Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-12-2020 3:08pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CTV Nguyễn Vĩnh Xuân Phương
 
Sự gia tăng của các loại thực phẩm biến đổi gen trong thời đại ngày nay đã làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng của chúng lên nhiều mặt của sức khoẻ, trong đó có sức khoẻ sinh sản. Keshani và cộng sự đã thực hiện một tổng quan hệ thống nhằm đánh giá ảnh hưởng tiềm năng của các loại thực phẩm biến đổi gen lên các thông số tinh trùng, bao gồm đầu tinh trùng, độ di động, bất thường hình thái tinh trùng và chỉ số sinh sản.

Một cuộc tìm kiếm y văn hệ thống đã được thực hiện độc lập bởi 3 tác giả trên các trang Scopus, Web of Science, PubMed, và Embase vào tháng 1/2019. Tổng cộng có 1467 bài báo được tìm thấy sau khi loại trừ các bài trùng. Chỉ những bài báo bằng tiếng Anh được sử dụng. Ngoài ra, danh sách tài liệu tham khảo của các bài báo đã được chọn cũng được tìm kiếm để chọn vào tổng quan nếu phù hợp tiêu chuẩn.

Để đánh giá ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen lên khả năng sinh sản, các nghiên cứu thử nghiệm có thiết kế so sánh với nhóm chứng được lựa chọn. Để đánh giá chất lượng bài báo, các nhà nghiên cứu sử dụng bảng kiểm Cochrane. Những bài báo được chọn được cho điểm độc lập bởi 3 tác giả và các bài đạt chuẩn được bao gồm trong tổng quan. Không có bài báo nào bị loại trừ sau quá trình đánh giá chất lượng. Sau khi xem xét nội dung abstract và toàn văn, cuối cùng có 7 bài phù hợp nhất được sử dụng trong tổng quan.

Thực phẩm biến đổi gen được nghiên cứu bao gồm: gạo (4 nghiên cứu), bắp (1 nghiên cứu) và khoai tây (1 nghiên cứu). Các chỉ số đánh giá khả năng sinh sản bao gồm: các chỉ số tinh dịch đồ, thời gian có thai, chỉ số giao phối, tỉ lệ sinh sống và tỉ lệ giới tính.
Tổng quan cho thấy:
  • Các thông số tinh dịch đồ không khác biệt giữa 3 nhóm can thiệp (chế độ ăn chứa thực phẩm biến đổi gen, dòng gần đẳng gen và chế độ ăn tiêu chuẩn) sau thời gian thử nghiệm 90 ngày.
  • Hoạt động chức năng của các enzyme trong tinh hoàn như acid phosphatase, lactic dehydrogenase và succinate dehydrogenase không khác biệt giữa nhóm chế độ ăn tiêu chuẩn và nhóm chứng.
  • Không thấy tác hại lên khả năng sinh sản của 3 thế hệ kế tiếp (F0-F2) khi chuột được cho ăn gạo biến đổi gen trong thời gian giao phối và trong thời gian mang thai.
  • Không có bằng chứng về ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen lên sự phát triển, số lượng và tỉ lệ giới tính của chó qua nhiều thế hệ.
  • Không có sự thay đổi về độ dài của thai kỳ và chỉ số sinh giữa nhóm nghiên cứu và nhóm chứng.
Phát hiện của tổng quan này cho thấy thực phẩm biến đổi gen không có tác dụng có hại lên các chỉ số sinh sản. Tuy nhiên, vẫn cần các nghiên cứu dài hạn để bảo đảm việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen không gây hại cho người dùng, đặc biệt là ở các vùng có tỉ lệ vô sinh cao.

Nguồn: Keshani, P., Sharifi, M. H., Heydari, M. R., & Joulaei, H. (2020). The Effect of Genetically Modified Food on Infertility Indices: A Systematic Review Study. The Scientific World Journal2020, 1424789. https://doi.org/10.1155/2020/1424789.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK