngọc Lan

Khi chương trình tiêm chủng COVID-19 bắt đầu được triển khai, nhiều phụ nữ trẻ do dự trong việc chấp nhận tiêm ngừa vaccine vì lo ngại tác động của vaccine tới khả năng sinh sản. Mặc dù phụ nữ có thai đã bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng nhưng một số phụ nữ mang thai vẫn được cung cấp vaccine và họ không biết có nên tiêm hay không. Dữ liệu về các trường hợp mang thai ngẫu nhiên xảy ra trong quá trình thử nghiệm và ngày càng có nhiều kết quả ở những người mang thai được chủng ngừa có thể giúp các nhóm này đưa ra quyết định sáng suốt.

Vào tháng 12 năm 2020, trên mạng đã xuất hiện thông tin sai lệch từ một nhân viên cấp cao của Pfizer lo ngại rằng các kháng thể do vaccine COVID-19 tạo ra có thể tấn công nhau thai. Bài đăng nhanh chóng bị gỡ bỏ nhưng những tin đồn về nó bắt đầu lan truyền. Từ đó, một cuộc khảo sát do 'Find Out Now' thực hiện cho thấy hơn một phần tư phụ nữ trẻ ở Vương quốc Anh cho biết sẽ từ chối vaccine vì lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với khả năng sinh sản. Đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn vô căn cứ về vaccine gây vô sinh được lan truyền. Năm 2003, những lo ngại như vậy đã dẫn đến việc tẩy chay tiêm vaccine bại liệt ở miền bắc Nigeria; gần đây hơn, nó đã góp phần vào sự do dự trong việc chấp nhận vaccine ngăn ngừa virus HPV gây u nhú sinh dục ở người. Có thể hiểu được rằng mọi người đang e ngại về tác dụng ngoài ý muốn của vaccine, đặc biệt đối với các loại vaccine mới. Phần lớn các tác dụng ngoại ý có thể được loại trừ trong các thử nghiệm lâm sàng, nhưng trong một thời gian ngắn thì khó có thể xác định được, đặc biệt là trong giai đoạn COVID-19 hiện tại, có nghĩa là tỷ lệ của tác dụng ngoài ý muốn có thể không giảm và vẫn có thể xảy ra trong nhiều thập kỷ về sau. Sự thực là nhiều người đang do dự về việc tiêm vaccine mRNA, vì đây là một nền tảng tạo miễn dịch tương đối mới. Đối với những lo ngại này, cần lưu ý rằng các thử nghiệm vaccine mRNA đầu tiên trên người đã bắt đầu vào năm 2006, vì vậy đã có 15 năm mà bất kỳ vấn đề lâu dài nào phát sinh từ nền tảng này đều có thể được chỉ ra.
Mặc dù nhiều tin đồn rằng vaccine COVID-19 có thể tổn thương chức năng sinh sản đặc biệt đối với vaccine mRNA, có thể là do tin đồn xuất hiện trong bối cảnh vaccine Pfizer/BioNTech được đưa vào sử dụng, nhưng cũng có thông tin cụ thể là các kháng thể nhận ra protein đột biến SARS-CoV-2 có thể phản ứng chéo với protein syncytin 1 của nhau thai người và do đó làm tổn thương nhau thai. Nếu phản ứng chéo như vậy xảy ra trên tất cả các nền tảng vaccine cũng như trên các bệnh nhiễm trùng tự nhiên sẽ được cho là có liên quan đến bệnh lý nhau thai. Một thí nghiệm tự nhiên đảm bảo với chúng ta rằng điều này khó có thể xảy ra vì những người bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước khi thụ thai hoặc trong thời kỳ đầu mang thai không tăng khả năng sẩy thai hơn so với những người không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các nhà miễn dịch học cũng đã đưa ra các bằng chứng rằng các kháng thể đối với protein đột biến không có phản ứng chéo với syncytin 1: không có sự tương đồng đáng kể giữa trình tự axit amin trên gen SARS-CoV-2 và syncytin 1 cũng như huyết thanh từ bệnh nhân tiêm ngừa COVID-19 không phản ứng với syncytin 1.

Một số nghiên cứu lâm sàng đã đặt vấn đề liệu vaccine COVID-19 có tác động xấu tới khả năng sinh sản hay không. Các nghiên cứu về độc tính đối với sự phát triển và sinh sản cho thấy rằng vaccine không gây hiện tượng vô sinh trên động vật gặm nhấm hoặc gây hại cho chuột con nếu được tiêm trong thời kỳ mang thai. Cũng từng có ý tưởng về cách vaccine ảnh hưởng đến quá trình mang thai ở người từ dữ liệu trên những người tình nguyện mang thai trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù người mang thai đã bị loại khỏi các thử nghiệm và những người tham gia được yêu cầu tránh mang thai, nhưng thực tế đã có 57 trường hợp mang thai đã xảy ra trong các thử nghiệm của ba loại vaccine đã được phê duyệt ở Anh cho đến nay. Dữ liệu về số ca có thai và diễn tiến thai kỳ được tóm tắt trong Bảng 1. Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở nhóm được tiêm chủng so với nhóm đối chứng, điều này cho thấy rằng vaccine không có tác dụng ngừa thai trên người. Tương tự, tỷ lệ sẩy thai là tương đương giữa các nhóm, cho thấy không có tác dụng bất lợi của việc tiêm phòng trong thời kỳ đầu mang thai.
 

 
Mặc dù dữ liệu còn giới hạn, nhưng cho đến nay chúng ta có thể tạm yên tâm. Vì lý do này, các cơ quan quản lý ở Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ đã khuyến cáo những người mang thai nên được tiêm vaccine khi lợi ích mang lại cao hơn nguy cơ tiềm ẩn: công nhân đang mang thai được ưu tiên và những người có tình trạng tốt hiện đang được tiêm vaccine. Tại Hoa Kỳ, vào ngày 10 tháng 2 năm 2021, 20000 người mang thai đã được chủng ngừa COVID-19 và sự gia tăng của những người được tiêm vaccine đã góp phần khẳng định “không có nguy hiểm”. Ở Vương quốc Anh, ít người được chủng ngừa hơn, nhưng thực trạng tiêm vaccine tại đây dường như tương tự như ở Hoa Kỳ.

Ngoài việc giám sát rộng rãi những người nhận vaccine, các nghiên cứu chính thức theo dõi kết quả của nhóm người mang thai tiêm vaccine đang được tiến hành. Những biện pháp này được đưa ra chủ yếu để đảm bảo an toàn cũng như đánh giá hiệu quả khả năng tạo kháng thể của vaccine, đặc biệt trong thai kỳ. Những bệnh nhân mang thai mắc COVID-19 có nhiều khả năng cần được chăm sóc đặc biệt, nhiều khả năng sẽ sinh con sớm hơn và con của họ cũng có nhiều khả năng được đưa vào đơn vị chăm sóc sơ sinh tích cực (NICU). Việc tiêm phòng vaccine nhằm giảm đi những rủi ro này là chính đáng và nếu đúng như vậy, chúng ta nên cân nhắc việc ưu tiên cho người mang thai đi tiêm phòng.

Các nghiên cứu sâu hơn cũng sẽ giải quyết các câu hỏi xung quanh việc tiêm phòng khi mang thai có ảnh hưởng gì đến em bé hay không. Tất nhiên, những nghiên cứu này sẽ nhằm mục đích loại trừ bất kỳ tác động bất lợi nào, nhưng nhiều tác động dự kiến là có lợi. Một nghiên cứu điển hình cho thấy IgG chống Covid-19 tăng rõ rệt ở trẻ sơ sinh có mẹ đã tiêm vaccine trong thời kỳ mang thai. Điều này có xảy ra rộng rãi hay không và nếu có, liệu kháng thể truyền qua nhau thai có mang lại cho trẻ sơ sinh bất kỳ sự bảo vệ nào chống lại SARS-CoV-2 vẫn chưa thể xác định. Tương tự, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định mức độ mà các kháng thể được tạo ra bởi vaccine đi vào sữa mẹ và liệu điều này có bất kỳ tác dụng bảo vệ nào đối với trẻ bú mẹ hay không.

Tóm lại, tiêm vaccine COVID-19 khi mang thai có an toàn không? Các dữ liệu cho đến nay đã cho thấy: “Do nguy cơ ngày càng nhiều của COVID-19 trong thai kỳ, nên nhiều người mang thai đã quyết định chấp nhận tiêm vaccine”. Bằng cách theo dõi kết quả của những người này và thai nhi của họ, chúng ta sẽ sớm có thể đưa ra các khuyến cáo dựa trên bằng chứng về việc liệu vaccine có nên được triển khai rộng rãi hơn cho những người mang thai hay không? Trong khi đó, những người đang có kế hoạch mang thai có thể yên tâm vì nhiều bằng chứng cho thấy tiêm phòng không gây hại đến khả năng sinh sản.
 
Nguồn: Male, V. (2021). Are COVID-19 vaccines safe in pregnancy? Nature Reviews Immunology, 1-2.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Mối quan hệ giữa stress và vô sinh - Ngày đăng: 02-07-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK